Theo Thủ tướng, cần phải đảm bảo cho mọi người dân Việt Nam đều có chỗ ở.
Chiều nay (24/5), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, hiệp hội, ngân hàng và doanh nghiệp (trong đó Tập đoàn Vingroup, Sungroup…) về tình hình thị trường bất động sản.
Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, hiệp hội, ngân hàng, doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản và liên quan.
Thủ tướng: Đảm bảo mọi người dân đều có chỗ ở

Thủ tướng chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, hiệp hội, ngân hàng và doanh nghiệp về tình hình thị trường bất động sản. Ảnh: VGP
Tại Hội nghị, sau khi lắng nghe báo cáo của Bộ Xây dựng và các ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao, ghi nhận các ý kiến của các đại biểu; đồng thời yêu cầu các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách các lĩnh vực chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về pháp luật liên quan đến bất động sản, nhất là các nội dung có tính chất “đòn bẩy, điểm tựa”.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu rà soát, sửa các nghị định, thông tư theo hình thức rút gọn để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, công bằng, phù hợp với điều kiện đất nước và với thu nhập của người dân; để nhà ở thương mại, cùng với nhà ở xã hội và nhà ở theo chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát góp phần cải thiện nhà ở cho nhân dân, đảm bảo quyền có chỗ ở của nhân dân, thực hiện mục tiêu mọi người dân đều có chỗ ở.
Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu, tháo gỡ các vướng mắc để giảm chi phí, giảm giá bất động sản; tăng nguồn cung để tăng khả năng tiếp cận bất động sản của người dân.
Thủ tướng chỉ đạo cắt giảm các thủ tục hành chính, cương quyết loại bỏ các thủ tục rườm rà, không cần thiết; bãi bỏ các tiêu chuẩn, quy chuẩn không cần thiết, không phù hợp; đồng thời xây dựng chính sách cho người mua nhà thiết thực, hiệu quả.
“Phải quyết liệt xử lý các hành vi tạo giá ảo, đầu cơ, thao túng trục lợi trong đấu giá đất, lũng đoạn thị trường bất động sản, không để người dân bị lừa đảo”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại về cho vay nhà ở, góp phần tăng trưởng tín dụng; cắt giảm các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm kiểm soát được; đôn đốc các ngân hàng tham gia chương trình cho vay 120 nghìn tỷ đồng; đồng thời chỉ đạo thanh tra, tập trung quản lý rủi ro; không được tiếp tay cho vi phạm thao túng để tạo mặt bằng giá mới, giá ảo.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan, địa phương rà soát các dự án có dấu hiệu vi phạm, trước mắt cho khắc phục bằng các biện pháp kinh tế, sau đó mới xem xét các biện pháp khác; không để tình trạng người dân bị lừa đảo liên quan đất đai; chỉ đạo các đơn vị phòng cháy, chữa cháy nghiên cứu các giải pháp công nghệ cao, kiểm soát tình hình phòng cháy, chữa cháy, hạn chế cháy nổ, giảm chi phí cho người dân.
Đồng thời, UBND các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, công khai các thông tin bất động sản để người dân tiếp cận đầy đủ thông tin; không để các đối tượng lợi dụng lừa đảo người dân; giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, nghiên cứu bỏ thủ tục về chấp thuận đầu tư.
UBND các địa phương phối hợp các bộ, ngành để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng vì có nhu cầu; có quỹ đất sạch, ưu tiên phát triển nhà ở xã hội; nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội; khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, nhà ở…; tăng cường kiểm tra để chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý các vi phạm; khuyến khích những người làm tốt; hình thành các sàn giao dịch bất động sản.
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp chủ động rà soát, tái cấu trúc danh mục dự án đầu tư, phù hợp nhu cầu của xã hội; rà soát các dự án đang triển khai bảo đảm tuân thủ; giảm giá, tiết kiệm chi phí để giảm giá nhà ở, trên tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ. Đồng thời chủ động giải quyết và có trách nhiệm tập trung nguồn lực để giải quyết các khó khăn, vướng mắc; hoàn thiện thủ tục pháp lý sớm triển khai các dự án, tăng nguồn cung cho thị trường.
Nguồn cung bất động sản còn hạn chế, kéo giảm giá bất động sản

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP
Tại Hội nghị, theo Bộ Xây dựng, trong quý I/2025 số dự án phát triển nhà ở thương mại tăng so với quý IV/2024 và so với cùng kỳ. Trong đó, có thêm 14 dự án nhà ở thương mại hoàn thành xây dựng, với quy mô hơn 3.800 căn, tăng 40%; có 26 dự án được cấp phép mới với quy mô gần 16.000 căn, tăng 44%; 59 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai với khoảng 20.000 căn, tăng 55%; có 994 dự án đang triển khai xây dựng, với quy mô gần 400.000 căn.
Đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất để người dân tự xây dựng nhà ở, trong 3 tháng đầu năm nay, có 17 dự án hoàn thành với hơn 4.400 lô/nền, 490 dự án đang triển khai với quy mô hơn 19.000 lô/nền và có 11 dự án được cấp phép với quy mô khoảng 3.400 lô/nền.
Ngoài ra, lượng giao dịch bất động sản căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền đều tăng so với quý trước. Trong đó, có hơn 33.000 giao dịch thành công về căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, tăng 32% so với quý IV/2024 và hơn 101.000 giao dịch đất nền thành công, tăng hơn 16%.
Theo Bộ Xây dựng, nhìn chung, trong quý I/2025, giá các loại hình bất động sản tiếp tục có xu hướng tăng nhưng mức độ tăng của mỗi loại hình tại mỗi thời điểm, mỗi vị trí, mỗi khu vực ở mỗi địa phương khác nhau.
Đặc biệt, về phát triển nhà ở xã hội, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch hơn 1.300 vị trí với quy mô hơn 9.700 ha đất dành cho phát triển nhà ở xã hội. Về triển khai Đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, cả nước hiện đã có 679 dự án được triển khai với quy mô hơn 623.000 căn. Trong đó có 108 dự án hoàn thành với 73.000 căn và 155 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô hơn 132.000 căn.
Theo tính toán, có 22 tỉnh, thành phố sẽ hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội với gần 48.000 căn; trong khi 22 địa phương khác khó hoàn thành chỉ tiêu, với hơn 23.000 căn. Đặc biệt , có19 tỉnh chưa triển khai dự án nhà ở xã hội.

Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Vingroup phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP
Các đại biểu tại Hội nghị đã đánh giá về nguồn cung bất động sản còn hạn chế; còn lệch pha phân khúc bất động sản; kết quả triển khai nhà ở xã hội còn chậm; nhiều dự án bất động sản gặp vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý về đất đai, đầu tư, đấu thầu, đấu giá, xây dựng; các khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định về giá đất; thủ tục chuẩn bị đầu tư, triển khai thực hiện dự án bất động sản ở nhiều địa phương còn chậm; đồng thời tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở một số địa phương còn những tồn tại hạn chế.
Ngoài ra, quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản, môi giới bất động sản còn hạn chế, có hiện tượng tạo giá ảo, đầu cơ; doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn. Hơn nữa, các biến động trong các lĩnh vực, kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, trái phiếu, lạm phát… đã tác động đến tâm lý, dẫn đến xu hướng chuyển dịch dòng tiền của người dân, nhà đầu tư sang bất động sản.
Trên thực tế, cả nước có khoảng 788 dự án bất động sản có khó khăn, vướng mắt liên quan đến lĩnh vực đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng, nhà ở, đấu thầu, nguồn vốn thực hiện dự án, thực hiện kết luận thanh tra đối với dự án… Các dự án có khó khăn, vướng mắc đang được tích cực xử lý. Tuy nhiên vẫn còn những vấn đề vướng mắc chưa giải quyết, chủ yếu thuộc thẩm quyền của các địa phương.
Các đại biểu đề xuất rằng, cùng với tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản như kể trên, cần giảm các chi phí ảnh hưởng tới giá bất động sản; có kế hoạch, chỉ tiêu, điều tiết các phân khúc bất động sản hợp lý và xử lý nghiêm các hành vi làm giá, thao túng thị trường.
Đọc bài gốc tại đây.