Nội dung chính
Cũng vào những ngày tháng 7 này tròn 20 năm về trước, bóng đá Việt Nam chứng kiến một câu chuyện bi hài.
Một cầu thủ Việt kiều từ châu Âu trở về nước, nhận được sự quan tâm đặc biệt từ truyền thông bởi bản lý lịch hoành tráng. Nhưng rồi sau đó, anh chàng này bị cố HLV Alfred Riedl gạch tên theo cách khó tin chỉ sau buổi tập đầu tiên.
Chưa dừng lại, cầu thủ ấy sau đó về lại Ba Lan và cũng bỏ luôn nghiệp quần đùi áo số. Một cái kết đắng ngắt sau những lời lẽ có cánh được tô vẽ về cái tên Việt kiều này.

Toni Lê Hoàng vỡ mộng khi về Việt Nam thử việc.
LỜI GIỚI THIỆU HOÀNH TRÁNG
“2 năm liên tiếp được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất Giải bóng đá U19 Ba Lan, Toni Hoàng là cầu thủ người Việt đầu tiên và duy nhất cho đến nay được 2 CLB ngoại hạng Ba Lan mời thi đấu”, đó là dòng mô tả của truyền thông trước thông tin Toni Lê Hoàng về thử việc tại U23 Việt Nam vào tháng 7/2005.
Toni Lê Hoàng tên thật là Nguyễn Hoàng Việt, sinh năm 1986, theo cha mẹ sang Ba Lan từ nhỏ và sớm thể hiện năng khiếu chơi bóng. Theo giới thiệu, anh nhập học viện Legia Warszawa từ năm 10 tuổi, nhanh chóng trở thành đội trưởng các tuyến trẻ, ghi hàng chục bàn mỗi mùa và từng vô địch Dana Cup – một trong những giải trẻ uy tín ở châu Âu.
Đỉnh cao sự nghiệp của Toni đến vào giai đoạn 2002–2004 khi anh được bầu là Cầu thủ xuất sắc nhất giải U19 Ba Lan hai năm liên tiếp, đồng thời giành chức vô địch quốc gia lứa tuổi này. Chơi ở vị trí tiền vệ công, Toni được đánh giá cao về kỹ thuật, khả năng rê bóng và tư duy chiến thuật. Tuy nhiên, anh cũng bị đánh giá là có thể hình hạn chế khi chỉ cao khoảng 1m65.
Năm 2005, khi trở thành cầu thủ tự do sau khi kết thúc hợp đồng đào tạo, Toni nhận được lời mời thử việc từ các đội bóng như Lech Poznan và Polonia Warszawa. Nhưng thay vì theo đuổi sự nghiệp tại châu Âu, anh quyết định trở về Việt Nam để thử sức trong màu áo U23 quốc gia. Ở tuổi 19, cầu thủ này kỳ vọng sẽ được tham dự SEA Games 23. Nhưng rồi, giấc mộng của anh nhanh chóng tan vỡ.

Toni Lê Hoàng thậm chí còn được trao chiếc áo số 10 ở U23 Việt Nam.
BỊ LOẠI CHỈ SAU… 1 BUỔI TẬP
Giữa tháng 7/2005, Toni Lê Hoàng có mặt tại Hà Nội và được sắp xếp tham gia buổi tập đầu tiên cùng đội U23 Việt Nam do HLV Alfred Riedl dẫn dắt. Thế nhưng, tất cả sự kỳ vọng nhanh chóng sụp đổ chỉ sau đúng… một buổi tập duy nhất.
Theo các nguồn tin khi đó, Toni Lê Hoàng tỏ ra hụt hơi hoàn toàn trong các bài tập thể lực. Anh không theo kịp nhịp độ di chuyển, phản xạ chậm và gần như không thể hiện được điều gì nổi bật ở buổi tập kéo dài 2 tiếng.
Trong 25 phút đấu tập vào chiều 19/7/2005, Toni Lê Hoàng được xếp chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm đúng sở trường tự giới thiệu trong cả hai hiệp đấu (mỗi hiệp 10 và 15 phút), Hoàng hầu như không theo kịp các đồng đội và mất hút trong các tình huống tranh chấp tay đôi.

Toni Lê Hoàng “thở không ra hơi” khi tập luyện dưới tiết trời oi nóng tháng 7 tại Việt Nam.
Toni Lê Hoàng than thở: “Tôi không thích nghi được với thời tiết quá nóng, độ ẩm cao nên chỉ chơi được 30% phong độ”. Bằng chứng của sự hụt hơi là Hoàng phải ngồi lại rất lâu sau buổi tập mới đứng lên ra về trong khi các đàn anh đã về đến khu nhà ở gần hết.
Dù tránh đưa ra những nhận xét thẳng thắn với báo giới về trình độ của Toni Lê Hoàng, nhưng trao đổi với các cộng sự ông Riedl cho rằng: “Cậu ấy có lẽ sẽ phù hợp với đội tuyển U20 Việt Nam hơn”.
Trên đường về khu nhà ở, HLV người Áo nói với Toni Lê Hoàng rằng anh “có thể tự do rời đội ngay ngày mai”. Vậy là ngay sau buổi tập đầu tiên, cầu thủ Việt kiều Ba Lan đã bị loại khỏi U23 Việt Nam.
Chưa nản lòng, Toni tiếp tục thử việc tại CLB Hòa Phát Hà Nội. Nhưng sau vài tuần tập luyện, anh cũng không được ký hợp đồng. Thể hình nhỏ (1m66), thể lực yếu và không tạo ra sự khác biệt rõ rệt về chuyên môn, Toni lặng lẽ rời Việt Nam cuối tháng 10/2005 và cũng kết thúc luôn giấc mơ thi đấu bóng đá chuyên nghiệp để chuyển hướng sang một lĩnh vực khác.

Toni Lê Hoàng tan mộng về Việt Nam tìm việc.
“BONG BÓNG KỲ VỌNG” VỀ CẦU THỦ VIỆT KIỀU
Câu chuyện của Toni Lê Hoàng là ví dụ điển hình cho “bong bóng kỳ vọng” mà bóng đá Việt Nam từng nhiều lần vướng phải với các cầu thủ Việt kiều. Khi một cầu thủ chơi ở lứa trẻ châu Âu – dù là các giải hạng dưới – trở về, họ thường được tung hô như “tài năng đẳng cấp châu Âu”, nhưng lại thiếu nền tảng thể lực, thể trạng và sự hòa nhập cần thiết để thành công ở V.League hay đội tuyển quốc gia.
Nửa năm trước khi Toni Lê Hoàng về nước, câu chuyện về “cú lừa” Ludovic Casset cũng từng khiến dư luận Việt Nam xôn xao. Rõ ràng, việc mang mác trở về từ châu Âu không đảm bảo cho trình độ của cầu thủ Việt kiều. Sau này, có không ít cái tên cũng về Việt Nam thử sức nhưng chỉ có số ít như Đặng Văn Lâm, Filip Nguyễn, Mạc Hồng Quân, Cao Pendant Quang Vinh… là tìm được chỗ đứng tại V.League và ĐTQG.
“Thật lòng mà nói, đa số các cầu thủ Việt kiều về nước chơi bóng rất kém. Một là được báo chí, mạng xã hội bốc lên, hoặc họ cũng tìm cách tự đánh bóng tên tuổi của mình. Xuyên suốt thời gian còn làm ở V.League, tôi thấy không có mấy cầu thủ Việt kiều nào chơi được”, cố HLV Lê Thụy Hải từng chia sẻ.
Đọc bài gốc tại đây.