Tây Du Ký là một tác phẩm kinh điển, gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt. Không chỉ là bộ phim giải trí bất hủ, hành trình thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng còn chất chứa nhiều tầng ý nghĩa, bài học thâm sâu về nhân sinh, đạo lý và cách đối nhân xử thế.
Khi còn bé, mỗi lần xem Tây Du Ký, hầu hết đứa trẻ nà cũng ao ước trở thành Tề Thiên Đại Thánh – vị đại thánh oai phong, thần thông quảng đại, bất khả chiến bại với cây thiết bảng tung hoành, một mình đối đầu thiên binh vạn mã. Hào quang rực rỡ của Tôn Ngộ Không là hình mẫu anh hùng kinh điển: thông minh, nghĩa khí, không chịu khuất phục trước cường quyền, bảo vệ chính nghĩa đến cùng.
Thế nhưng, 30 năm sau, khi đã trải qua đủ thăng trầm và xem lại Tây Du Ký, nhiều người mới nhận ra rằng: sống đời như Trư Bát Giới, đôi khi mới là khôn ngoan.
Tề Thiên Đại Thánh – Không ai giỏi bằng, cũng không ai cô đơn hơn
Trong Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không là biểu tượng của sự nổi loạn và bản lĩnh. Sau khi đại náo thiên cung, bị giam dưới núi Ngũ Hành 500 năm, Ngộ Không được Đường Tăng cứu và bắt đầu hành trình đến Tây Trúc thỉnh kinh đầy gian nan.
Trên hành trình ấy, Ngộ Không là “người gánh team” đúng nghĩa: đánh yêu trừ quái, bảo vệ sư phụ, gánh chịu mọi gian nan hiểm nguy. Nhưng có một nghịch lý là, Ngộ Không càng giỏi, càng trung thành thì lại càng bị nghi ngờ, bị trách mắng. Không ít lần, nhân vật này bị Đường Tăng niệm chú và đuổi đi chỉ vì những hiểu lầm không đáng có.

Đôi khi, cái giá của kẻ mang hào quang chính là sự cô đơn. Đó cũng là hình ảnh của rất nhiều người trong đời thực: những người giỏi việc, làm nhiều và chịu trận cũng nhiều. Trong môi trường lao động, người làm được việc thì bị giao thêm việc, nhưng đôi khi lại không được ghi nhận. Thậm chí đôi lúc, họ còn trở thành cái gai trong mắt đồng nghiệp và lãnh đạo.
Hào quang nào cũng có cái giá của nó. Và đôi khi, sự nổi bật lại không mang lại hạnh phúc cho người trong cuộc.
Trư Bát Giới – Không xuất sắc, không bon chen nhưng không ai thay thế được
Trái ngược với Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới lại là nhân vật thường bị đánh giá thấp: ham ăn, mê gái, lười biếng, sợ khó. Thế nhưng nếu ngẫm lại, nhiều người ở đời sẽ chọn sống như Bát Giới.
Không như Ngộ Không, Trư Bát Giới không gánh trách nhiệm nặng nề, không bị thầy quản nghiêm, cũng chẳng sống dưới áp lực phải “hoàn hảo”. Biết rõ năng lực mình tới đâu, Lão Trư không cố làm anh hùng, gặp nguy thì né, có lợi mới ra mặt.

Lối sống khôn ngoan, có đôi chút ích kỷ này giúp Thiên Bồng Nguyên Soái sống nhàn thân và ít tổn thương. Dù hay than vãn, nhân vật này chưa từng phản bội thầy trò, vẫn góp sức khi cần và đi đến cùng hành trình thỉnh kinh. Cuối cùng, Bát giới vẫn được phong làm Tịnh Đàn Sứ Giả Bồ Tát như một phần thưởng xứng đáng với công sức của mình.
Trưởng thành là học cách buông hào quang
Khi còn trẻ, ai cũng muốn làm Tôn Ngộ Không: mạnh mẽ, nổi bật, được tung hô. Nhưng càng lớn, càng sống lâu trong môi trường áp lực, nhiều người mới nhận ra: làm “người giỏi nhất” đôi khi lại “rước” thêm nhiều rắc rối: Bị lợi dụng, bị ganh ghét, bị đặt kỳ vọng quá cao. Và nếu sai một li, họ cũng sẽ phải nhận hậu quả nặng hơn người thường.

Trong khi đó, người giống Trư Bát Giới – biết mình là ai, biết khi nào tiến khi nào lùi, không quá cầu toàn, biết tận hưởng cuộc sống – lại có thể sống nhẹ nhàng hơn, vui vẻ hơn.
Khi đã trải qua thăng trầm của cuộc đời, nhiều người sẽ thấy sống làm Trư Bát Giới không phải là thất bại, mà là lựa chọn khôn ngoan của người từng va vấp. Ở đời, không phải ai cũng cần làm anh hùng, đôi khi biết tránh bão mới là đỉnh cao trí tuệ.
Đọc bài gốc tại đây.