Trang chủ Kinh doanhTài chính - Đầu tư Dòng tiền “trú ẩn” ghi nhận kỷ lục mọi thời đại, điều gì đang xảy ra?

Dòng tiền “trú ẩn” ghi nhận kỷ lục mọi thời đại, điều gì đang xảy ra?

bởi Admin
0 Lượt xem

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố số liệu liên quan đến tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng. Cụ thể, lượng tiền gửi tại các ngân hàng trong 2 tháng đầu năm 2025 đã đạt mức tăng kỷ lục, khi dân cư tiếp tục đổ xô gửi tiền vào hệ thống ngân hàng.

Tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đến hết tháng 2 đạt 7,366 triệu tỷ đồng, tăng 4,26% so với cuối năm 2024, lập kỷ lục mới. So với cuối tháng 1 liền trước, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư tăng thêm 178.000 tỷ đồng còn so với cuối năm 2024 tăng 301.000 tỷ đồng. Mức tăng tiền gửi khách hàng dân cư trong tháng 2 cũng là mức kỷ lục từ trước đến nay, đồng thời đánh dấu 13 tháng tăng trưởng dương liên tục.

Theo báo cáo tài chính quý 1/2025 do các ngân hàng công bố, BIDV dẫn đầu các ngân hàng với số tiền gửi khổng lồ hơn 1,97 triệu tỷ đồng. Các vị trí trí tiếp theo là VietinBank (1,62 triệu tỷ đồng), Vietcombank (1,5 triệu tỷ đồng), MB (hơn 722.000 tỷ đồng).

Các ngân hàng tư nhân cũng không kém cạnh khi Sacombank đứng đầu bảng, đạt hơn 585.000 tỷ đồng. VPBank đứng thứ 2 với hơn 552.000 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm, VPBank là ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất, hút thêm hơn 66.700 tỷ đồng, tương đương 13,7%.

Biến động về lượng tiền gửi của cư dân. Đồ họa: PL

Điều đáng nói là, lượng tiền gửi của cư dân vẫn tăng mạnh bất chấp lãi suất ngân hàng liên tục giảm trong thời gian gần đây. Tăng trưởng mạnh mẽ này phản ánh tâm lý thận trọng của người dân trong bối cảnh các kênh đầu tư khác chưa chắc chắn.

Trước đó, để thu hút khách hàng, trong tháng 2, nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động, đẩy mặt bằng lãi suất lên mức cao hơn so với nhiều tháng trước đó. Một số ngân hàng thậm chí niêm yết lãi suất vượt mốc 6%/năm. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 3 tháng dao động từ 3,5% đến 4,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng từ 4,8% đến 5,9%/năm; còn kỳ hạn 12 tháng ghi nhận mức cao nhất lên tới 7,7%/năm, tùy từng ngân hàng.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 2, theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo dư địa giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng đã bắt đầu hạ lãi suất huy động. Tính từ tháng 3 đến nay, đã có 29 ngân hàng giảm lãi suất huy động từ 0,3 đến 1,3 điểm phần trăm mỗi năm, tùy theo kỳ hạn.

Trong khi tiền gửi của cư dân tăng mạnh thì tiền gửi của khối tổ chức kinh tế tiếp tục sụt giảm tháng thứ hai liên tiếp. Riêng trong tháng 2, lượng tiền gửi của nhóm khách hàng này giảm thêm 71.000 tỷ đồng, nâng tổng mức rút ròng trong 2 tháng đầu năm 2025 lên 305.000 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 2, tổng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng còn 7,362 triệu tỷ đồng, giảm 3,98% so với thời điểm cuối năm 2024.

Với sự sụt giảm này, lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng của khách hàng cá nhân đã chính thức vượt tiền gửi của các tổ chức kinh tế.

Khi lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp, việc tìm kiếm các kênh đầu tư hiệu quả và an toàn là mối quan tâm lớn của nhiều nhà đầu tư. Theo đánh giá của các chuyên gia, môi trường lãi suất thấp khiến nhiều cá nhân lựa chọn chuyển sang kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng… là diễn biến bình thường của guồng quay kinh tế.

Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu về triển vọng các kênh đầu tư năm 2025 của nhóm nghiên cứu TS. Cấn Văn Lực, TS. Phạm Thị Hạnh, ThS Nguyễn Quang Hưng, ThS Hà Thanh Lương, gửi tiết kiệm thời gian tới vẫn sẽ là kênh đầu tư an toàn. Bất động sản, chứng khoán có thể tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn, nhưng ứng với mức độ rủi ro cao hơn và đòi hỏi dài hạn hơn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất huy động ở mức đi ngang hoặc chỉ tăng nhẹ, thì những nhà đầu tư, tùy vào khẩu vị rủi ro, có thể xem xét giảm tỷ trọng tiền gửi tiết kiệm để chuyển sang các kênh có lợi suất cao hơn.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan