Tổ ấm tưởng chừng viên mãn của ông H bắt đầu rạn vỡ khi ông phát hiện vợ lén lút nhắn tin, hẹn hò với người yêu cũ – mối tình mà bà chưa từng quên ngay cả sau khi kết hôn.
Ông từng nghĩ rằng, sau hơn một thập kỷ bên nhau, sau những lần cùng chăm con ốm, vượt khó khăn tài chính, vợ chồng ông đã thực sự là một gia đình. Thế nhưng, khi chứng kiến cuộc gặp giữa vợ ông và người tình cũ trong một khách sạn, niềm tin đó đã bị xé toạc.
Trước bằng chứng không thể chối cãi, người vợ thú nhận rằng mối quan hệ vụng trộm này đã diễn ra âm thầm suốt hai năm qua. Sự phản bội khiến ông H bắt đầu hoài nghi về mối liên hệ huyết thống với các con, nhất là cậu con cả – người mà ông luôn thấy “không giống mình chút nào”.
Ba lần xét nghiệm, ba lần sự thật mở ra
Giữ kín nỗi nghi ngờ, ông H tìm đến Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền Hà Nội. Tại đây, ông đưa ba mẫu tóc, tương ứng với ba cái tên của 3 con trai: Th, Tr và A. Mẫu máu của chính ông được lấy trực tiếp tại trung tâm để đối chiếu.

Xét nghiệm ADN. (Ảnh minh hoạ do AI tạo)
Kết quả xét nghiệm ADN khiến ông sững sờ, Th – đứa con trai đầu ông yêu chiều nhất lại không có quan hệ huyết thống với ông. Hai người con còn lại là con ruột của ông.
Dù đã có đáp án, ông H vẫn quyết định kiểm chứng thêm. Hôm sau, ông trở lại trung tâm, lần này mang một mẫu móng tay, nhưng dán nhãn tên con trai là Tr. Kết quả xét nghiệm cho thấy hai mẫu không cùng huyết thống. Một lần nữa, ông giữ im lặng, không tranh luận, không phản ứng – chỉ lặng lẽ rời đi.
Lần thứ ba, ông đưa một cậu bé lạ khoảng 13–14 tuổi cùng một người phụ nữ tới trung tâm và yêu cầu xét nghiệm cha – con. Kết quả một lần nữa xác nhận: không có quan hệ huyết thống. Dù là ba lần liên tiếp nhận sự thật đau lòng, ông H chỉ lặng người đi nhưng vẫn giữ thái độ điềm tĩnh, thậm chí không một lời oán trách.
Người đàn ông của những tổn thương âm thầm
Bà Nguyễn Thị Nga – Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền Hà Nội cho biết bà chưa từng gặp một khách hàng nào như ông H: kiên nhẫn, điềm đạm và đầy quyết tâm.
“Ông ấy như thể đã chuẩn bị tinh thần từ rất lâu. Không sốc, không nổi giận, chỉ muốn biết sự thật đến cùng”, bà Nga chia sẻ.
Trò chuyện riêng với bà Nga, ông H kể lại toàn bộ hành trình hôn nhân của mình. Ông và vợ kết hôn theo sự mai mối, chấp nhận người vợ chưa quên người cũ, hy vọng tình cảm sẽ nảy sinh sau hôn nhân. Gần 15 năm, ông hết lòng vun vén gia đình, tin vào điều tốt đẹp. Nhưng cuối cùng, người phụ nữ ông yêu thương lại quay về với mối tình xưa.
Ông cũng chia sẻ lý do phải xét nghiệm đến ba lần là vì vợ ông không tin kết quả đầu tiên. Vì vậy, ông đổi tên mẫu của con trai cả để kiểm chứng lại. Kết quả vẫn vậy. Ông H cho biết trước kia ông đã tha thứ, nhưng hiện tại thì không.
“Tôi sẽ ly hôn và giành quyền nuôi hai đứa con ruột”, ông H nói.
Dẫu vậy, điều khiến ông day dứt nhất chính là cậu con trai cả. “Cháu lớn lên với tôi, gọi tôi là bố suốt bao năm. Nếu sau này biết mình không phải con ruột, thằng bé sẽ chịu đựng thế nào đây?”, ông H nghẹn lời.
Theo bà Nga, việc xét nghiệm ADN hiện nay không còn quá xa lạ. Mỗi năm, trung tâm tiếp nhận hàng ngàn hồ sơ xét nghiệm huyết thống. Công nghệ sinh học có thể làm sáng tỏ sự thật, nhưng hệ lụy về tâm lý – đặc biệt với trẻ em – mới là điều đáng lo.
“Chúng tôi luôn khuyên khách hàng rằng nếu sự thật đau lòng, hãy cân nhắc cách truyền đạt để không làm tổn thương con trẻ, đặc biệt là những em ở độ tuổi dậy thì – giai đoạn dễ bị khủng hoảng tâm lý nhất”, bà nói.
Đọc bài gốc tại đây.