Mới đây, chương trình Cuộc hẹn cuối tuần đã lên sóng kênh VTV3 với khách mời là nhạc sĩ Trần Tiến và nhạc sĩ Đức Trí.

Trần Tiến
Tại chương trình tuần này, MC Long Vũ tiết lộ rằng nhạc sĩ Trần Tiến tuy chủ yếu sáng tác nhạc nhẹ (folk, pop, dân gian đương đại…) nhưng lại từng tốt nghiệp loại giỏi về nhạc giao hưởng tại Nhạc viện quốc gia, được đào tạo về nhạc khí cổ điển.
Tiết lộ này của MC Long Vũ khiến nhiều người bất ngờ vì nhạc của Trần Tiến vốn rất bình dị, mộc mạc, có màu du ca, du mục, không quá phức tạp, cầu kỳ về nhạc khí, hòa thanh.
Nhạc sĩ Trần Tiến nói: “Tôi mê nhạc giao hưởng lắm. Nhưng có ba người đánh thức được tôi để tôi biết mình có tài năng khác.
Người đầu tiên là nhạc sĩ Hoàng Vân. Thầy Hoàng Vân khi ấy bảo tôi: “Tiến ơi, sao lâu không viết ca khúc?”. Tôi đáp: “Thưa thầy, trường chỉ dạy nhạc giao hưởng thôi ạ”.
Thầy Hoàng Vân nghe tôi nói vậy thì nhìn tôi với ánh mắt lạnh như tiền và nói thẳng: “Chưa làm lính thì đừng vội làm quan Tiến ạ”. Đó là một câu dạy thấm thía với tôi.

Hoàng Vân
Người thứ hai là nhạc sĩ Hoàng Đăng. Một ngày nọ thầy Hoàng Đăng bảo tôi: “Tiến viết thanh nhạc cũng tốt, tại sao cứ lao vào khí nhạc làm gì? Trong meloly nhạc của Tiến rất hợp với giọng hát”.
Người thứ ba chính là anh Trịnh Công Sơn. Một ngày, anh Trịnh Công Sơn ở phương xa nhớ tới thằng em Trần Tiến nên gửi thư cho tôi. Trong thư, anh Trịnh Công Sơn nhắc tôi: “Tiến, hãy quan tâm tới ca khúc đi”.
Nhờ ba người đó đánh thức nên tôi đã quyết tâm viết ca khúc nhạc nhẹ”.
MC Long Vũ nhận định: “Anh Trần Tiến là người sở hữu nền tảng âm nhạc hàn lâm vô cùng vững chắc, tốt nghiệp hẳn loại giỏi về nhạc giao hưởng. Nhưng rồi, anh lại chọn con đường rất khác trong sự nghiệp là du ca”.
Nhạc sĩ Trần Tiến nói: “Tôi du ca vì tôi thích đi lắm, thích tìm hiểu thế giới, thích tìm hiểu từng chi tiết một của đời sống. Tôi đi đến đâu cũng thích, đam mê.
Ví dụ, tôi nhìn chiếc khăn đẹp quá cũng mơ mộng về một cô gái người Chàm đội khăn. Tôi thấy trống Paranung hay quá nên vỗ thử rồi viết nên bài Tiếng trống Paranung. Tôi cứ đi và tìm thấy chất liệu sáng tác ở khắp mọi nơi”.
Đọc bài gốc tại đây.