4 vấn đề nổi cộm
Năm 2024, sầu riêng đạt mức tăng trưởng xuất khẩu kỷ lục với sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn, kim ngạch hơn 3,3 tỷ USD – chiếm gần 50% tổng giá trị xuất khẩu rau quả cả nước. Trung Quốc là thị trường chủ lực, chiếm đến 91% kim ngạch.
Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng giảm mạnh, chỉ đạt 120-130 triệu USD (tương đương 35.000 tấn), bằng 20% kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu là Trung Quốc siết các quy định kiểm dịch, kiểm soát dư lượng cadmium, chất vàng O và yêu cầu cao hơn về truy xuất nguồn gốc, khiến nhiều lô hàng bị trả về và thị trường bị đình trệ.
Theo cảnh báo của Hải quan Trung Quốc (GACC), từ đầu năm 2024 đến nay, có tất cả 827 lô hàng sầu riêng, mít, chuối, ớt và xoài của Việt Nam không tuân thủ quy định về an tòa thực phẩm (ATTP) của Trung Quốc. Trong đó, sầu riêng bị cảnh báo nhiều nhất với 761 lô (589 lô nhiễm Cadimi và 157 lô nhiễm Vàng O).
Cũng từ tháng 6/2024, GACC đã tạm dừng nhập khẩu đối với sầu riêng các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói của Việt Nam liên quan vi phạm về Cadimi. Điều này khiến số lượng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói hợp lệ giảm mạnh, dẫn tới tình trạng gian lận trong sử dụng mã số gia tăng.

Nhiều vấn đề còn tồn tại trong việc đảm bảo uy tín, chất lượng của ngành hàng sầu riêng. Ảnh minh họa: IT.
Thông tin tới PV Tiền Phong , ông Đỗ Đức Duy – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) – cho rằng, còn 4 vấn đề đang tồn tại mà ngành hàng sầu riêng Việt Nam cần giải quyết để hướng tới phát triển bền vững ngành hàng tỷ USD này.
“Ngành sầu riêng Việt Nam đang ở một giai đoạn tăng trưởng rất nhanh nhưng đi cùng với đó là nhiều thách thức mang tính hệ thống mà chúng ta phải giải quyết đồng bộ nếu muốn phát triển bền vững”, ông Duy nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành NN&MT chỉ rõ: Thứ nhất là phát triển diện tích thiếu kiểm soát, phá vỡ quy hoạch, dẫn đến nhiều vùng trồng nằm ngoài vùng sinh thái phù hợp, thiếu khả năng quản lý chất lượng.
Thứ hai là năng lực giám sát an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc tại cơ sở còn yếu, nhất là ở cấp địa phương.
Thứ ba là tình trạng sử dụng mã số vùng trồng không đúng quy định, hoặc không duy trì điều kiện kỹ thuật, gây rủi ro nghiêm trọng cho toàn ngành khi bị cảnh báo hoặc đình chỉ.
Cuối cùng, sầu riêng quá phụ thuộc vào một thị trường, cụ thể là Trung Quốc, cũng là điểm yếu cần khắc phục bằng chiến lược mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tr ách nhiệm thuộc về ai?
Để giải quyết “khủng hoảng” cho ngành sầu riêng hiện nay, Bộ trưởng TN&MT cho biết việc quan trọng nhất là cần xác minh rõ vai trò của các địa phương trong giám sát chất lượng và duy trì điều kiện kỹ thuật vùng trồng.
“Việc duy trì điều kiện kỹ thuật vùng trồng là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Trung ương không thể giám sát từng vườn cây, từng cơ sở – mà phải dựa vào sự vào cuộc thực chất của các tỉnh, huyện, xã” – ông Duy nói nhấn mạnh và cho rằng “ yếu tố then chốt hiện nay cần làm để phát triển ổn định ngành hàng là phân công rõ ràng trách nhiệm giám sát vùng trồng ngay từ cấp xã. Phải có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan trồng trọt, bảo vệ thực vật và chính quyền sở tại”.
Trong thời gian tới, Bộ NN&MT sẽ ban hành thông tư mới về quản lý mã số vùng trồng, trong đó trao thêm công cụ pháp lý cho địa phương, đồng thời gắn trách nhiệm cụ thể cho địa phương nếu xảy ra vi phạm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy. Ảnh: Bộ NN&MT.
Ông Đỗ Đức Duy cho biết, Bộ NN&MT xác định nếu để mất niềm tin từ thị trường nhập khẩu thì khôi phục sẽ vô cùng khó. Khi mất niềm tin, các nước nhập khẩu thường đặt ra rất nhiều rào cản kỹ thuật, thậm chí là không cho nhập khẩu sản phẩm của Việt Nam và việc đàm phán để mở cửa thị trường trở lại càng khó.
Vì vậy, Bộ NN&MT đề nghị các địa phương: Công khai minh bạch toàn bộ danh sách mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên hệ thống truy xuất điện tử, cập nhật thường xuyên; phân công rõ trách nhiệm giám sát tại cấp xã – huyện. Chỉ đạo tạm dừng trồng các vùng không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vi phạm ATTP, kiểm dịch thực vật, không để “chạy theo số lượng mà đánh mất hình ảnh, uy tín quốc gia”.
Cơ quan chức năng tại địa phương cũng cần chủ động hướng dẫn người dân, doanh nghiệp ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và chủ động kiểm soát chất lượng.
Ông Duy nhấn mạnh: “Bộ NN&MT cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật, nhưng cũng yêu cầu địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ nếu để xảy ra vi phạm”.
Thông tư về quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đang được Bộ NN&MT hoàn thiện sẽ là văn bản nền để điều chỉnh toàn bộ quá trình sản xuất – sơ chế – kiểm soát kỹ thuật sầu riêng. Thông tư này sẽ quy định: Điều kiện cấp, duy trì, tạm dừng hoặc thu hồi mã số; Trách nhiệm của các cơ quan địa phương, đơn vị giám sát và doanh nghiệp…
Ngoài ra, Bộ NN&MT cũng đang xây dựng quy trình thực hành nông nghiệp và kỹ thuật sơ chế an toàn, hướng dẫn sử dụng vật tư nông nghiệp giảm thiểu chứa kim loại nặng, yêu cầu không sử dụng chất cấm…
Đọc bài gốc tại đây.