Trang chủ Sống khỏeLối sống Chỉ cần trồng trong nhà, loại cây này sẽ âm thầm “nuốt” bụi mịn, lọc khí độc mỗi ngày

Chỉ cần trồng trong nhà, loại cây này sẽ âm thầm “nuốt” bụi mịn, lọc khí độc mỗi ngày

bởi Admin
0 Lượt xem

Cảnh báo về ô nhiễm không khí trong nhà

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo: ô nhiễm không khí trong nhà là nguyên nhân gây ra hơn 3,2 triệu ca tử vong sớm mỗi năm, trong đó có 600.000 trẻ em dưới 5 tuổi. Đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển và khu vực đô thị đông đúc.

Các chất ô nhiễm phổ biến trong nhà như bụi mịn PM2.5, khí CO, NO₂, formaldehyde hay benzen có thể phát sinh từ bếp gas, thiết bị đốt than củi, sơn tường, keo dán, đồ nội thất, khói thuốc lá… WHO khuyến cáo ngưỡng an toàn cho PM2.5 chỉ là 5 µg/m³ (trung bình năm), tuy nhiên, nhiều gia đình đang sống trong điều kiện vượt xa mức này.

Trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và người mắc bệnh hô hấp, tim mạch là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất. Không khí ô nhiễm trong nhà có thể dẫn đến các bệnh như viêm phổi, hen suyễn, ung thư, đột quỵ.

Để cải thiện chất lượng không khí, WHO khuyến nghị: tăng cường thông gió tự nhiên, không hút thuốc trong nhà, sử dụng nhiên liệu sạch, hạn chế hóa chất bay hơi, trồng cây xanh và lắp đặt máy lọc không khí nếu cần thiết.

Trúc mây trồng trong nhà giúp thanh lọc không khí (ảnh minh hoạ).

“Thỏi nam châm” hút bụi mịn trong nhà

Một trong những loại cây có khả năng hút bụi mịn, lọc khí độc, tăng độ ẩm và mang lại may mắn là cây trúc mây. Theo nhà khoa học Bùi Đắc Sáng – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trúc mây (Rhapis excelsa) không chỉ là cây cảnh trang trí mà còn được xem như một “bộ lọc sống” trong không gian gia đình, nhờ khả năng thanh lọc không khí, điều hòa độ ẩm và giá trị phong thủy tích cực.

Theo nghiên cứu của NASA (Clean Air Study), trúc mây có khả năng hấp thụ và chuyển hóa nhiều chất độc hại thường có trong nhà như formaldehyde (từ sơn, keo, nội thất), ammonia (chất tẩy rửa), xylene, toluene (từ khói thuốc, sơn) và benzen – một hợp chất có khả năng gây ung thư. Các khí độc này được lá cây hấp thụ qua khí khổng, sau đó xử lý trong mô tế bào hoặc bởi vi khuẩn cộng sinh ở rễ.

“Không chỉ làm sạch không khí, trúc mây còn giúp tăng độ ẩm tự nhiên thông qua quá trình thoát hơi nước. Điều này đặc biệt hữu ích trong môi trường sử dụng điều hòa thường xuyên – nơi không khí khô dễ gây khô da, viêm mũi hay kích ứng mắt”, ông Sáng cho biết.

Cũng theo ông Sáng, trúc mây có tán lá rậm và dày, giúp giữ lại bụi mịn PM2.5, hỗ trợ giảm ô nhiễm trong phòng kín. Bên cạnh đó, cây có khả năng sinh trưởng tốt trong điều kiện ánh sáng yếu, ít cần chăm sóc, phù hợp với không gian đô thị như phòng khách, văn phòng, hành lang chung cư.

Không chỉ là một loài cây cảnh phổ biến trong trang trí nội thất, trúc mây còn mang ý nghĩa tinh tế và đặc biệt. Từ lâu, cây đã trở thành biểu tượng của sự thanh khiết và thanh lịch.

Về mặt phong thủy, trúc mây được xem là biểu tượng của may mắn, trường thọ và bình an. Dáng cây thanh mảnh, lá xòe đều được cho là giúp thu hút năng lượng tích cực, mang lại sự hài hòa cho không gian sống.

Với những lợi ích về sức khỏe, môi trường và tinh thần, trúc mây xứng đáng là một trong những lựa chọn hàng đầu để trồng trong nhà, tạo không gian xanh và góp phần thanh lọc không khí mỗi ngày.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan