Nội dung chính
Cuộc đối đầu lịch sử
Ngày 13/6/2025, Israel đã bất ngờ tấn công Iran. Cùng một lúc, hơn 200 máy bay, hàng trăm tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái đồng loạt tấn công vào thủ đô Tehran và các thành phố khác của Iran, khiến nhiều người thiệt mạng và gây ra sự tàn phá chưa từng có.
Iran đã đáp trả quyết liệt bằng hàng trăm tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái vào Tel Aviv, Jerusalem, Haifa và nhiều thành phố khác của Israel, gây tổn thất nặng nề. Đây là cuộc đối đầu quân sự lớn nhất giữa Israel và Iran kể từ khi nhà nước Israel được thành lập năm 1948.

Kho dầu Shahran ở Iran bốc cháy dữ dội sau cuộc tấn công của Israel. Ảnh: X
Các điều kiện chiến lược tại Trung Đông đã thay đổi sau cuộc chiến của Israel ở Gaza năm 2023. Các đồng minh của Iran trong “Trục kháng chiến” gồm Hamas ở Gaza, Hezbollah ở Nam Lebanon, Houthi ở Yemen đã bị suy yếu đáng kể do Israel tấn công, nhiều cơ sở quân sự bị phá hủy.
Các tổ chức dân quân thân Iran ở Iraq cũng bị chính quyền Iraq hạn chế hoạt động do sức ép từ Mỹ. Chế độ Assad ở Syria – đồng minh thân cận của Iran – bị sụp đổ. Tình hình này đã làm giảm đáng kể sự ủng hộ của các đồng minh trong cuộc đối đầu với Israel.
Ngày 12/6/2025, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã thông qua nghị quyết cáo buộc Iran vi phạm các nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Một ngày sau – ngay trước khi Mỹ và Iran nối lại đàm phán hạt nhân vòng 6 tại Muscat, Oman, Thủ tướng Israel Netanyahu đã quyết định khai hỏa tấn công.

Iran nã hỏa lực đáp trả, xuyên thủng lá chắn “Vòm Sắt” của Israel (Ảnh: NDTV).
Khả năng Mỹ tham gia vào cuộc chiến chống Iran
Khả năng Mỹ can dự đã tăng lên trong những ngày gần đây khi Israel tiếp tục tấn công Iran. Tổng thống Trump ngày càng nghiêng về khả năng sử dụng sức mạnh quân sự để buộc Iran đầu hàng.
Ông đã nâng mức đe dọa chưa từng có, yêu cầu Iran đầu hàng vô điều kiện và đe dọa ám sát Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei. Các nguồn tin đáng tin cậy cho biết quân đội Mỹ đang chờ sự chấp thuận từ ông Trump để triển khai chiến dịch.
Ngày 17/6/2025, ông Trump đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với nhóm an ninh quốc gia tại Nhà Trắng sau khi đăng trên mạng Truth Social, cảnh báo Iran và yêu cầu nước này “đầu hàng vô điều kiện”. Hiện ông đang cân nhắc khả năng Mỹ can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột Israel–Iran.

Máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-46 đang tiếp nhiên liệu (Ảnh: Không quân Mỹ).
Hãng CNN đưa tin, Mỹ đã điều động nhiều khí tài quân sự chiến lược đến Trung Đông, bao gồm tàu sân bay USS Nimitz, máy bay ném bom chiến lược B-52 và hơn 30 máy bay tiếp nhiên liệu.
Việc tiếp nhiên liệu cho máy bay ném bom của Israel có thể là một phần trong chiến dịch can thiệp quân sự quy mô lớn của Mỹ nếu có quyết định tham chiến. Tạp chí Military Watch mô tả động thái trên là “chưa từng có”.
Iran sẵn sàng đáp trả
Nếu Mỹ trực tiếp tham chiến, điều này có thể thúc đẩy Iran tấn công vào các lợi ích của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là các căn cứ quân sự ở Iraq và vùng Vịnh.
Iran đã chuẩn bị tên lửa và các thiết bị quân sự để tấn công các căn cứ của Mỹ ở Trung Đông. Tất cả căn cứ này đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Iran.
Theo NYT, nếu bị tấn công, Iran có thể rải mìn ở Eo biển Hormuz nhằm bao vây tàu chiến Mỹ. Nhóm Houthi do Iran hậu thuẫn sẽ tiếp tục tấn công tàu ở Biển Đỏ. Hezbollah ở Lebanon và các nhóm dân quân thân Iran ở Iraq có thể tấn công vào các căn cứ của Mỹ.
Trong số đó có lực lượng dân quân Shiite tại Iraq và Afghanistan, Houthi ở Yemen, Hezbollah ở Lebanon – những lực lượng đã tuyên bố sẵn sàng chia lửa với Iran, như họ từng làm trong chiến sự Gaza.
Dù các đồng minh của Iran đã hứng chịu tổn thất nặng nề do Israel, họ vẫn không quá suy yếu. Houthi tiếp tục bắn tên lửa vào Israel và tấn công tàu trên Biển Đỏ.
Iran không dễ bị đánh bại
Đánh bại Iran là điều không dễ dàng. Nước này không đủ yếu để chấp nhận đầu hàng như yêu cầu của Trump. Trong những ngày qua, Iran đã từ chối mọi khuyến nghị từ các nhà trung gian khu vực và châu Âu.
Trong các đợt tấn công đầu tiên, Iran chủ yếu dùng tên lửa cũ, nhiều quả đã được lưu kho 15–20 năm, nhưng vẫn gây thiệt hại lớn. Trong các đợt gần đây, Iran đã sử dụng tên lửa hiện đại hơn nhiều.

Tên lửa Sejjil của Iran. Nguồn: YT
Ngày 18/6/2025, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) lần đầu tiên sử dụng tên lửa Sejjil – loại tên lửa hiện đại nhất, tầm bắn 2.000 km, mang 700 kg thuốc nổ, có thể xuyên thủng hệ thống phòng không Israel. Iran còn sở hữu nhiều loại tên lửa khác như Fateh-110, Zolfaqar, Qiam-1, Shahab-1/2/3, Khorramshahr, Raad-500, Zelzal, Soumar…
Theo số liệu Mỹ, Iran có hơn 3.000 tên lửa đạn đạo, ít nhất 2.000 trong số này có thể mang đầu đạn 1.000 kg. Nhiều nguồn tin cho rằng Iran sản xuất được 50 tên lửa/tháng và 600/năm.
Iran hiện có khoảng 5.000 UAV đang hoạt động (tính đến 2024), trong đó khoảng 85% là UAV kamikaze hiện đại. Mỗi tháng, Iran có thể sản xuất 300–350 chiếc, cho phép tiến hành chiến tranh kéo dài.
Không ai biết rõ chính xác số lượng tên lửa và UAV của Iran, nhưng với năng lực sản xuất lớn và liên tục trong nhiều năm, con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

Iran-Israel trước nguy cơ chiến tranh toàn diện. Ảnh: Alarabiya
Thiệt hại to lớn của Israel
Đây là cuộc đối đầu khốc liệt nhất kể từ khi Israel được thành lập năm 1948. Dù từng trải qua nhiều cuộc chiến với thế giới Ả Rập và Palestine, nhưng chưa bao giờ chiến sự diễn ra sâu trong lãnh thổ Israel như hiện tại.
Thành phố Tel Aviv, Jerusalem, khu chế biến dầu ở Haifa, Viện đào tạo quân đội Weizmann, Bộ Quốc phòng, dinh thự Netanyahu… đều bị tấn công bằng tên lửa.
Kinh tế Israel đang đối mặt thử thách lớn. Cuộc chiến ở Gaza từng gây thiệt hại 85 tỷ USD. Chiến sự với Iran đang ngốn chi phí khổng lồ.
Theo một cựu quan chức quốc phòng Israel, chi phí trực tiếp mỗi ngày là 2,75 tỷ shekel (725 triệu USD), chưa bao gồm tổn thất kinh tế gián tiếp.
Ngân sách Israel năm 2025 không dự trù cho cuộc chiến này, khiến áp lực tài chính gia tăng mạnh.
Cuộc đối đầu có thể kéo dài một tháng. Viện Aharon tại Đại học Reichman (Herzliya) ước tính chi phí trực tiếp có thể lên đến 40 tỷ shekel (11,1 tỷ USD).
Vấn đề hạt nhân Iran chỉ có thể giải quyết bằng thương lượng hòa bình
Mỹ và Iran cần nối lại vòng đàm phán thứ sáu để tìm giải pháp cho khủng hoảng. Mọi giải pháp cần đảm bảo hai điều kiện: Iran không được sản xuất, tàng trữ vũ khí hạt nhân, và Mỹ cùng phương Tây phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Tehran.
Đọc bài gốc tại đây.