Thực hiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp vừa được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 759/QĐ-TTg, từ ngày 1/7/2025, Nam Định, thành phố có hơn 760 năm lịch sử, sẽ chính thức dừng hoạt động. Trước khi sáp nhập, Nam Định là thành phố cổ thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Hà Nội.
Theo Đề án này, 696 đơn vị hành chính cấp huyện trên cả nước, trong đó có có 85 thành phố trực thuộc tỉnh và 2 thành phố trực thuộc TP trực thuộc Trung ương, sẽ đồng loạt chấm dứt hoạt động từ ngày 1/7/2025. Hệ thống đơn vị hành chính mới sẽ chỉ còn 3 loại hình cấp xã, bao gồm: xã, phường và đặc khu. Ngoài ra, riêng các huyện đảo và thành phố đảo hiện nay sẽ được chuyển đổi thành các đặc khu.
Thành phố cổ nổi tiếng của Việt Nam
Nam Định là một trong những thành phố lâu đời nhất của Việt Nam, từng bước trở thành đô thị trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, có vai trò quan trọng trong hệ thống đô thị Việt Nam.
Vào năm 1262, nhà Trần đã xây dựng Nam Định thành thủ phủ Thiên Trường dọc bờ hữu ngạn sông Hồng. Đến năm 1831, nhà Nguyễn đặt tên là tỉnh Nam Định. Dưới thời Nguyễn, Nam Định được coi là một thành phố lớn cùng với Hà Nội và Huế.
Đến ngày 06/11/1996, sau nhiều lần chia tách và sáp nhập, TP Nam Định chính thức là tỉnh lỵ tỉnh Nam Định đến ngày nay.
Ngày 24/9/1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 183/1998/QĐ-TTg công nhận TP Nam Định là đô thị loại II.
Đến ngày 28/11/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2106/QĐ-TTg công nhận TP Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Nam Định.

TP Nam Định hồi cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Ảnh tư liệu
Sau sắp xếp và vận hành theo mô hình chính quyền 2 cấp (từ 1/7), TP Nam Định thành lập 8 phường, bao gồm phường Nam Định, Thiên Trường, Đông A, Vị Khê, Thành Nam, Trường Thi, Hồng Quang và Mỹ Lộc.
Từ 1/7, sáp nhập tỉnh Nam Định với tỉnh Ninh Bình và tỉnh Hà Nam thành một tỉnh mới mở rộng lấy tên tỉnh là Ninh Bình. Mặc dù tỉnh mới thành lập, sau sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất, tên TP Nam Định không còn nữa, tuy nhiên không gian của thành phố cổ này vẫn còn tồn tại.

Trước khi sáp nhập, TP Nam Định có nhiều lợi thế để phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại. Ảnh minh họa
Trên thực tế, trước khi sáp nhập, hạ tầng giao thông tại TP Nam Định được quan tâm đầu tư, tạo sự phát triển đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, tăng cường kết nối các khu vực trong thành phố, nhất là khu vực hai bên bờ sông Đào; kết nối linh hoạt giữa các khu vực trong và ngoài tuyến đường vành đai.
Tỉnh Nam Định (cũ), nay thuộc tỉnh Ninh Bình, có nhiều lợi thế để phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại. Tỉnh sở hữu hệ thống giao thông đa dạng, liên hoàn, kết nối nhiều hình thức vận tải gồm đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, đường sắt quốc gia, từ đó tạo điều kiện thuận lợi phát triển cho giao thương và phát triển kinh tế.
Nam Định cũng tập trung phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh, chủ lực của khu vực ven biển như cảng biển, sản xuất thép, công nghiệp đóng tàu, công nghiệp dệt may… Bên cạnh đó, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành theo hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Đọc bài gốc tại đây.