Nội dung chính
Theo tờ MK (Nga), trong bối cảnh Moscow lao đao với cuộc chiến trực tiếp ở Ukraine và đối đầu gián tiếp với phương Tây, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã phát động đòn công kích chính trị mạnh mẽ nhất từ trước đến nay nhắm vào Điện Kremlin.
“Ông Putin đang đối mặt với thách thức chưa từng có trên phương diện lãnh đạo” – MK nhận định.
Động thái diễn ra sau sự kiện mới nhất làm bùng nổ căng thẳng giữa hai nước: Lực lượng an ninh Nga (FSB) hôm 27/6 triển khai chiến dịch đặc biệt tại Yekaterinburg, bắt giữ hơn 50 người, phần lớn là công dân gốc Azerbaijan, để phục vụ điều tra các vụ giết người xảy ra vào các năm 2001, 2010 và 2011.
Phía Nga khẳng định các vụ bắt giữ liên quan đến những cáo buộc tội phạm nghiêm trọng, đồng thời nhấn mạnh các nghi phạm đều mang quốc tịch Nga.
Tuy nhiên, Baku phản ứng dữ dội: Triệu đại biện lâm thời Nga, đóng cửa Trung tâm Văn hóa Nga, đình chỉ mọi hoạt động văn hóa – ngoại giao với Nga, đồng thời bất ngờ bắt giữ hai biên tập viên cao cấp của hãng truyền thông Sputnik và một phóng viên của hãng tin video Ruptly hôm 30/6.
Thậm chí, theo chuyên gia quân sự Azerbaijan Agil Rustamzade cho hay, trong bối cảnh căng thẳng đang tăng vọt, Azerbaijan đã tính toán và sẵn sàng cho mọi kịch bản xung đột quân sự với Nga.
Nhiều nhà phân tích bất ngờ trước bước đi quyết liệt của ông Aliyev.

Lực lượng an ninh Nga đột kích bắt giữ hàng chục người gốc Azerbaijan. Ảnh: URA
Cú chuyển mình bất ngờ của Baku
Từ thời cố Tổng thống Heydar Aliyev, Baku theo đuổi đường lối thực dụng với Moscow, nhưng luôn giữ khoảng cách, khiến giới quan sát tranh luận: thiện chí hay toan tính?
Từ năm 1993, Baku ưu tiên thực dụng. Trong khi Armenia tranh thủ hậu Xô Viết gắn kết với Nga, Azerbaijan rơi vào khủng hoảng, mất Nagorno-Karabakh. Heydar Aliyev trở lại nắm quyền giữa khó khăn, cùng con trai Ilham Aliyev xây dựng chiến lược dài hơi: tái thiết nhà nước, phát triển dầu mỏ, quân đội, và dần củng cố quan hệ với Moscow.
Để tận dụng lợi thế, Baku tìm cách làm suy yếu liên minh Nga – Armenia, và dần vượt Armenia thành đối tác chính của Nga ở Nam Caucasus, nhất là khi Armenia dưới thời Nikol Pashinyan ngả về phương Tây.
Thắng lợi ở Nagorno-Karabakh giúp Azerbaijan đạt mục tiêu, giảm phụ thuộc Moscow, và củng cố niềm tin của Ilham Aliyev vào vai trò lãnh đạo độc lập.

Thái độ ông Aliyev đối với Moscow trở nên xấu hơn sau vụ rơi máy bay. Ảnh: Report.Az
Những căng thẳng âm ỉ này đã bùng phát mạnh mẽ trong thời gian gần đây.
Theo MK, bước ngoặt trong quan hệ giữa hai nước xảy ra sau vụ tai nạn hàng không hồi tháng 12/2024, khi Tổng thống Ilham Aliyev được cho là không hài lòng với lời xin lỗi từ Tổng thống Nga Vladimir Putin qua điện thoại, cảm thấy không được đối xử thỏa đáng.
Kể từ đó, bất chấp những nỗ lực của Moscow nhằm hạ nhiệt căng thẳng, Baku dường như không còn sẵn sàng bỏ qua những khúc mắc lịch sử kéo dài từ cuối thập niên 1980.
Nguyên nhân cụ thể châm ngòi cho vòng căng thẳng hiện nay vẫn chưa được làm rõ, và các thông tin công khai chỉ phản ánh phần nổi của vấn đề. Tuy nhiên, theo đánh giá của MK, có thể thấy rõ rằng Tổng thống Aliyev hiện tin rằng Moscow và cá nhân ông Putin đang ở vào thế khó, trong khi vị thế của Azerbaijan ổn định hơn.
Baku dường như không còn ưu tiên chính sách kiềm chế, còn Moscow vẫn lựa chọn thái độ thận trọng để tập trung vào các mục tiêu chiến lược chính.
Thách thức với ông Putin và hệ thống chính trị Nga
Lịch sử hậu Xô Viết từng ghi nhận nhiều căng thẳng trong quan hệ giữa Moscow và các đồng minh thân cận, chẳng hạn như Belarus dưới thời Tổng thống Alexander Lukashenko năm 2020, sau vụ bắt giữ 33 công dân Nga tại Minsk liên quan đến cáo buộc âm mưu đảo chính. Khi đó, theo giới quan sát, ông Lukashenko tin rằng Moscow có ý định gây sức ép và phản ứng của ông mang tính phòng vệ.
Tình hình hiện nay giữa Moscow và Baku có những điểm khác biệt.
Dù các lãnh đạo cấp cao Azerbaijan hiện vẫn tránh chỉ trích trực diện Tổng thống Putin, nhưng theo phân tích từ tờ MK và một số chuyên gia, bản chất vấn đề được nhìn nhận là một sự thách thức không chỉ đối với cá nhân ông Putin mà cả đối với hệ thống chính trị Nga.
Quy mô và tính chất căng thẳng này cũng được đánh giá là khác với các trường hợp trước đây, như dưới thời cựu Tổng thống Saakashvili (Gruzia, 2008) hay cựu Tổng thống Poroshenko và Tổng thống Zelensky (Ukraine), vốn chủ yếu dựa trên giả định Moscow sẽ hạn chế can dự trực tiếp.
Cách Điện Kremlin lựa chọn phản ứng trước diễn biến hiện nay được cho là sẽ có tác động lâu dài, không chỉ trong quan hệ đối ngoại mà cả đối với tình hình chính trị nội bộ của Nga.
Moscow sẽ tiếp tục giữ lập trường thận trọng, hay sẽ có biện pháp cứng rắn nhằm khẳng định vị thế khu vực? Câu trả lời có thể góp phần định hình bức tranh địa chính trị Nam Caucasus trong nhiều năm tới.

Theo MK, ông Putin đang đối mặt với thách thức chưa từng thấy trong căng thẳng với Azerbaijan. Nguồn: Reuters
Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp khẩn giữa căng thẳng dâng cao
Trong bối cảnh căng thẳng dâng cao, Thổ Nhĩ Kỳ — đối tác chiến lược của cả hai bên — đã nhanh chóng vào cuộc nhằm hạ nhiệt tình hình.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết ông đã thảo luận với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev về căng thẳng giữa Baku và Moscow.
Phát biểu với các phóng viên trên chuyến bay trở về từ Azerbaijan, ông Erdogan nhấn mạnh rằng “Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ ngoại giao và chiến lược sâu sắc với cả Azerbaijan và Nga”.
“Chúng tôi đang theo dõi sát diễn biến căng thẳng, đồng thời kêu gọi cả hai bên kiềm chế. Chúng tôi tin rằng vấn đề có thể được giải quyết một cách khôn ngoan và đơn giản hơn thông qua những tuyên bố làm giảm nhiệt căng thẳng ngoại giao.
Cần tiếp cận vấn đề này từ một lập trường ôn hòa. Chúng tôi tin rằng cả hai người bạn của chúng tôi (Tổng thống Aliyev và Tổng thống Nga Vladimir Putin) đều có đủ sự hiểu biết cần thiết để vượt qua khó khăn này” – nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thêm.
Ông Erdogan bày tỏ hy vọng “những diễn biến tiêu cực giữa hai nước sẽ sớm chấm dứt.”
“Điều chúng tôi mong muốn nhất là những sự cố đáng tiếc này không gây tổn hại không thể cứu vãn tới quan hệ Nga – Azerbaijan. Những sự cố mang tính địa phương và hệ quả của chúng hoàn toàn có thể được xử lý trong khuôn khổ riêng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ các bước đi mang tính xây dựng nhằm giải quyết vấn đề. Ưu tiên của chúng tôi là tránh các leo thang đột ngột, có thể làm suy yếu sự ổn định của một khu vực vốn đã phải hứng chịu quá nhiều xung đột và chiến tranh” – ông Erdogan nhấn mạnh. Theo ông, khu vực Caucasus “không còn đủ kiên nhẫn để chịu đựng thêm một cuộc xung đột mới”.
(Theo MK, MK-Turkey, Topcor)
Đọc bài gốc tại đây.