Tờ The Nation (Thái Lan) đưa tin, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Phumtham Wechayachai hôm 20/5 đã ám chỉ rằng ông sẽ tiếp tục kế hoạch mua một tàu ngầm từ Trung Quốc, mặc dù tàu này không được trang bị động cơ Đức.
Phát biểu với các phóng viên trước khi tham dự cuộc họp Nội các Thái Lan hàng tuần, ông Phumtham cho biết quyết định cuối cùng về dự án tàu ngầm bị trì hoãn từ lâu sẽ được đưa ra vào cuối tháng này hoặc đầu tháng sau. Ông có kế hoạch đệ trình quyết định của mình để Nội các Thái Lan phê duyệt cuối cùng.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Phumtham Wechayachai. Ảnh: The Nation
Theo The Nation, mặc dù Phó Thủ tướng Thái Lan từ chối xác nhận rõ ràng về việc liệu ông sẽ tiếp tục hay hủy bỏ thỏa thuận nhưng đã ám chỉ về phương án đầu tiên. Ông Pumtham tuyên bố rằng nếu dự án bị hủy chỉ vì không thể mua được động cơ Đức, Thái Lan sẽ không thể thu hồi 80% khoản tiền đã chi – khoảng 7-8 tỷ baht (tương đương 214-245 triệu USD).
Bày tỏ mong muốn tiếp tục tiến hành dự án, ông Phumtham tiết lộ rằng ông đã tìm hiểu về các động cơ diesel do Trung Quốc sản xuất và không thấy vấn đề gì về hiệu suất của chúng trong tàu ngầm.
Ông Phumtham cũng loại trừ khả năng mua động cơ diesel Đức cho tàu ngầm S26T lớp Yuan do lệnh cấm vận vũ khí của Liên minh Châu Âu (EU) đối với Trung Quốc.
Theo The Nation, người đứng đầu Hải quân Thái Lan từng hỏi người đồng cấp Đức về khả năng Thái Lan mua trực tiếp động cơ MTU396 của Đức để lắp trên tàu ngầm do Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên, người đứng đầu Hải quân Đức trả lời rằng điều đó là không thể vì Đức phải tuân thủ lệnh cấm vận của EU và các nghị quyết tương tự của NATO.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Phumtham cũng đã đưa ra lời đề nghị tương tự với Bộ trưởng Quốc phòng Đức và nhận được lời từ chối tương tự.
The Nation đưa tin, ông Phumtham từng trao đổi với Đại sứ Trung Quốc tại Thái Lan, đề nghị hỗ trợ đàm phán với Bắc Kinh để thu hồi số tiền đã chi nếu dự án bị hủy. Tuy nhiên, Bắc Kinh trả lời rằng do thỏa thuận của Thái Lan là với một công ty tư nhân Trung Quốc nên không thể can thiệp.
Ông Phumtham cho biết: “Nếu Thái Lan hủy thỏa thuận, Trung Quốc sẽ không trả lại tiền vì không có vi phạm hợp đồng nào xảy ra. Hơn nữa, nhà sản xuất tàu ngầm đã tìm thấy động cơ tương thích để thay thế MTU396.”
Ông Pumtham cũng đã tham khảo ý kiến của Đại sứ Pakistan tại Thái Lan về tàu ngầm mà Pakistan mua từ Trung Quốc. Pakistan đã đặt hàng 8 tàu ngầm cùng loại, tất cả đều được trang bị động cơ CHD620 do Trung Quốc sản xuất. Đại sứ Pakistan xác nhận rằng việc thử nghiệm một trong những tàu ngầm này cho thấy không có vấn đề gì, và tàu ngầm cùng động cơ hoạt động tốt.

Học viên hải quân Thái Lan tìm hiểu mô hình tàu ngầm tại một triển lãm công nghệ tàu biển ở tỉnh Nonthaburi của nước này vào đầu năm 2016. Ảnh: Bangkok Post
Hủy bỏ hoặc tiếp tục dự án tàu ngầm?
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan tuyên bố hiện ông phải đối mặt với hai lựa chọn: hủy bỏ hoặc tiếp tục dự án.
“Nếu hủy bỏ, chúng tôi sẽ mất 80% tổng số tiền đã thanh toán, tức là khoảng 7 hoặc 8 tỷ baht”, ông Pumtham nói.
Nếu quyết định tiếp tục triển khai dự án, ông sẽ tham khảo Văn phòng Hội đồng Nhà nước Thái Lan để sửa đổi hợp đồng, vì hợp đồng ban đầu quy định rằng tàu ngầm phải được lắp động cơ MTU396 của Đức.
“Điều tôi cân nhắc nhiều nhất là số tiền đã chi”, ông Phumtham nói. “Ngoài ra, một đơn vị tàu ngầm đã được thành lập, nhân sự đã được đào tạo và bến tàu ngầm đã được xây dựng hoàn thành tới mức 80%.”
“Bất kể thế nào, tôi khẳng định vấn đề tàu ngầm này sẽ được giải quyết trong nhiệm kỳ của tôi – vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, chúng tôi sẽ có giải pháp rõ ràng”, ông Phumtham nói thêm.
Phó Thủ tướng Thái Lan cũng thừa nhận rằng mối quan tâm lớn nhất của ông là làm thế nào để giải thích quyết định của mình với công chúng Thái Lan và bày tỏ hy vọng rằng vấn đề này sẽ không bị thổi phồng.
(Theo The Nation)
Đọc bài gốc tại đây.