Tôi từng nghĩ mình là một người mẹ tốt – tận tụy, hy sinh, luôn muốn con học hành thật giỏi để có tương lai tốt hơn. Mỗi ngày, tôi tất bật đưa đón con từ trường học đến trung tâm học thêm, rồi lại vội vàng chở con về nhà. Lịch học của con được tôi sắp xếp kín mít, từ tiếng Anh, toán, đến cả kỹ năng mềm, cờ vua,… Những khi con tỏ ý mệt, tôi lại dịu giọng khuyên nhủ: “Phải chăm học thì mới thành tài, con ạ”.
Tôi không thấy điều gì sai trong cách mình đang làm, cho đến khi tôi xem phim “Sex Education” và bắt gặp ánh mắt u uất của Jackson Marchetti. Lúc ấy, trong đầu tôi vang lên câu nói của con ngày hôm qua khi mẹ con tôi trò chuyện về các trường đại học: “Con cũng thích học trường này, vì mẹ cũng thích trường đó”.
Xem phim “Sex Education”, tôi quyết định thay đổi cách dạy con
Jackson là một cậu bé được bạn bè ngưỡng mộ bởi thành tích thể thao nổi trội. Nhưng đằng sau vầng hào quang ấy là một sự thật bất ngờ: cậu không hề muốn bơi. Mỗi lần xuống nước, Jackson không thấy tự do mà thấy mình đang bị nhấn chìm, bởi chính kỳ vọng của mẹ cậu.

Nhân vật Jackson Marchetti trong phim “Sex Education”.
Mẹ của Jackson là một phụ huynh kiểu mẫu, dùng thành tích bơi lội của con để mặc cả. Nếu Jackson muốn được học ở trường khác, cậu phải giành huy chương. Muốn được tự quyết, cậu phải đánh đổi bằng sự phục tùng. Vì muốn thoát khỏi những danh vọng được mẹ vẽ lên, Jackson đã tự làm đau tay mình để không phải bơi. Lúc này, tôi đã nghẹn lại. Vì tôi nhìn thấy con trai tôi trong hình bóng của Jackson.
Tôi từng nghĩ mình cho con những điều tốt nhất. Nhưng tôi chưa bao giờ hỏi: Điều gì là tốt nhất với chính con? Tôi đã vô tình ép con làm những điều mình không muốn. Tôi cũng đã khiến cho con tôi mất đi sự phản kháng, răm rắp làm theo tôi mỗi ngày. Câu con vừa nói với tôi ngày hôm qua đã khiến tôi chết lặng. Tôi muốn con được là con, là cá thể riêng biệt chứ không phải một bản sao y hệt tôi hoặc là thứ tôi vẽ nên. Tôi phải thay đổi cách dạy con sai trái này.
Cha mẹ chỉ nên là người hướng dẫn và định hướng
Trong tâm lý học, có một hiện tượng gọi là “sự bất lực nhiễm” (learned helplessness) xảy ra khi một người dần đánh mất khả năng phản kháng sau khi liên tục bị tước đi quyền lựa chọn. Họ không còn nói “không” vì họ không muốn, mà vì họ đã quên mình có quyền được lựa chọn. Họ sống theo ý người khác, quên mất tiếng nói bên trong mình từng như thế nào.
Tôi đã vô tình đưa con vào tình trạng ấy. Tôi đã dạy con sai nhưng may mắn thay, tôi nhận ra điều đó trước khi quá muộn. Tôi muốn con được là chính con, được quyền mơ ước và chọn thứ mình thích, từ chối điều mình không muốn. Còn tôi, tôi sẽ học cách lùi lại một bước, làm người hướng dẫn, người chia sẻ, chứ không phải là người quyết định tất cả mọi thứ thay con.
Đọc bài gốc tại đây.