Chị N.M.L (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, mới đây, trên đường đi làm về từ cơ quan đến nhà, chị làm rơi một túi xách, bên trong có ví đựng thẻ ngân hàng Agribank, thẻ tín dụng Wooribank, căn cước công dân và một khoản tiền mặt. Ngay sau khi phát hiện sự việc, chị đã đăng thông tin tìm kiếm lên trang Facebook cá nhân với hy vọng thông quan bạn bè trên mạng xã hội sẽ tìm được người nhặt được giấy tờ.
Chỉ khoảng 5 phút sau, chị nhận được cuộc gọi từ số 0786774005. Người này tự xưng là nhân viên ngân hàng Wooribank. Theo lời người này, một phụ nữ đã nhặt được túi xách của chị N.M.L và mang đến ngân hàng nhờ hỗ trợ liên hệ trả lại. Người gọi điện yêu cầu chị N.M.L cung cấp thông tin cá nhân trong ví để xác minh, đồng thời thông báo sẽ liên hệ thêm với chồng chị để xác nhận thêm thông tin, do chủ thẻ đứng tên chồng chị.
Sau đó, người này kết bạn Zalo, gửi ảnh căn cước công dân (đã được che bớt một số thông tin) và hỏi chị có phải là chủ nhân hay không. Khi chị L. xác nhận đó đúng là giấy tờ của mình, người này tiếp tục gọi điện, hỏi về hình thức “hậu tạ”. Họ khẳng định không đụng đến tiền trong ví để tránh rắc rối nhưng yêu cầu chị phải chuyển khoản một khoản tiền cảm ơn để thuận tiện cho việc bàn giao túi xách mà không cần thực hiện thủ tục xác minh rườm rà.
Chị L. bày tỏ mong muốn gặp trực tiếp để gửi lời cảm ơn, hoặc để người nhặt được giữ lại số tiền mặt trong ví và gửi lại giấy tờ. Tuy nhiên, đối tượng không đồng ý, viện cớ không muốn dính vào thủ tục bàn giao tại ngân hàng. Trước mong muốn lấy lại giấy tờ quan trọng, chị L. đã đồng ý chuyển khoản “cảm ơn” vào số tài khoản 060320882160, ngân hàng Sacombank, chủ tài khoản Lê Thiên Quý mà đối tượng cung cấp.

Đối tượng lừa đảo yêu cầu chuyển khoản “hậu tạ”. (Ảnh: NVCC)
Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, người này tiếp tục yêu cầu chuyển thêm tiền với lý do “phải gửi túi xách đến địa chỉ gần nhất” và “bên gửi yêu cầu thêm chi phí”. Lúc này, chị N.M.L bắt đầu nghi ngờ và từ chối chuyển thêm. Đối tượng đã giảm số tiền cám ơn để “giải quyết nhanh”, nhưng chị N.M.L đã nhận thấy đây là hành vi lừa đảo và quyết định dừng liên lạc.
Chị N.M.L không phải là trường hợp hiếm gặp. Trước đó, anh P.N.C (TP.HCM) cũng từng chia sẻ bị lừa tương tự. Sau khi đánh rơi ví và đăng thông tin lên Facebook, anh nhận được cuộc gọi từ số 0786774005 báo rằng ví đã được gửi đến ngân hàng A. Đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng, yêu cầu anh xác minh thông tin cá nhân.
Sau khi thông báo thông tin trùng khớp, anh P.N.C được báo thời điểm lên ngân hàng lấy lại giấy tờ. Đối tượng cũng yêu cầu anh P.N.C đọc lại mã OTP vừa gửi đến để xác minh thông tin ngân hàng. Tin lời, anh P.N.C cung cấp mã OTP và sau đó phát hiện tài khoản bị rút tiền. May mắn, anh cảnh giác kịp thời và không tiếp tục cung cấp thêm thông tin cho đối tượng.
Những tình huống trên cho thấy một thủ đoạn lừa đảo mới đang xuất hiện ngày càng tinh vi, đánh vào tâm lý lo lắng khi mất giấy tờ quan trọng của nạn nhân. Người dân cần cảnh giác cao khi đăng tải thông tin tìm kiếm giấy tờ trên mạng xã hội cũng nhưu cung cấp số điện thoại, thông tin ngân hàng… Đồng thời, người dân không cung cấp mã OTP, không chuyển khoản theo yêu cầu từ người lạ tự xưng là nhân viên ngân hàng nếu chưa xác minh rõ ràng danh tính và tính xác thực của thông tin.
Đọc bài gốc tại đây.