Những điểm yếu của Su-35 mà Ai Cập chỉ ra
Một quan chức quân sự cấp cao của Ai Cập, đã tiết lộ một thông tin quan trọng, tại sao Cairo đã hủy bỏ thỏa thuận mua máy bay chiến đấu Su-35, trong một hợp đồng ký năm 2018 với Nga, sau khi hội đồng khoa học của họ đánh giá toàn diện và phát hiện ra những thiếu sót nghiêm trọng trong thiết kế máy bay Su-35.
Thông báo được đưa ra vào đầu tháng 7/2025, đã làm sáng tỏ một thỏa thuận đã sụp đổ nhiều năm trước và nhấn mạnh sự chuyển dịch của Ai Cập sang những loại vũ khí tiên tiến và đáng tin cậy hơn; đồng thời đặt ra câu hỏi về vị thế của Nga trên thị trường vũ khí toàn cầu?

Máy bay chiến đấu Su-35 của Nga. Ảnh Sputnik.
Su-35 được định vị là máy bay chiến đấu đa năng thế hệ 4,5 do Cục Thiết kế Sukhoi của Nga phát triển; từng được ca ngợi là vũ khí đem lại nhiều lợi thế cho hoạt động xuất khẩu quốc phòng của Moscow. Hợp đồng trị giá 2 tỷ USD của Ai Cập, mua 24 máy bay Su-35, được ký kết vào năm 2018, được coi là một chiến thắng lớn của Nga ở Trung Đông.
Tuy nhiên, trước áp lực của Mỹ thông qua “Đạo luật chống lại đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt (CAATSA)” và những thiếu sót về mặt kỹ thuật, đã khiến Cairo từ bỏ thỏa thuận vào năm 2020, sau đó số máy bay này được chuyển cho Iran.
Những tiết lộ gần đây, được Defense News đưa tin, nêu bật những hạn chế khiến Ai Cập từ bỏ Su-35, cung cấp cái nhìn hiếm hoi và thoáng qua về phép tính chiến lược của Ai Cập và những tác động của nó đối với bối cảnh quân sự của khu vực.
Su-35 là máy bay chiến đấu hai động cơ, siêu cơ động được thiết kế để đối đầu với những chiến đấu cơ của phương Tây như F-15 và Rafale. Được trang bị hai động cơ Saturn AL-41F1S, cho Su-35 có tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng là 1,1; giúp nó có khả năng không chiến nhanh nhẹn.
Về radar, Su-35 sử dụng radar mảng pha quét điện tử thụ động (PESA) Irbis-E, có thể phát hiện mục tiêu ở phạm vi lên đến 400 km; đồng thời có thể dẫn bắn cho các loại tên lửa không đối không R-77 và tên lửa chống hạm Kh-31. Mặc dù có những điểm mạnh này, đánh giá của Ai Cập, cho thấy Su-35 thiếu những điểm quan trọng cần thiết cho không chiến hiện đại.
Hệ thống tác chiến điện tử, được thiết kế để “bảo vệ mềm” máy bay, khỏi các mối đe dọa từ radar và tên lửa của đối phương, nhưng trên Su-35 được coi là không đủ.

Chiến đấu cơ Su-35S Nga phóng tên lửa không đối không R-37M. Ảnh: Twitter
Theo quan chức Ai Cập, hệ thống này đã phải vật lộn với các kỹ thuật gây nhiễu tiên tiến phổ biến trên các chiến trường ngày nay, nơi các biện pháp đối phó điện tử ngày càng hiện đại và khó lường.
Điểm yếu này có thể khiến Su-35 dễ bị bắn hạ trước lực lượng phòng không đối phương, giống như ở chiến trường Ukraine. Đặc biệt là trong các môi trường xung đột như ở Trung Đông, nơi đối triển khai các công cụ tác chiến điện tử tiên tiến như của Israel, Su-35 có thể còn gặp nhiều bất lợi hơn.
Radar Irbis-E PESA, cũng là một điểm đáng lo ngại khác. Không giống như radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), đã được trang bị trên các máy bay chiến đấu hiện đại của phương Tây như F-35 hoặc Rafale của Ai Cập, thậm chí là J-10C của Trung Quốc, radar PESA dựa trên công nghệ cũ hơn, khi sử dụng các thành phần chất bán dẫn gali arsenide.
Những hệ thống này kém hiệu quả hơn và dễ bị gây nhiễu hơn so với radar AESA sử dụng chất bán dẫn gali nitride, có khả năng phân biệt mục tiêu và chống nhiễu điện tử vượt trội.
Không quân Ai Cập, ưu tiên máy bay được trang bị cảm biến tiên tiến, nhận thấy radar của Su-35 đã lạc hậu so với yêu cầu của chiến tranh hiện đại, nơi nhận thức tình huống là tối quan trọng.
Động cơ của Su-35 cũng là một điểm yếu, động cơ AL-41F1S, mặc dù mạnh mẽ, nhưng lại tạo ra tín hiệu nhiệt và tiếng ồn lớn, khiến Su-35 dễ bị phát hiện hơn bởi các hệ thống trinh sát hồng ngoại và radar.
Điều này làm giảm khả năng sống sót của nó, trong các hoạt động tác chiến cần yếu tố tàng hình, một ưu tiên ngày càng tăng ở các khu vực phải đối mặt với các mối đe dọa nguy hiểm, như máy bay chiến đấu F-35I Adir của Israel hoặc UAV Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, mức tiêu thụ nhiên liệu cao của động cơ AL-41F1S, cũng hạn chế phạm vi hoạt động và khả năng tải trọng của Su-35, so với các thiết kế hiệu quả hơn của phương Tây. Ví dụ như động cơ General Electric F110, trang bị trên chiến đấu cơ F-16 của Ai Cập.
Ngoài ra, trong tác chiến, Su-35 cũng phải phụ thuộc rất nhiều vào dẫn đường mặt đất hoặc trên không. Trong khi Không quân Ai Cập hoạt động theo học thuyết nhấn mạnh vào tính độc lập trong tác chiến, một điều cần thiết khi xét đến các mối đe dọa phức tạp ở Trung Đông, từ các cuộc nổi loạn ở Sinai đến các cuộc xung đột tiềm tàng dọc biên giới của nước này.
Những hạn chế của Su-35 về mặt này, khiến nó không phù hợp với nhu cầu chiến thuật của Cairo, đặc biệt là ở một khu vực mà phản ứng nhanh chóng và độc lập là rất quan trọng.

Radar Irbis-E trang bị trên chiến đấu cơ Su-35 của Nga. Ảnh TASS
Sự từ chối của Ai Cập và tương lai xuất khẩu vũ khí của Nga
Việc Ai Cập hủy bỏ thỏa thuận mua Su-35, không chỉ là quyết định mang tính kỹ thuật, mà còn là sự ngăn cản quyết liệt của Mỹ, nhằm ngăn ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga ở Trung Đông. Công cụ để Mỹ gây áp lực chính là đạo luật CAATSA, ra đời năm 2017, nhằm ngăn chặn các quốc gia mua vũ khí của Nga.
Sự chuyển hướng của Ai Cập khỏi Nga, cũng phản ánh mối quan hệ ngày càng sâu sắc của nước này với Pháp và ngày càng tăng với Trung Quốc. Pháp, một nhà cung cấp vũ khí lâu năm cho Ai Cập, đã cung cấp cho nước này 54 máy bay chiến đấu Rafale, được trang bị các hệ thống điện tử tiên tiến, giúp nó vượt trội hơn Su-35 về tính linh hoạt và khả năng sống sót.
Tuy nhiên qua trận không chiến giữa Ấn Độ và Pakistan vào đầu tháng 5 vừa qua, làm hai chiếc Rafale của Không quân Ấn Độ bị bắn rơi. Điều này đã đặt ra câu hỏi về giá trị thực sự của loại chiến đấu cơ “đắt nhưng không sắt được ra miếng này”, khi Rafale hiện đang là “xương sống” của lực lượng không quân Ai Cập, đảm nhiệm các nhiệm vụ không đối không và không đối đất.
Trận không chiến giữa Ấn Độ và Pakistan cũng khiến Ai Cập để ý đến máy bay chiến đấu hạng nhẹ J-10C của Trung Quốc; đây là máy bay chiến đấu thế hệ 4+ với radar AESA và tên lửa PL-15. Đây được cho là chiến đấu cơ và tên lửa của Pakistan, đã hạ gục Rafale của Ấn Độ.

Ảnh xác chiếc máy bay được Ukraine cho là Su-35 của Nga, bị họ bắn rơi trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Ảnh: Twiiter
Với sự đổ vỡ của thỏa thuận mua Su-35, Ai Cập đang tìm kiếm các lựa chọn để tăng cường lực lượng không quân, phù hợp với các mục tiêu chiến lược và thực tế khu vực.
Khi Cairo vạch ra con đường phía trước, liệu họ có tăng gấp đôi số lượng vũ khí có nguồn gốc phương Tây như Rafale, hay áp dụng các giải pháp thay thế tiết kiệm chi phí của Trung Quốc; hay theo đuổi một cách tiếp cận kết hợp? Câu trả lời có thể định hình lại động lực quyền lực của khu vực, trong nhiều năm tới.
Việc Su-35 không đáp ứng được nhu cầu của Ai Cập, cũng đặt ra câu hỏi về tương lai của xuất khẩu vũ khí Nga, trong bối cảnh công nghệ đang phát triển nhanh chóng.
Đọc bài gốc tại đây.