Trang chủ Đời sốngNhà vui Ngày chồng mất, tôi đã nghĩ đời mình chấm hết, nào ngờ 3 năm sau có người dám bất chấp cả thanh danh để xin cưới một góa phụ nghèo

Ngày chồng mất, tôi đã nghĩ đời mình chấm hết, nào ngờ 3 năm sau có người dám bất chấp cả thanh danh để xin cưới một góa phụ nghèo

bởi Admin
0 Lượt xem

Cơ cực

Tôi lấy chồng năm 23 tuổi, sau một mối tình kéo dài từ hồi còn học nghề. Cả hai đứa đều không có gì trong tay ngoài sự chân thành và chăm chỉ. Về làm dâu trong căn nhà cấp bốn xập xệ ở vùng ven thành phố, tôi tập quen với cảnh mẹ chồng lưng còng, cha chồng thường xuyên đau nhức khớp gối và bữa cơm bốn người quanh mâm chỉ toàn rau luộc, trứng rán.

Chồng tôi làm thợ cơ khí cho một xưởng nhỏ, còn tôi phụ bán hàng ngoài chợ. Sáng nào cũng dậy từ 4 giờ để chuẩn bị rau củ, rồi tất bật tới tối mịt mới về, vậy mà tháng nào cũng thiếu. Cứ có bao nhiêu là lo viện phí của bố mẹ, học phí của đứa em út đang học cao đẳng, rồi tiền điện nước, chắt chiu mãi vẫn không có nổi một khoản để dành.

Khi tôi mang thai con gái đầu lòng, mọi thứ càng rối tung. Tôi nghén dữ dội, không buôn bán được nữa, anh bảo tôi nghỉ ngơi, để anh đi làm hai ca. Tôi thương anh đến phát khóc mỗi lần thấy lưng áo anh ướt sũng mồ hôi, mà anh vẫn cố cười bảo: “Cố thêm vài năm con lớn lên rồi, mình sẽ khá”.

Nhưng rồi một đêm, anh thở dài rất lâu, nói có thằng bạn rủ đi xuất khẩu lao động bên Nhật. 3 năm thôi, chịu khó một chút, về là có vốn mở tiệm cơ khí riêng. Tôi không muốn xa chồng nhưng nhìn vào hoàn cảnh thực tế của gia đình, tôi không thể ngăn cản chồng.

Anh đi mang theo bao hy vọng. Mấy tháng đầu, anh gửi tiền đều đặn. Tôi dùng một nửa để trả nợ, một nửa gửi tiết kiệm. Tôi cứ nhẩm tính, 3 năm nữa anh về, có đủ tiền xây lại nhà rồi có thể sinh thêm đứa nữa.

Nhưng đời chẳng cho ai toan tính trước. Một buổi sáng cuối năm, có cuộc gọi từ người quen bên đó báo tin anh gặp tai nạn lao động, không qua khỏi. Tôi không tin, tôi hét lên, gào khóc đến khản cổ.

Ngày chồng mất, tôi đã nghĩ đời mình chấm hết, nào ngờ 3 năm sau có người dám bất chấp cả thanh danh để xin cưới một góa phụ nghèo- Ảnh 1.

Gồng gánh

Ngày đưa tro cốt anh về, trời mưa lâm thâm. Con gái tôi mới hơn một tuổi, chưa biết gì, thấy mẹ khóc thì khóc theo, bám mẹ đến mức tôi chỉ có thể cắn răng gồng mình để không ngất xỉu khi đưa tang anh. Những khi đứng trước bàn thờ chồng, nước mắt tôi cạn khô, chẳng còn sức để đau đớn nữa.

Tôi quyết định ở lại nhà chồng, không phải vì nơi đó dễ chịu, mà vì tôi không biết đi đâu, cũng không muốn để con thiếu hơi ấm của bên nội. Mẹ chồng tôi từ sau cú sốc mất con trai thì đổ bệnh liên miên. Bố chồng cũng càng yếu hơn, trở trời còn không thể đi lại được. Trong nhà chỉ còn mình tôi là người có thể làm việc được.

Các em chồng đều đã có gia đình riêng. Người ở tận miền Trung, người bận con mọn, khó khăn tài chính. Họ về vào dịp giỗ chồng tôi, dúi cho cha mẹ ít tiền rồi lại vội vã đi ngay. Ai cũng thương tôi, nhưng chỉ thương bằng lời.

Tôi gồng lên đi làm mọi việc có thể: giặt đồ thuê, rửa bát quán cơm, lau dọn nhà thuê cho người ta, cứ ai gọi là tôi nhận, chỉ cần có tiền mua sữa cho con, thuốc cho bố mẹ chồng. Có tháng tôi làm việc từ 5 giờ sáng đến 10 giờ đêm, tối về chân tay tê cứng, con bé đã ngủ từ lúc nào không hay. Tôi nằm cạnh con, nghe hơi thở đều đều mà tự trấn an mình vẫn còn con, phải cố vì con.

Bố mẹ chồng thương tôi thật lòng nhưng họ không giúp được gì. Tôi chưa từng nghe họ chê trách hay oán phiền kể cả những hôm tôi về muộn, 9 giờ tối mới nấu được cơm. Nhiều đêm nằm nghĩ, tôi tự hỏi nếu tôi đi, để lại họ trong căn nhà này, ai lo? Con tôi sẽ nghĩ gì về mẹ nếu sau này nó biết tôi đã bỏ ông bà nội? Tôi không chọn gắn bó vì ai ép, chỉ là trong hoàn cảnh này, tôi không đành lòng rời đi.

Ngày chồng mất, tôi đã nghĩ đời mình chấm hết, nào ngờ 3 năm sau có người dám bất chấp cả thanh danh để xin cưới một góa phụ nghèo- Ảnh 2.

Người ở bên kia hàng rào

Bên cạnh nhà tôi là nhà bác Tám, có anh con trai tên Tuấn. Hồi tôi mới về làm dâu, Tuấn đã lên thành phố làm giáo viên dạy ngoại ngữ ở trung tâm, sau đó cưới vợ trên đó rồi định cư luôn. Nghe đâu vợ anh làm kế toán, hai người sống được vài năm thì rạn nứt. Không ai kể rõ lý do, chỉ biết một ngày, anh bế đứa con trai nhỏ về, lặng lẽ dọn lại căn nhà sát vách rồi sống với bà mẹ già. Anh cũng mở một lớp dạy ngoại ngữ cho học sinh từ tiểu học tới ôn luyện thi cấp 3.

Tôi vẫn nhớ buổi đầu gặp lại, anh gầy rộc, mặt mũi hốc hác, tay bế thằng bé ngủ mê man. Mẹ anh vừa thấy con trai đã khóc òa, bảo: “Thôi thì về cũng được, nhà còn đây, tao còn sống là còn chỗ cho bố con mày”.

Từ ngày ấy, tôi và anh gặp nhau thường xuyên hơn. Sáng tôi đi chợ sớm, anh đi thể dục. Tối tôi bế con ra trước hiên hóng mát, con anh cũng lạch bạch chạy theo. Hai đứa nhỏ chơi với nhau như chị em ruột. Thỉnh thoảng tôi nấu thêm phần canh, mang sang cho nhà anh một tô. Đổi lại, anh giúp tôi sửa mái tôn chỗ bếp bị dột, thay cái vòi nước han gỉ.

Không ai nói ra nhưng hàng xóm bắt đầu xì xào khắp nơi, rằng tôi “tài giỏi”, góa phụ mà “chài” được thanh niên đẹp trai, khỏe mạnh, nghề nghiệp kiếm ra tiền. Tôi biết song vẫn giả vờ không nghe. Cho đến một hôm, mẹ anh sang chơi, nói chuyện vu vơ rồi bất ngờ nhìn tôi, nửa đùa nửa thật: “Bác thấy con là người tốt, nếu sau này tính chuyện đi bước nữa, bác xin con về làm dâu. Tuấn nó cũng mến con từ lâu rồi”.

Ngày chồng mất, tôi đã nghĩ đời mình chấm hết, nào ngờ 3 năm sau có người dám bất chấp cả thanh danh để xin cưới một góa phụ nghèo- Ảnh 3.

Tôi cười trừ nhưng trong lòng rối như tơ vò. Vài hôm sau, mẹ chồng tôi hỏi thẳng: “Con có muốn suy nghĩ chuyện đó không? Bố mẹ không cản”. Tôi bối rối nhìn bà, bà gầy hơn trước, tóc bạc gần hết, đôi tay run khi rót nước cũng không vững. Tôi biết bà thương tôi, thương cháu, cũng có lẽ, bà thương cho cả quãng đường phía trước tôi đang phải đi một mình.

Tuấn chưa từng nói gì nhưng mỗi khi nhìn thấy anh, thấy con trai anh cười đùa bên con gái tôi, thấy những bữa cơm có thêm 2 bố con họ sang “ăn chung”, tôi lại hoang mang.

Tôi đã sống với quá khứ đủ lâu, cũng đã quen với cô đơn, với việc tự mình gánh vác tất cả. Bây giờ, khi có một người chìa tay ra, tôi không biết mình có đủ dũng cảm để nắm lấy không? Tôi sợ người đời dị nghị, sợ làm tổn thương bố mẹ chồng, sợ cả việc con gái tôi sẽ nghĩ gì nếu tôi tái hôn.

Nhưng nếu cả đời cứ sống vì sợ, thì có bao giờ tôi được sống vì chính mình?

Lời nhắn từ trái tim: Có những người phụ nữ tưởng như yếu đuối lại gánh cả một gia đình trên vai mà không hề than vãn. Họ không mong gì ngoài một mái nhà bình yên và một người có thể đồng hành. Khi đã mất mát quá nhiều, họ học cách dè dặt với hạnh phúc nhưng rồi, cuộc đời luôn có cách đặt trước mặt họ một cơ hội khác, dịu dàng, lặng lẽ, đủ để làm trái tim thổn thức. Và đôi khi, yêu thương mới chính là điều họ xứng đáng được nhận, sau bao nhiêu năm chỉ biết cho đi.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan