Sáng sớm, sau một đêm ngủ dậy, anh Lê Văn Ch. (48 tuổi, trú tại Hà Nội) bất ngờ hoa mắt, chóng mặt, đau đầu dữ dội rồi nôn ói. Người nhà lập tức đưa anh đến trung tâm y tế gần nhà. Nhận thấy dấu hiệu bất thường, các bác sĩ nhanh chóng chuyển anh đến Bệnh viện Thanh Nhàn.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, anh Ch. được chẩn đoán đột quỵ do xuất huyết não. Rất may anh Ch. được chuyển tới viện sớm và được can thiệp kịp thời.
Theo anh Ch., đây là lần thứ ba anh phải nhập viện cấp cứu vì đột quỵ và cả ba lần đều có điểm chung: sau khi uống rượu.
Lần đột quỵ đầu tiên của anh Ch. xảy ra cách đây 4 năm. Lần đó, anh cũng bị choáng váng, mất cảm giác sau khi uống rượu. Một năm sau đó, anh tiếp tục bị đột quỵ lần hai cũng trong hoàn cảnh tương tự.
“Tôi uống rượu hàng ngày, mỗi ngày chừng nửa lít, hôm nào trời nóng thì uống thêm 1 – 2 cốc cho mát”, anh Ch. chia sẻ.
Trải qua ba lần cận kề cái chết, anh Ch. bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc từ bỏ thói quen uống rượu: “Tôi sẽ cố gắng cai. Tôi muốn sống lâu hơn vì con cái tôi còn nhỏ”.
Hiện, anh Ch. đã ở nhà phụ vợ bán hàng, tạm rời xa công việc nặng nhọc để giữ gìn sức khỏe.

Anh Ch. đang được khám lại sau khi được can thiệp đột quỵ (ảnh N.M).
Rượu bia làm tăng nguy cơ đột quỵ
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia tiêu thụ rượu bia hàng đầu thế giới. Mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ trung bình 8,3 lít cồn nguyên chất mỗi năm – tương đương khoảng 170 lít bia. Việt Nam hiện đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người.
Riêng về bia, Việt Nam nằm trong top 10 nước tiêu thụ nhiều nhất toàn cầu với hơn 3,8 triệu kilô lít/năm, chiếm khoảng 2,2% sản lượng thế giới.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3) cho hay, nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa tiêu thụ rượu bia và đột quỵ. Rượu có thể tác động trực tiếp lên não hoặc gián tiếp làm tăng các yếu tố nguy cơ như huyết áp, mỡ máu, đường huyết, tổn thương mạch máu và nội tạng.
Đáng lưu ý, đột quỵ không còn là căn bệnh của người cao tuổi. Hiện nay, tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ đang tăng lên, chiếm khoảng 10–15% tổng số ca. Một nghiên cứu cho thấy, 18,2% bệnh nhân đột quỵ dưới 45 tuổi có tiền sử uống rượu thường xuyên, bác sĩ Vũ thông tin.
Thống kê cũng cho thấy, những người uống trung bình hơn 2 ly rượu mỗi ngày tăng nguy cơ đột quỵ lên tới 34% so với người không uống hoặc uống ít.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, mỗi người nên hạn chế tối đa rượu bia. Cụ thể, nam giới trưởng thành uống không quá 2 đơn vị cồn/ngày; Nữ giới trưởng thành uống không quá 1 đơn vị cồn/ngày. Một đơn vị cồn tương đương 30ml rượu mạnh, 100ml rượu vang hoặc 330ml bia.
Để phòng ngừa đột quỵ, bác sĩ Vũ cho biết, bên cạnh kiểm soát bệnh nền như: tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu…, duy trì lối sống lành mạnh là yếu tố quan trọng. Theo đó, mọi người nên:
– Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, giảm muối và chất béo xấu.
– Tăng vận động thể chất (ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần).
– Tránh stress, giữ tinh thần ổn định.
– Ngưng hút thuốc, hạn chế rượu bia.
Đọc bài gốc tại đây.