Trang chủ Sống khỏeLối sống Xem phim Sex Education, tôi bật khóc khi nghĩ tới em gái: Vì 1 sai lầm tôi khiến em phải chịu thiệt thòi

Xem phim Sex Education, tôi bật khóc khi nghĩ tới em gái: Vì 1 sai lầm tôi khiến em phải chịu thiệt thòi

bởi Admin
0 Lượt xem

Tôi từng nghĩ rằng giữa tôi và em gái không có điều gì là không thể sẻ chia. Chúng tôi thân nhau từ bé, như hình với bóng. Tôi vẫn luôn tự hào mình một người chị tâm lý, vừa làm bạn lại vừa làm người định hướng cho em. Cho đến khi tôi xem phim “Sex Education”, tôi nhận ra hóa ra tôi không phải người chị tuyệt vời như tôi hằng nghĩ. Chỉ vì vi phạm ranh giới cá nhân của em mà tôi đã khiến em phải chịu thiệt thòi và tổn thương.

- Ảnh 1.

“Sex Education” là một bộ phim ăn khách của Netflix (Ảnh minh họa)

Xem phim “Sex Education”, tôi nhận ra mình đã sai

Tôi rất giống với mẹ của anh chàng Otis Milburn trong phim “Sex Education”. Trong phim, Otis là một cậu con trai có thể nói chuyện với mẹ về mọi thứ. Mẹ của Otis, Jean Milburn, là một chuyên gia tâm lý đồng thời là nhà trị liệu tình dục. Bà là người mẹ hiện đại, cởi mở, luôn sẵn sàng giao tiếp thẳng thắn với con. Có một người mẹ như thế mà xuyên suốt mấy mùa của phim, Otis luôn giấu mẹ tất cả chuyện tình cảm riêng của mình. Otis yêu thầm Maeve, từng hẹn hò với Ola, có mối quan hệ với Ruby, nhưng cậu chưa bao giờ chia sẻ với mẹ.

Otis không ghét mẹ. Cậu thậm chí yêu mẹ rất nhiều. Nhưng Otis không cảm thấy an toàn khi nói về tình cảm cá nhân với mẹ. Bởi Jean, dù yêu con, nhưng cũng đã từng vượt qua ranh giới của sự riêng tư khi đọc trộm nhật ký của con. Bà cũng đã từng “phân tích” cảm xúc của con như thể đang điều trị cho một bệnh nhân. Đôi khi, bà thể hiện cho Otis thấy bà quá hiểu con trai mình.

Otis cần một người mẹ chứ không cần một chuyên gia tư vấn tâm lý, luôn “soi” từng sắc thái, biểu cảm của mình. Tôi đã từng đối xử với em mình một cách rất sai, như cách Jean đối xử với Otis.

- Ảnh 2.

Otis và mẹ trong một phân đoạn của phim “Sex Education” (Ảnh minh họa)

Em gái tôi kém tôi 4 tuổi. Khi em học lớp 12 thì tôi đang đi học đại học xa nhà. Tôi nhớ lần đầu tiên em gọi điện cho tôi thỏ thẻ: “Em có bạn trai rồi”, tôi đã hét lên và tắt điện thoại ngay lập tức rồi úp mặt vào gối và khóc. Tôi không yên tâm khi em mình có tình cảm với 1 người mà tôi chưa từng gặp, chưa từng biết tính cách cậu ta như thế nào. Tôi lo em tôi bị tổn thương. Vì thế, tôi ra sức trách móc em, nói “yêu sớm là sai trái”. Tràn ngập trong tôi lúc ấy là lo lắng xen lẫn chút gì đó như mất mát.

Sau lần đó, em không kể với tôi bất cứ điều gì về cậu bạn ấy nữa. Nhưng theo những gì tôi “khai thác” được từ bạn thân của em gái tôi, mối tình ấy cũng chóng vánh qua đi khi em tôi chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học. Em tôi là người chủ động nói chia tay. Em đỗ đại học, lên thành phố và ở cùng tôi.

Bẵng đi vài năm, tôi không thấy em tôi yêu đương ai khác. Một lần, tôi vô tình nhìn thấy máy tính của em đang mở. Tôi đã đọc trộm tin nhắn facebook của em và biết có một anh khóa trên đang tán tỉnh em. Tôi vờ hỏi han, em kể nhưng rất dè dặt. Tôi biết em thích người đó. Rồi sau này, cũng nhờ lén đọc tin nhắn, tôi mới biết em đã âm thầm chia tay anh chàng đó. Chỉ vì bạn bè của cậu ta trêu chọc em gái tôi là “gái tỉnh lẻ” trước mặt tất cả mọi người. Nhưng cậu ta tuyệt nhiên im lặng, không một lời bênh vực em tôi.

Lúc ấy, tôi đau lòng, tức giận và rất thương em. Em tôi xinh xắn, học hành giỏi giang, tự tin, năng động, đàn giỏi, hát hay. Anh chàng kia không có gì, ngoài cái mác “trai thành phố”. Nhưng điều khiến tôi buồn nhất là em đã không kể với tôi những chuyện này. Em chỉ âm thầm chịu đựng một mình, tự buồn, tự khóc nhiều đêm. Còn tôi, dù biết hết tất cả nhưng tôi chẳng biết mở lời thế nào. Tôi bật khóc nhận ra, chỉ vì tôi vi phạm ranh giới cá nhân của em nên em mất đi cảm giác an toàn, cảm thấy không được tôn trọng, che giấu cảm xúc và phải chịu thiệt thòi.

Yêu thương đến mấy cũng cần sự tôn trọng

Trong tâm lý học, khái niệm “vi phạm ranh giới cá nhân” (boundary violation) được dùng để chỉ những hành vi mà một người, dù với ý tốt, vượt qua ranh giới khiến người khác mất cảm giác an toàn.

Theo thông tin trên tạp chí Psychology Today, việc thiết lập ranh giới là điều cần thiết cho lòng tự trọng và sức khỏe cảm xúc. Ranh giới là điều cần thiết để nuôi dưỡng các mối quan hệ lành mạnh và để đảm bảo rằng không gian vật lý, cảm xúc và tinh thần của bạn được tôn trọng.

Sau khi nhận ra điều đó, tôi đã học cách tự lùi lại. Tôi làm vậy không phải là tôi không còn quan tâm em hay hết yêu em gái, chỉ là tôi muốn em tôi được cảm thấy tự do, được cảm thấy an toàn khi chia sẻ chứ không phải bị ép buộc. Khi xem phim “Sex Education”, một lần nữa tôi càng thấm thía: có những thiệt thòi chỉ xảy ra khi ta yêu thương sai cách, dù tất cả đều bắt đầu từ yêu thương.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan