Nội dung chính
Kiều Phong trong tác phẩm Thiên Long Bát Bộ được biết đến với sức mạnh phi thường. Bài viết này sẽ phân tích và giải thích nguyên nhân vì sao Kiều Phong không thể giết một con hổ nhưng có thể đả thương Vô Danh Thần Tăng dựa trên lời giải thích của chính tác giả Kim Dung.
Sức mạnh kỳ lạ của Kiều Phong
Trong cuộc bình chọn trực tuyến được tiến hành vào năm 2021 trên Sohu, Thiên Long Bát Bộ đã nhận được số phiếu bầu cao nhất, trở thành tiểu thuyết Kim Dung được người hâm mộ võ hiệp yêu thích nhất. Theo ý kiến nhiều độc giả, dù là võ học huyền bí hay cốt truyện phức tạp hấp dẫn, Thiên Long Bát Bộ luôn mang lại nhiều bất ngờ.
Đoàn Dự với may mắn song hành, anh ta vô tình rơi xuống vực sâu nhưng không chết, ngược lại còn học được Bắc Minh Thần Công từ phái Tiêu Dao. Sau khi luyện thành Bắc Minh Thần Công, Đoàn Dự có thể hấp thụ nội lực của các cao thủ xung quanh.
Với lượng nội lực dồi dào làm nền tảng, Đoàn Dự lại trong cơ duyên tình cờ luyện được tuyệt kỹ Lục Mạch Thần Kiếm.

Ngược lại với Đoàn Dự là “hút” nội lực của người khác thì võ công của Hư Trúc lại thăng cấp nhờ được “truyền”. (Ảnh: Sohu)
Ngược lại với Đoàn Dự là “hút” nội lực của người khác thì võ công của Hư Trúc lại thăng cấp nhờ được “truyền”. Sau khi kế thừa nội công của Vô Nhai Tử, Lý Thu Thủy, Thiên Sơn Đồng Lão, Hư Trúc còn thấu hiểu võ học trên bức tường đá của Linh Thứu Cung. Trong người Hư Trúc chứa đầy nội lực tới hai trăm năm tu luyện của Tiêu Dao phái, bất cứ chiêu thức bình thường nào cũng có thể phát huy sức mạnh ghê gớm.
Tuy nhiên, dù mạnh nhưng Đoàn Dự và Hư Trúc dường như đều thiếu thứ gì đó. Dù chiêu thức Lục Mạch Thần Kiếm của Đoàn Dự có thể gây thương tích từ xa, nhưng khi đối đầu với Mộ Dung Phục, Đoàn Dự không thể hoàn toàn áp đảo, thậm chí còn có lúc thua thiệt.
Ngược lại, so sánh với Kiều Phong, khi ở núi Thiếu Thất chiến đấu với Mộ Dung Phục, trước mặt đám đông anh hùng, Kiều Phong nhẹ nhàng tung Mộ Dung Phục qua đầu rồi ném đi, khiến Mộ Dung Phục suýt nữa tự sát ngay tại chỗ.

Khi ở núi Thiếu Thất, Kiều Phong nhẹ nhàng tung Mộ Dung Phục qua đầu rồi ném đi, khiến Mộ Dung Phục suýt nữa tự sát ngay tại chỗ. (Ảnh: Sohu)
Tương tự, dù về ngoại công hay nội công, Hư Trúc đều hơn hẳn Đinh Xuân Thu. Nhưng, khi đối đầu với Đinh Xuân Thu trên núi Thiếu Thất, Hư Trúc mềm lòng đã chiến đấu với Đinh Xuân Thu một cách không rõ thắng bại. Nếu không phải Mai Lan Trúc Cúc nhắc nhở Hư Trúc sử dụng Sinh Tử Phù, Hư Trúc có khả năng bại dưới tay Đinh Xuân Thu.
Ngược lại, khi Kiều Phong biết Đinh Xuân Thu làm mù mắt A Tử, cơn giận không thể kềm chế khiến chàng chỉ ra đòn 2 lần đã làm Đinh Xuân Thu thở không nổi và lùi lại vài bước.
Ở cuối Thiên Long Bát Bộ, Kiều Phong để giúp Gia Luật Hồng Cơ, đã dùng hai bàn tay đẩy lùi sự kết hợp của Đoàn Dự và Hư Trúc, cứng rắn cướp lại Gia Luật Hồng Cơ từ 2 người họ.
Như vậy có thể thấy, trong ba huynh đệ này, Kiều Phong có thực lực mạnh nhất, thậm chí cả Vô Danh Thần Tăng của Tàng Kinh Các cũng bị Kiều Phong đả thương.
Vô Danh Thần Tăng – Cao thủ số một của Thiên Long
Vô Danh Thần Tăng xứng đáng là cao thủ số một của Thiên Long, bức tường khí ba thước do ông tạo ra như là chiếc khiên mạnh nhất, không thể phá vỡ, dù là Kiều Phong với Hàng Long Thập Bát Chưởng, Mộ Dung Phục với Đẩu Chuyển Tinh Di, hay cả Cưu Ma Trí với Vô Tướng Kiếp Chỉ, đều bị hóa giải không còn dấu vết.
Còn đáng sợ hơn, Mộ Dung Bác, Tiêu Viễn Sơn là những cao thủ đương thời đều không thể chống đỡ được một chiêu nhẹ nhàng của Vô Danh Thần Tăng. Sau khi đánh chết hai người họ, Vô Danh Thần Tăng lại sử dụng công lực để hồi sinh Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác.

Vô Danh Thần Tăng xứng đáng là cao thủ số một của Thiên Long. (Ảnh: Sohu)
Trải qua cái chết và sự sống, Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn ngay lập tức bỏ qua mọi ân oán để từ đó ẩn mình vào cửa Phật.
Nhưng một cao thủ tầm cỡ như vậy, lại bị Kiều Phong với một chiêu Hàng Long Thập Bát Chưởng đánh gãy vài xương sườn. Mặc dù Vô Danh Thần Tăng vẫn bình thản khi sử dụng công lực mặc kệ vết thương, nhưng không thể phủ nhận rằng, trong tính toán của Kim Dung, ngay cả người mạnh nhất Thiên Long cũng có thể bị chiến thần Kiều Phong đả thương.
Tuy nhiên, khi Kiều Phong ở núi Trường Bạch chiến đấu với hổ, lại bộc lộ một khía cạnh khiến nhiều độc giả cảm thấy khó hiểu.
Kiều Phong chiến đấu với hổ
Trong nguyên tác, có viết rằng khi đối mặt với con hổ, “Kiều Phong dùng đến bảy phần sức mạnh, tung một chưởng đánh vào đầu hổ. Không ngờ đầu hổ cứng rắn, chỉ lộn nhào, sau đó lại nhảy về phía Kiều Phong.”
“Lần này Kiều Phong lại tăng thêm một phần công lực, chỉ nghe ‘bốp’ một tiếng, lòng bàn tay đánh vào bụng hổ, con hổ lảo đảo bước chân, ngay sau đó loạng choạng rồi nhảy ra xa chạy trốn…”
Qua đây, không khó để nhận ra Kiều Phong tổng cộng đã đánh ra 2 chưởng, một chưởng dùng bảy phần công lực, một chưởng dùng tám phần công lực, nhưng vẫn không thể giết chết con hổ.

So sánh với Dương Quá trong Thần Điêu Đại Hiệp, khi chàng ta tập trung nội lực và gầm lên, không chỉ sư tử, hổ đều ngã xuống, ngay cả voi cũng chao đảo. (Ảnh: Sohu)
So sánh với Dương Quá trong Thần Điêu Đại Hiệp, khi chàng ta tập trung nội lực và gầm lên, không chỉ sư tử, hổ đều ngã xuống, ngay cả voi cũng chao đảo. Nếu không phải Dương Quá lo lắng người xung quanh bị thương nên dừng lại, có lẽ cả bầy thú sẽ bị nội lực của Dương Quá giết chết.
Kiều Phong có thể khiến Vô Danh Thần Tăng bị thương nhưng lại không thể giết chết con hổ, thực lực thất thường này, Kim Dung đã giải thích như thế nào?
Lời giải thích của Kim Dung
Theo Sohu, Kim Dung đã đưa ra manh mối về đặc điểm sức mạnh của Kiều Phong trong chương 24 của Thiên Long Bát Bộ. Kim Dung đã viết: “Kiều Phong là một tài năng võ học phi phàm, bất kỳ đòn thức bình thường nào đến tay chàng ta cũng được phát huy hết sức mạnh… Về khả năng thiên phú của mình, Kiều Phong cũng không giải thích nổi, chỉ biết rằng bất kỳ thức gì cũng học một lần là biết, biết một lần là thành thục… Đời người hiếm khi gặp đối thủ, nhiều kẻ có nội lực mạnh hơn, thức đánh tinh xảo hơn, nhưng một khi giao thủ với Kiều Phong, luôn ở thời khắc quan trọng nhất, bằng một đòn hoặc nửa chiêu đã bị đánh bại, và thua một cách tâm phục khẩu phục…”

Kim Dung đã đưa ra manh mối về đặc điểm sức mạnh của Kiều Phong trong chương 24 của Thiên Long Bát Bộ. (Ảnh: Sohu)
Lời giải thích của Kim Dung rất rõ ràng, đặc điểm của Kiều Phong có thể tóm gọn trong bốn từ, đó là “gặp mạnh thì mạnh”. Kiều Phong gặp kẻ mạnh như Vô Danh Thần Tăng, sức chiến đấu của chàng sẽ đột nhiên tăng vọt; nhưng khi đối mặt với đối thủ yếu như con hổ ở núi Trường Bạch, sức chiến đấu của Kiều Phong cũng vì thế mà giảm đi nhiều.
Tổng hợp
Đọc bài gốc tại đây.