Trang chủ Kinh doanhThị trường Thủ phủ cà phê Việt Nam ‘đổi chủ’ sau sáp nhập – bản đồ ‘vàng nâu’ của Việt Nam ra sao kể từ 1/7?

Thủ phủ cà phê Việt Nam ‘đổi chủ’ sau sáp nhập – bản đồ ‘vàng nâu’ của Việt Nam ra sao kể từ 1/7?

bởi Admin
0 Lượt xem
Thủ phủ cà phê Việt Nam ‘đổi chủ’ sau sáp nhập - bản đồ ‘vàng nâu’ của Việt Nam ra sao kể từ 1/7? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2024, diện tích trồng cà phê của Việt Nam khoảng 716.600 – 730.000 ha với sản lượng xấp xỉ 1,47 triệu tấn.

Trong đó, top 5 vùng trồng cà phê lớn nhất cả nước gọi tên Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum. Tính đến hết năm 2024, Đắk Lắk có hơn 212.106 ha trồng cà phê, sản lượng thu hoạch trong năm 2024 đạt khoảng 561.000 tấn. 

Đứng thứ 2 về diện tích trồng cà phê là Lâm Đồng với tổng cộng 176.800 ha trồng cà phê, cho sản lượng gần 592.000 tấn mỗi năm.

Ba tỉnh còn lại trong top 5 địa phương có diện tích trồng cà phê lớn nhất cả nước là Đắk Nông (khoảng 140.000 ha), Gia Lai (hơn 105.000 ha) và Kon Tum (hơn 25.000 ha).

Tuy nhiên sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, thủ phủ cà phê mới của Việt Nam sẽ thay đổi. Cụ thể, Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận sẽ hợp nhất và lấy tên là tỉnh Lâm Đồng. Toàn địa bàn này có hơn 319.350 ha trồng cà phê, dẫn đầu cả nước. 

Đứng thứ 2 là Đắk Lắk sau khi hợp nhất với Phú Yên (lấy tên là Đắk Lắk) với tổng diện tích trồng cà phê khoảng 213.500 ha (diện tích trồng cà phê của Phú Yên cũ rất khiêm tốn, chỉ khoảng 1.500 ha).

Thủ phủ cà phê Việt Nam ‘đổi chủ’ sau sáp nhập - bản đồ ‘vàng nâu’ của Việt Nam ra sao kể từ 1/7? - Ảnh 2.

5 địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích trồng cà phê trước và sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đơn vị: ha.

Gia Lai sau khi sáp nhập với Bình Định (lấy tên là Gia Lai) ở vị trí thứ 3 với hơn 105 nghìn ha trồng cà phê. Kon Tum sau khi sáp nhập với Quảng Ngãi và lấy tên là Quảng Ngãi sẽ đứng vị trí thứ 4 với diện tích khoảng 25.000 ha.

Đứng thứ 5 về diện tích trồng là Sơn La – một trong những tỉnh không thực hiện sáp nhập, với 21.000 ha cà phê, tập trung chủ yếu tại huyện Mai Sơn, Thuận Châu và TP Sơn La, sản lượng ước đạt 35.000-45.000 tấn cà phê nhân mỗi năm.

Năm 2024 là một năm đặc biệt với ngành hàng cà phê. Lần đầu tiên, giá cà phê Việt Nam cao nhất thế giới. Giá cà phê Robusta xuất khẩu (loại cà phê Việt Nam có sản lượng đứng đầu thế giới) cao hơn cả giá cà phê Arabica.

Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê toàn cầu dự kiến phục hồi trong niên vụ 2024 – 2025, chủ yếu nhờ sản lượng tăng lên ở Việt Nam và Indonesia. Trong khi đó, với mức tiêu thụ đang tăng, lượng cà phê tồn kho toàn cầu vào cuối năm 2024 sẽ giảm hơn nữa, xuống còn 20,9 triệu bao.

Trong 6 tháng đầu năm, cà phê là mặt hàng nông sản có kim ngạch lớn nhất khi thu về 5,5 tỷ USD. Bộ Nông nghiệp và Môi trường dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng cà phê có khả năng vượt mục tiêu kế hoạch là 7,5 tỷ USD trong năm 2025, tăng 36,9% so với cùng kỳ 2024. Trong 6 tháng cuối năm, Việt Nam chỉ cần xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD là có thể đạt mục tiêu năm. 

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan