Nội dung chính
Mạng lưới phòng thủ Israel bất lực
Chỉ một ngày sau khi lệnh ngừng bắn được thiết lập giữa Israel và Iran hôm 24/6, giới chức quân sự và truyền thông phương Tây đã đồng loạt đặt ra câu hỏi: Liệu hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel có đủ sức cầm cự nếu chiến sự nổ ra lần nữa – nhưng lần này, ở quy mô toàn diện hơn?
Trên thực tế, các lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã chuẩn bị kịch bản chiến tranh toàn diện với Iran suốt hàng thập kỷ, với việc đầu tư lớn vào các tiêm kích tàng hình F-35 được nội địa hóa sâu, kho tên lửa hành trình và đạn đạo phóng từ máy bay sản xuất trong nước và mới đây là hợp đồng mua F-15EX – dòng chiến đấu cơ hạng nặng tối ưu cho các nhiệm vụ tầm xa xuyên lục địa.

Tuy nhiên, những vũ khí tấn công đó không giúp Israel bảo vệ được chính lãnh thổ mình trước cơn mưa hỏa lực từ phía Iran. Trong cuộc đối đầu gần nhất, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã chứng minh rằng họ hoàn toàn đủ khả năng vượt qua mọi tầng phòng thủ hiện có của Israel bằng các đòn tấn công có giới hạn – tức chưa phải là một chiến dịch tổng lực.
Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng khi chỉ sau vài ngày chiến sự, nguồn tin từ Mỹ xác nhận rằng các tổ hợp đánh chặn của Israel từ Arrow, David’s Sling đến Barak 8 đều bắt đầu rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng tên lửa đánh chặn. Tình hình càng trở nên báo động hơn khi Iran bắt đầu triển khai các tên lửa đạn đạo đầu đạn phân mảnh (MIRV) vào giai đoạn cuối cuộc xung đột. Với mỗi đầu đạn cần đến nhiều tên lửa đánh chặn cùng lúc, hệ thống phòng thủ Israel bị đặt vào tình thế “dùng một đánh nhiều”, nhanh chóng cạn kiệt và trở nên vô dụng trước áp lực bão lửa.

Điểm yếu chí mạng của Israel
Khác với các đồng minh phương Tây sử dụng chung hệ thống đánh chặn Patriot, THAAD hoặc AEGIS, Israel hoàn toàn phụ thuộc vào các hệ thống do chính họ phát triển. Dù giúp tăng vị thế xuất khẩu quốc phòng, nhưng lựa chọn này lại khiến Tel Aviv rơi vào thế cô lập khi chiến tranh xảy ra. Tên lửa đánh chặn của họ không thể được viện trợ khẩn cấp từ Mỹ hay bất kỳ đối tác nào, trong khi các tổ hợp Patriot hay SM-3 của AEGIS lại có thể nhanh chóng được bù đắp từ kho dự trữ toàn cầu của Mỹ, thậm chí lấy trực tiếp từ kho khí tài của các quốc gia đồng minh nếu cần.
Ngay cả trong thời bình, việc sản xuất tên lửa phòng không của Israel đã là một thách thức. Khi chiến sự leo thang, nguy cơ các nhà máy sản xuất hoặc bệ phóng bị phá hủy như từng xảy ra trong loạt tấn công từ Hezbollah năm 2024, sẽ khiến khả năng duy trì năng lực đánh chặn càng trở nên mong manh. Việc duy trì chính sách “chỉ dùng hàng nội” giờ đây bị đánh giá là thiếu thực tế, nhất là khi các dòng tên lửa phòng thủ trong nước không đủ nhanh để đối phó với các đòn đánh tốc độ cao và quy mô lớn.

Lựa chọn duy nhất để cứu hệ phòng thủ Israel
Trong các lựa chọn hiện có, hệ thống AEGIS Ashore của Mỹ đang nổi lên như một “phao cứu sinh” thực sự cho Israel. Đây là phiên bản trên đất liền của hệ thống AEGIS nổi tiếng được trang bị trên hơn 110 chiến hạm toàn cầu, bao gồm 74 khu trục hạm Arleigh Burke, 2 tàu Zumwalt và nhiều tàu chiến của Hàn Quốc, Nhật Bản.
Không giống Patriot thường xuyên gặp lỗi hoặc THAAD chỉ triển khai với số lượng hạn chế, AEGIS Ashore tích hợp radar AN/SPY-1, bệ phóng thẳng đứng Mk.41 và có thể khai hỏa các tên lửa đánh chặn tối tân SM-3, SM-6, vốn đạt hiệu suất vượt trội trong các thử nghiệm thực chiến.
Dù mất đi khả năng cơ động như các tàu chiến, AEGIS Ashore lại đặc biệt phù hợp với Israel – một quốc gia nhỏ, không có khả năng răn đe hải quân nhưng lại có yêu cầu cao về năng lực đánh chặn đa tầng. Việc tích hợp AEGIS không chỉ giúp tăng năng lực phòng thủ đáng kể, mà còn mở ra khả năng tiếp cận nhanh với các kho tên lửa SM-3, SM-6 từ Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc, đảm bảo tiếp tế liên tục khi xung đột kéo dài.

Bài học từ tên lửa siêu vượt âm Fattah
Một trong những yếu tố khiến giới chức quốc phòng Israel phải suy nghĩ lại chính là sự xuất hiện của Fattah – dòng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm đầu tiên của Iran. Loại vũ khí này đã được IRGC tung vào trận trong đêm 18/6 và trở thành lời cảnh báo sống động cho sự lỗi thời của các hệ thống đánh chặn hiện nay. Dù số lượng Fattah còn khiêm tốn, việc Iran có thể tích hợp vũ khí siêu vượt âm lên các dòng tên lửa MIRV trong tương lai là điều hoàn toàn khả thi, nhất là khi họ có thể học hỏi công nghệ từ các mẫu như Oreshnik của Nga.
Trong bối cảnh đó, AEGIS Ashore không chỉ là phương án tăng cường tên lửa đánh chặn, mà còn là “tấm vé” để Israel tiếp cận các thế hệ vũ khí phòng thủ mới nhất từ Mỹ mà không cần trải qua quy trình chuyển giao công nghệ phức tạp.
Giới chuyên gia cảnh báo, nếu không hành động ngay, Israel có thể phải đối mặt với một chiến tranh tương lai nơi mọi lá chắn hiện tại đều trở thành đồ bỏ, còn đối phương thì sở hữu kho vũ khí chính xác, nhanh và không thể đánh chặn bằng các hệ thống hiện có.
(Theo Military Watch)
Đọc bài gốc tại đây.