Không phải nô lệ: Kim tự tháp Giza được xây bởi thợ lành nghề
Một nhóm khảo cổ do nhà Ai Cập học ông Zahi Hawass dẫn đầu đã khám phá một loạt khoang hẹp phía trên Phòng của Nhà vua trong Đại Kim tự tháp Giza, sử dụng công nghệ hình ảnh để xác định các dấu tích chưa từng thấy trước đây – những ký hiệu do các đội thợ xây dựng để lại từ thế kỷ XIII trước CN.
Trái ngược với truyền thuyết Hy Lạp cổ đại cho rằng Đại Kim tự tháp được xây dựng bởi 100.000 nô lệ làm việc theo ca 3 tháng trong suốt 20 năm, phát hiện mới cho thấy công trình này được thi công bởi các thợ thủ công lành nghề, được trả công đầy đủ, làm việc liên tục và nghỉ 10 ngày/lần.
Ông Hawass và nhóm của ông còn phát hiện nhiều ngôi mộ ở phía nam kim tự tháp – nơi yên nghỉ vĩnh viễn của các thợ xây dựng – với tượng khắc mô tả họ đang vận chuyển đá và 21 chức danh bằng chữ tượng hình như “người giám sát sườn kim tự tháp” hay “nghệ nhân”.
“Những phát hiện này xác nhận rằng người xây dựng không phải là nô lệ. Nếu họ là nô lệ, họ sẽ không bao giờ được chôn cất dưới bóng kim tự tháp,” ông Hawass phát biểu trong podcast Matt Beall Limitless .
“Không ai chuẩn bị mộ phần như vua chúa nếu họ chỉ là nô lệ,” ông nhấn mạnh.

Kim tự tháp Giza vĩ đại là kim tự tháp Ai Cập lớn nhất và được xây dựng bởi Pharaoh Khufu, người cai trị trong Vương triều thứ 4 của Vương quốc Cổ đại.
Rãnh bùn, xe trượt gỗ và thịt bò: Lật mở cách dựng nên kỳ quan
Phát hiện mới cũng làm sáng tỏ cách Đại Kim tự tháp được xây dựng: đá vôi từ một mỏ chỉ cách đó khoảng 300 mét được vận chuyển bằng một con dốc làm từ đá vụn trộn bùn, phần còn lại của con dốc này được tìm thấy ở góc tây nam công trình.
Ông Hawass đang lên kế hoạch cho một cuộc khai quật mới, do người dẫn chương trình Matt Beall (của postcast trên) tài trợ, sử dụng robot để thăm dò bên trong Đại Kim tự tháp – lần khai quật hiện đại đầu tiên trong lịch sử tại đây.
Đại Kim tự tháp Giza là công trình lớn nhất trong 3 kim tự tháp tại cao nguyên Giza, được xây dựng bởi Pharaoh Khufu thuộc Vương triều thứ Tư của thời kỳ Cổ vương quốc.
Hai kim tự tháp còn lại thuộc về Khafre và Menkaure, cùng với tượng Nhân sư lớn, đều nổi tiếng vì kỹ thuật xây dựng chưa rõ, sự liên kết thiên văn chính xác và mục đích vẫn đang được tranh luận.

Nhà Ai Cập học Tiến sĩ Zahi Hawass đã chia sẻ những khám phá trên podcast Matt Beall Limitless trong tháng này.
Trước đó, vào thế kỷ XIX, vài dòng chữ bên trong Đại Kim tự tháp từng được phát hiện, nhưng bị nghi là giả mạo. Tuy nhiên, trong podcast, ông Beall hỏi: “Có tranh cãi rằng những dòng chữ đó có thể bị làm giả, nhưng giờ ông nói đã phát hiện thêm 3 cartouche (chỉ hình bầu dục có viền bao quanh tên của một vị Pharaoh hoặc thành viên hoàng tộc) trong Phòng của Nhà vua?”
Ông Hawass đã trình bày các hình ảnh chưa từng công bố, cho thấy tên được vẽ trực tiếp lên đá. “Chúng được tìm thấy trong những khoang khó tiếp cận, sử dụng dạng chữ mà chỉ những nhà Ai Cập học chuyên nghiệp mới có thể đọc đúng,” ông nói.
Ông cho rằng hầu như không thể có ai thời hiện đại làm giả được những dòng chữ như thế vì phải leo gần 14 mét và bò qua các khe hẹp để tiếp cận được những phòng đó.
Ông cũng thừa nhận một số du khách châu Âu từng vào được bên trong và để lại tên của họ trên đá vào cuối thế kỷ XVIII và XIX.
“Tuy nhiên, những dòng chữ mà chúng tôi phát hiện rõ ràng cổ xưa hơn rất nhiều, đó là những dòng graffiti nguyên gốc từ thợ xây Ai Cập cổ đại,” ông Hawass nhấn mạnh.

Nhà Ai Cập học Tiến sĩ Zahi Hawass và nhóm của ông gần đây đã khám phá một loạt các phòng hẹp phía trên Phòng của Vua bằng công nghệ hình ảnh, tìm thấy những dấu vết chưa từng thấy do các nhóm công nhân để lại từ thế kỷ 13 trước Công nguyên.
Thành phố thợ xây, công cụ và chế độ ăn giàu đạm
Cùng với các chữ khắc, phát hiện lớn thứ 2 là khu mộ của những người xây dựng kim tự tháp. Ông Hawass và nhóm của ông tìm thấy công cụ bằng đá lửa, búa đập – những vật dụng được sử dụng trong quá trình thi công Đại Kim tự tháp.
“Đáy kim tự tháp được làm từ nền đá gốc nguyên khối, được đục sâu tới 8,5 mét,” ông nói.
Ông giải thích, điều này có nghĩa là sau khi đánh dấu đáy hình vuông, các thợ xây đã cắt sâu cả 4 phía để tạo nên một nền đá phẳng – không dùng khối đá, chỉ là nền đá gốc. Người ta vẫn có thể nhìn thấy phần nền này ở phía nam của kim tự tháp Khufu.
Ông cho rằng thợ xây chia thành các đội: đội cắt đá, đội đẽo gọt và đội vận chuyển vật liệu bằng xe trượt gỗ kéo trên cát. Đá sau đó được vận chuyển bằng hệ thống dốc, mà ông Hawass khẳng định đã tìm thấy bằng chứng.

Nhóm của ông Hawass cũng khai quật được những ngôi mộ ở phía nam kim tự tháp, nơi an nghỉ vĩnh hằng của những người lao động lành nghề.
“Con dốc phải bắt đầu từ góc tây nam của kim tự tháp và nối với mỏ đá,” ông nói.
“Chúng tôi đã khai quật khu vực này và tại vị trí có ký hiệu C2, chúng tôi tìm thấy tàn tích của con dốc – đá vụn trộn với bùn và cát. Khi tháo dỡ, họ không dọn hết mọi dấu vết và phần còn lại chính là thứ chúng tôi tìm thấy.”
Đồng nghiệp của ông Hawass, ông Mark Lehner, đang khai quật một địa điểm phía đông kim tự tháp – nơi họ gọi là “thành phố của thợ xây”.
Tại đây, họ đã phát hiện khu sơ chế cá muối, một lò nướng bánh mì lớn, nhà ở và doanh trại nơi công nhân sinh sống.
“Người ta vẫn tin rằng thợ xây chỉ ăn tỏi, hành và bánh mì, nhưng chúng tôi tìm thấy hàng ngàn mảnh xương động vật,” ông Hawass nói. “Một chuyên gia từ Đại học Chicago phân tích và xác định người Ai Cập giết mổ 11 con bò và 33 con dê mỗi ngày để nuôi công nhân.”
“Khẩu phần này đủ để nuôi khoảng 10.000 người mỗi ngày” – theo ông Hawass

Nhóm của ông Hawass cũng khai quật được những ngôi mộ ở phía nam kim tự tháp, nơi an nghỉ vĩnh hằng của những người lao động lành nghề, cùng với những bức tượng công nhân đang làm việc trên đá.
Robot thăm dò bí ẩn mới trong Đại Kim tự tháp
Cuộc trò chuyện chuyển sang hành trình sắp tới nhằm khám phá “Khoang Lớn” (Big Void), mà ông Hawass đang dẫn đầu.
“Tôi đang tài trợ cho cuộc khám phá Khoang Lớn,” ông Beall cho biết, đồng thời nói rằng ông đang hỗ trợ chế tạo robot cho nhiệm vụ này.
Ông Beall giải thích nhóm đang phát triển một robot không lớn hơn 1 cm, có thể chui qua một lỗ nhỏ được khoan vào phía bên của Đại Kim tự tháp.
Khoang Lớn, được phát hiện năm 2017, dài ít nhất 30 mét, nằm phía trên Đại hành lang, lối đi dốc nối giữa Phòng của Nữ hoàng và Phòng của Nhà vua ở trung tâm kim tự tháp.
Ông Hawass tin rằng ông có thể tìm thấy lăng mộ thất lạc của Khufu bên trong khoang này.
“Tôi không nghĩ đó là một ngôi mộ, vì chưa từng tìm thấy lăng nào trong các kim tự tháp chính cả,” ông Beall phản biện.
Cuộc khai quật dự kiến sẽ diễn ra vào khoảng tháng 1 hoặc tháng 2 năm sau.
Đọc bài gốc tại đây.