Tại tọa đàm “Chống hàng giả, hàng gian – Làm sạch thị trường, bảo vệ niềm tin” do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 2-7, PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM, chia sẻ TP HCM hiện có lợi thế lớn so với nhiều địa phương khác nhờ việc thống nhất quản lý an toàn thực phẩm từ ba ngành nông nghiệp, công thương và y tế về một đầu mối. Nhờ vậy, khi xảy ra sự cố, tránh được tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Thành phố cũng có điều kiện để triển khai các chương trình dài hạn nhằm nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn thực phẩm.

PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM
Bà cũng cho biết TP HCM đã bố trí các đội quản lý an toàn thực phẩm, thanh tra trên địa bàn để thường xuyên theo dõi, xử lý. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các quy định hiện hành vẫn còn nặng tính hình thức, khiến công tác thanh tra, kiểm tra chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, thậm chí kém hơn so với nhiều nước.
Theo bà Lan, việc thanh tra định kỳ hiện nay phải lập danh sách trước, trình duyệt. Trường hợp phát hiện trùng lặp, các lực lượng thanh tra phải phối họp thống nhất, bảo đảm mỗi cơ sở chỉ tiếp một đoàn với một nội dung kiểm tra. Hoạt động thanh tra vẫn còn “khua chiêng gõ mõ”, tạo điều kiện cho các cơ sở có thời gian chuẩn bị đối phó, và kết quả chủ yếu chỉ dừng ở xử lý vi phạm hành chính về giấy tờ.
Ngoài ra, TP HCM đã tăng cường thực hiện các cuộc thanh tra đột xuất dựa trên những nguồn tin đáng tin cậy, trong đó có cả thông tin phản ánh từ Báo Người Lao Động. Dù vậy, quy trình thực hiện thanh tra đột xuất còn rất phức tạp, sau khi kiểm tra phải giải trình với cấp trên lý do tiến hành. Bà nhận xét vui chính những quy trình hình thức này đang vô tình “khuyến khích người làm biếng”, vì không kiểm tra thì không phải giải trình.
Trước thắc mắc vì sao đa số vụ việc hàng gian, hàng giả lớn lại do công an phát hiện chứ không phải thanh tra chuyên ngành, bà Lan thẳng thắn lý giải chính vì lực lượng công an có nghiệp vụ chuyên sâu và quyền khám xét, điều tra, trong khi thanh tra chuyên ngành chỉ được phép kiểm tra trong phạm vi cho phép.
Bà nhấn mạnh hàng gian, hàng giả vốn không phải là vấn đề mới, nhưng khi tích tụ đủ về lượng sẽ “bùng nổ”, tạo ra các vụ việc lớn khiến dư luận bàng hoàng. Theo bà, trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về cơ quan quản lý nhà nước, và cần tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, xử lý triệt để.
Đọc bài gốc tại đây.