Mới đây, chương trình Chuyện tối cùng sao đã lên sóng, với sự tham gia của NSND Hồng Vân. Tại chương trình tuần này, nữ NSND tâm sự về cuộc đời, sự nghiệp của mình.

NSND Hồng Vân
Cô nói: “Dù trong gia đình không ai theo nghệ thuật, nhưng đất bên nội của tôi ở Làng Lim lại nằm trên thế đất răng lược, một thế đất được các cụ truyền lại rằng sẽ sinh ra những người có năng khiếu nghệ thuật. Đây là một điều khá tâm linh. Chắc có lẽ vì vậy mà từ nhỏ tôi đã rất mê xem phim, hát chèo và bắt chước theo rất giống.
Ban đầu, tôi chưa từng nghĩ sẽ đi theo con đường nghệ thuật bởi ông bà, cha mẹ đều làm công tác khoa học. Thế nhưng từ lúc xem cố nghệ sĩ Thanh Nga diễn trên truyền hình, tôi đã bị cuốn hút và tích góp tiền để mua vé xem cải lương. Tôi mê cải lương nhưng không có tiền đi xem. Tôi phải nhịn ăn sáng cả tháng trời mới có tiền mua vé.
Có một điều là khi suất diễn cuối cùng của cô Thanh Nga trong vở Thái hậu Dương Vân Nga ở rạp Cao Đồng Hưng diễn ra, tôi đã đủ tiền mua vé đi xem.
Lúc đó, tôi phải xếp hàng dài dằng dặc để đợi mua vé, chứ không phải như bây giờ ngồi nhà cũng mua được vé.

Nghệ sĩ Thanh Nga
Xem cô Thanh Nga xong, trong lòng tôi nung nấu ý chí phải theo nghệ thuật vì quá mê cô Thanh Nga”.
Được biết, sau suất diễn cuối cùng đó, Thanh Nga đã bị ám sát ngay trước cửa nhà riêng, gây chấn động dư luận một thời.
Tiếp đó, NSND Hồng Vân chia sẻ: “Bố mẹ tôi thì luôn nói tôi có năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ. 6 tuổi, ông bà đã cho tôi học đàn violin, thậm chí có ý định cho tôi thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam ở Hà Nội.
Nhưng thầy dạy đàn bảo tay tôi không thể đánh đàn giỏi được vì ngón tay út bị ngắn. Thế là ông bà thôi không giữ ý định đó nữa. Thực ra, tôi cũng không thích học nhạc lắm, tôi chỉ thích đóng phim, thích diễn trên sân khấu thôi.
Khi chuyển vào miền Nam học lớp 3, cả thời tiểu học tôi mê mẩn xem cô Thanh Nga biểu diễn. Đến lúc luyện thi đại học, tôi quyết định thi thử vào Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM.
Năm đó không có lớp diễn viên, chỉ có lớp đạo diễn, nhưng tôi vẫn thi và điểm gần như thủ khoa. Cô hiệu trưởng Ca Lê Hồng gọi điện cho cha mẹ tôi, nói nên cho tôi thi vào trường vì thấy tôi có năng khiếu.
Cha mẹ tôi bảo, nếu con tốt nghiệp mà không thành công trong nghề thì có thể quay lại nghề của gia đình.
Học ngành đạo diễn kéo dài 5 năm, nhưng ngay từ năm thứ ba, tôi đã được đạo diễn Thế Căn giao cho một vai diễn trong vở Đợi đến mùa xuân, một tác phẩm được quay truyền hình khi truyền hình còn rất hiếm hoi.
Tôi được đóng vai một bà cụ 70 tuổi, vai hài duy nhất trong vở. Trong khi tất cả các vai khác đều nói giọng Nam, thì mình bà cụ nói giọng Bắc vì bà ở ngoài Bắc vào Nam. Vai diễn đó được rất nhiều người yêu thích vì sự khác biệt và thú vị. Từ vai diễn này, các đạo diễn bắt đầu chú ý đến tôi.
Để thành công giữa chính kịch và hài kịch, đầu tiên là năng khiếu bẩm sinh, sau đó là sự cố gắng không ngừng. Tôi phải luôn cập nhật, thẩm thấu mọi thứ. Người diễn viên cần phải quan sát, tò mò, có năng khiếu bắt chước, và khả năng tưởng tượng.
Khi nhìn thấy một sự việc, cái nhãn quan đó ngấm vào trong tiềm thức. Đến một lúc nào đó, khi gặp một nhân vật hay hoàn cảnh tương tự trong thực tế, hình ảnh đó sẽ trỗi dậy, giúp mình có được hình ảnh cụ thể để hóa thân vào vai diễn”.
Đọc bài gốc tại đây.