Trang chủ Công nghệCNQP Tăng T-90M “đẻ cấp tốc” gấp 3 lần, vẫn không đủ cho Nga mang ra chiến trường

Tăng T-90M “đẻ cấp tốc” gấp 3 lần, vẫn không đủ cho Nga mang ra chiến trường

bởi Admin
0 Lượt xem

Kể từ giữa năm 2022, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã âm thầm chuyển mình với tốc độ chưa từng thấy trong thời hậu Xô viết. Trọng tâm của nỗ lực này chính là dây chuyền sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M, mẫu tăng hiện đại nhất đang phục vụ trong biên chế lục quân Nga.

Nếu như trong giai đoạn 2020-2021, Nga chỉ sản xuất được khoảng 90-110 xe mỗi năm, thì đến năm 2024, con số đã tăng vọt lên 280-300 chiếc, tức gấp ba lần chỉ trong vòng hai năm. Đây là kết quả của việc Kremlin khẩn trương thúc đẩy mở rộng sản xuất tại nhà máy Uralvagonzavod, một động thái được cho là phản ứng trực tiếp với tổn thất nặng nề của lực lượng thiết giáp Nga trên chiến trường Ukraine, sự gia tăng quy mô quân đội và căng thẳng leo thang với NATO.

Tăng gấp ba sản lượng T - 90 m: Nga có đủ để bù đắp thiệt hại trong chiến tranh? - Ảnh 1.

Tuy nhiên, dù sản lượng tăng vọt, phần lớn xe tăng trước năm 2022 vốn được chế tạo để xuất khẩu – điển hình là cho Ấn Độ và Algeria, nên bản thân lục quân Nga khi đó chỉ sở hữu khoảng 420 chiếc T-90 các phiên bản.

Chỉ đến khi chiến sự toàn diện nổ ra tại Ukraine, toàn bộ dây chuyền được chuyển đổi để phục vụ sản xuất biến thể T-90M Proryv-3 dành riêng cho Nga, với tổng số được giao cho quân đội ước tính đạt 540-630 chiếc tính đến giữa năm 2025. Để dễ hình dung, trong cả thập niên 2010, số lượng T-90 mới được bàn giao cho quân đội Nga chỉ đạt trung bình… một chiếc mỗi năm.

Dòng tăng chủ lực của Nga

Hiện tại, T-90 là dòng xe tăng duy nhất đang được Nga sản xuất hàng loạt, khi chương trình T-14 Armata vẫn loay hoay trong vòng thử nghiệm kéo dài gần một thập kỷ mà chưa có ngày biên chế chính thức. Điều này càng khiến vai trò của T-90M trở nên sống còn đối với lực lượng tăng thiết giáp Nga.

Tăng gấp ba sản lượng T - 90 m: Nga có đủ để bù đắp thiệt hại trong chiến tranh? - Ảnh 2.

Theo các nhà phân tích thuộc nhóm điều tra Conflict Intelligence Team (CIT), tốc độ sản xuất hiện tại của Nga đã vượt xa mọi ước tính của phương Tây. Họ viện dẫn bằng chứng hình ảnh về các đoàn tàu vận tải chở đầy T-90 mới xuất xưởng, cùng mật độ xuất hiện dày đặc của dòng tăng này trên nhiều mặt trận Ukraine và cả những khu vực xa hơn.

CIT khuyến nghị NATO cần tập trung nhiều hơn vào việc cắt đứt chuỗi cung ứng thiết bị, đặc biệt là linh kiện công nghệ cao và vật tư chiến lược, nhằm làm chậm đà phục hồi của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Vẫn không thể bù đắp

Tuy nhiên, có một thực tế khó chối cãi là sản lượng dù tăng mạnh vẫn không thể bắt kịp tốc độ hao hụt thực địa. Ước tính trong năm 2023 và 2024, Nga mất khoảng 1.000 xe tăng mỗi năm, chưa kể con số có thể cao hơn nữa vào năm 2022 – thời điểm mà lực lượng Ukraine được hỗ trợ tối đa từ phương Tây và Nga chưa kịp thích ứng với chiến tranh hiện đại.

Tăng gấp ba sản lượng T - 90 m: Nga có đủ để bù đắp thiệt hại trong chiến tranh? - Ảnh 3.

Để bù đắp, Moskva đã phải rút hàng loạt xe tăng cũ từ thời Liên Xô trong kho niêm cất ra sử dụng, đặc biệt là T-72 và T-80. Nhiều trong số đó được nâng cấp mạnh mẽ, đặc biệt là T-72B được hiện đại hóa theo chuẩn gần tiệm cận T-90M, với hệ thống giáp cải tiến, thiết bị quan sát nhiệt, liên kết dữ liệu và hệ thống điều khiển hỏa lực mới.

Song theo giới quan sát, kho dự trữ xe tăng Liên Xô để lại đang dần cạn kiệt, khi một phần lớn số lượng bị tháo dỡ trong thập niên 1990 hoặc bảo quản kém, không còn khả năng tái sử dụng. Vì vậy, việc mở rộng sản xuất T-90M là yếu tố sống còn để duy trì quy mô lực lượng tăng thiết giáp.

CIT dự báo nếu xu thế hiện tại được duy trì và tiếp tục đầu tư, Nga hoàn toàn có thể nâng sản lượng lên mức 1.000 xe/năm vào năm 2028, một con số không hề viển vông nếu so với khả năng sản xuất hơn 2.000 xe T-72 mỗi năm mà Liên Xô từng đạt được trong thời bình thập niên 1980.

Những lựa chọn khác

Đáng chú ý, song song với T-90M, Nga có thể sẽ khôi phục sản xuất hai dòng tăng khác. Đầu tiên là T-14 Armata – mẫu tăng thế hệ mới mang tính cách mạng về thiết kế, nhưng việc liên tục trễ hẹn biên chế khiến giới chuyên môn đặt nghi vấn về khả năng tồn tại lâu dài của dự án này.

Tăng gấp ba sản lượng T - 90 m: Nga có đủ để bù đắp thiệt hại trong chiến tranh? - Ảnh 4.

Dòng thứ hai là T-80, mẫu tăng sử dụng động cơ tua-bin khí đắt đỏ nhưng từng được đánh giá cao trong chiến trường Ukraine vì khả năng cơ động và độ bền. Theo truyền thông Nga, từ tháng 9/2023, nhà máy Omsktransmash đã được chỉ đạo khởi động lại dây chuyền sản xuất T-80 và đến tháng 4/2024, dây chuyền động cơ tua-bin đã được tái kích hoạt.

Dù sản xuất T-80 khó có thể đạt quy mô ngang ngửa T-90 do chi phí cao, nhưng nhiều khả năng dòng tăng này sẽ trở thành lực lượng “tinh nhuệ” trong cơ cấu thiết giáp Nga thời gian tới.

Tăng T-90M hiện được trang bị pháo nòng trơn 125mm 2A46M-5, có khả năng bắn tên lửa dẫn đường qua nòng như 9M119M Refleks, hệ thống giáp phản ứng nổ Relikt, điều khiển hỏa lực Sosna-U, cảm biến ảnh nhiệt và hệ thống điều hướng vệ tinh.

Với hệ thống liên kết tác chiến số hóa, thiết kế cải tiến và độ sống sót cao, T-90M được đánh giá là “con át chủ bài” thay thế dần cho các dòng T-72, T-80 cũ kỹ. Tuy nhiên, nếu không nâng cao hơn nữa năng lực công nghiệp quốc phòng, Nga có thể sẽ không kịp lấp khoảng trống đang bị bào mòn từng ngày trên chiến trường.

(Theo Military Watch)

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan