Mới đây xảy ra vụ hỏa hoạn thương tâm tại một chung cư thuộc phường Phú Thọ Hòa, TP.HCM, khiến 8 người không qua khỏi. Theo thông tin trên báo Dân Trí, Công an TP.HCM cho biết đã xác định nguyên nhân ban đầu của vụ việc là do chập đường dây điện người dân tự đấu nối.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng nhận định, một trong những yếu tố quan trọng khiến người bị nạn trong căn hộ không thể thoát ra kịp thời khi xảy ra hỏa hoạn đó là: Ban công các căn hộ bị bịt kín, lối thoát hiểm qua ban công bị chặn bởi các chuồng cọp.
Thực tế, vụ việc vừa qua chỉ là một trong số rất nhiều vụ cháy, hỏa hoạn để lại hậu quả thương tâm cả về người và của có liên quan đến chuồng cọp hay những ban công được bịt kín ở những căn hộ chung cư, tập thể cũ hay nhà ống cao tầng.

Hiện trường cháy chung cư ở TP.HCM khiến 8 người không qua khỏi với chuồng cọp bịt kín lối thoát hiểm thứ 2 của gia đình (Ảnh Báo Sài Gòn Giải Phóng)
Khi sự chắc chắn của chuồng cọp phản tác dụng
Từ nhiều năm trước, khái niệm lắp đặt các ô cửa sổ có khung sắt vững chãi với các mối hàn “chết”, hoặc xây dựng chuồng cọp kiên cố tại các ban công căn hộ chung cư, tập thể cũ hay nhà ống cao tầng đã trở nên vô cùng phổ biến. Theo chia sẻ của nhiều gia chủ hay chính các thợ thi công, có 2 mục đích chính của việc xây dựng này.
Đầu tiên là để bảo vệ sự an toàn cho ngôi nhà cũng như tài sản của con người, đề phòng trộm cắp, an toàn hơn cho trẻ em, người cao tuổi. Thứ 2 là gia đình sẽ tận dụng khu vực ban công trống, cơi nới thêm, quây chuồng cọp, từ đó tận dụng thành nơi chứa đồ đạc, gia tăng diện tích sinh hoạt cho gia đình.
Cấu trúc chuồng cọp thường được hàn bằng sắt hộp, thép góc hoặc lưới sắt dày, gắn trực tiếp vào khung bê tông của tòa nhà. Nhờ sử dụng vật liệu kim loại chắc chắn và được gia cố kỹ lưỡng bằng các mối hàn kín, chuồng cọp thường rất kiên cố, khó tháo dỡ. Nhiều khung còn được thiết kế ba mặt và lợp mái tôn như một căn phòng nhỏ treo lơ lửng bên ngoài.


Chuồng cọp được bắt gặp ở nhiều kiểu nhà, từ căn hộ chung cư, tập thể cho đến nhà ống cao tầng (Ảnh Báo Lao Động)
Chính vì sự vững chãi này mà chuồng cọp từng được xem là “phần mở rộng” an toàn của căn hộ. Tuy nhiên khi xảy ra tình huống khẩn cấp như hỏa hoạn, chuồng cọp lại là “thủ phạm” chặn lối thoát nạn của gia đình bởi sự kiên cố, chắc chắn vốn có.
Các chuyên gia đánh giá, rất khó, thậm chí là không thể phá dỡ, cắt chuồng gọp một cách nhanh chóng trong trường hợp xảy ra sự cố khẩn cấp. Bởi vậy trong 1-2 năm trở lại đây, các cơ quan về PCCC và CNCH, chính quyền địa phương các cấp đã và đang vận động tích cực tới hộ dân, tốt hơn hết hãy tháo dỡ, cắt bỏ chuồng cọp hay các khung cửa sổ được hàn “chết”. Việc làm này được nhấn mạnh là có thể coi là mở ra “lối thoát nạn thứ 2” cho các hộ dân.
Ghi nhận từ phóng viên báo Đời sống & Pháp luật, ngay sau khi vụ hỏa hoạn khiến 8 người không qua khỏi xảy ra, được sự vận động của chính quyền, nhiều hộ dân tại khu chung cư phường Phú Thọ Hòa đã tiến hành tháo bỏ rào chắn, chuồng cọp, dọn hành lang chung.




Người dân tại chính chung cư nơi xảy ra vụ việc vừa qua được vận động tháo rỡ rào chắn ban công, chuồng cọp (Ảnh Báo Đời Sống & Pháp luật)
Bên cạnh phương án loại bỏ hoàn toàn, các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cũng chỉ ra một lựa chọn khác cho các hộ gia đình vẫn muốn giữ sự kiên cố cho ban công hay ô cửa sổ nhà mình. Đó là khi thi công chuồng cọp, cửa sổ khung sắt, thay vì gia cố toàn bộ khu vực “chết”, hãy yêu cầu đội ngũ thi công mở thêm một khu vực cửa trên khung sắt. Ô cửa này bình thường sẽ được khóa lại bằng ổ khóa, khi có sự cố, người trong gia đình có thể mở khóa, từ đó mở ra lối thoát nạn.
Kiến trúc sư Đặng Hữu Hải, Kiến trúc sư trưởng, Nhà sáng lập Công ty Thiết kế và Xây dựng Việt House chia sẻ: “Việc thi công chuồng cọp hay cửa sổ khung sắt vững chãi đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều gia đình. Mỗi khi được gia chủ đưa ra yêu cầu làm những thứ đó, chúng tôi luôn tư vấn ngược lại rằng nên có phương án cửa mở trên khung sắt. Từ đó khi xảy ra trường hợp xảy ra sự cố như cháy nhà, đây có thể là lối thoát hiểm thứ 2 của mỗi nhà ngoài cửa chính”.

Ảnh Báo Kinh tế Đô thị
Vì sao ngôi nhà cần lối thoát hiểm thứ 2?
Trong thiết kế và sử dụng nhà ở hiện nay, đặc biệt tại các đô thị lớn, lối thoát nạn thứ hai ngày càng được xem là yêu cầu thiết yếu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân khi xảy ra sự cố như cháy nổ. Theo quy định của pháp luật hiện hành, mỗi căn nhà – đặc biệt là nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà từ hai tầng trở lên – cần có ít nhất hai lối thoát nạn độc lập, trong đó lối thứ hai phải bố trí tách biệt với lối chính và có thể sử dụng trong mọi tình huống khẩn cấp.
Lối thoát nạn thứ hai thường được thiết kế dưới dạng cửa mở ra ban công, sân thượng, cầu thang phụ ngoài trời, hoặc thậm chí là cửa sổ lớn có thể mở rộng. Trường hợp nhà có chuồng cọp bít kín, cần cải tạo để tạo ô cửa mở với kích thước tối thiểu 0,8 x 0,8 mét, đảm bảo người có thể thoát ra ngoài dễ dàng.
Đây không chỉ là khuyến cáo mà đang dần trở thành yêu cầu bắt buộc. Cụ thể, theo Nghị quyết số 20/2022/NQ-HĐND của Hà Nội, từ năm 2025 đến 2030, 100% hộ dân sống trong nhà từ hai tầng trở lên hoặc có kết hợp sản xuất, kinh doanh phải có lối thoát nạn thứ hai tại mỗi tầng.

Các chuyên gia trong lĩnh vực phòng cháy đều nhấn mạnh tầm quan trọng của lối thoát nạn thứ hai. Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, nguyên Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội, từng khẳng định: “Lối thoát nạn thứ hai là yêu cầu bắt buộc trong điều kiện nhà ở hiện nay, đặc biệt với nhà ống và nhà trong hẻm – nơi nguy cơ cháy cao nhưng lại rất khó tiếp cận từ bên ngoài”.
Để tăng hiệu quả, lối thoát nạn thứ hai nên được trang bị thêm thiết bị hỗ trợ như thang dây, đèn EXIT, mặt nạ phòng độc và bình chữa cháy mini. Quan trọng hơn cả, người dân cần hiểu rằng đây không chỉ là quy định pháp lý, mà còn là “đường sống” khi không may sự cố xảy ra. Việc chủ động cải tạo, mở lối thoát nạn thứ hai chính là bước đi thiết thực để bảo vệ bản thân và gia đình.
Đọc bài gốc tại đây.