Tỉnh giàu có ở Trung Quốc chịu ảnh hưởng
Đối với những người tham gia vào mọi lĩnh vực của hoạt động thương mại Trung Quốc — từ các nhà xuất khẩu đến quan chức chính phủ — 40 ngày vừa qua thực sự là một hành trình đầy biến động.
Cuộc chiến thuế quan giữa Trung Quốc và Mỹ đã trải qua những bước ngoặt dữ dội: Thuế nhập khẩu leo thang chóng mặt trong tháng 4, để rồi bất ngờ giảm trong 90 ngày kể từ thứ Hai (12/5). Thỏa thuận tạm thời này đánh dấu một lệnh “đình chiến”, nhưng nhiều lĩnh vực vẫn chưa thể thoát khỏi trạng thái lo ngại.
Trong khi các doanh nghiệp vẫn đang gồng mình chịu đựng thiệt hại và tính toán từng khoản lỗ, một trong những tỉnh giàu có nhất Trung Quốc lại chịu cú đánh nặng nề hơn cả — hậu quả trực tiếp sau nhiều năm phụ thuộc vào mối quan hệ thương mại gắn bó với Mỹ.
Chiết Giang – nền kinh tế ven biển và là địa phương xuất khẩu lớn thứ hai của Trung Quốc sang Mỹ – đã trở thành một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ mức thuế cao ngất ngưởng do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc vào đầu tháng 4.
Dù các mức thuế quan nay đã giảm khỏi ngưỡng ba chữ số sau khi quan chức hai nước kết thúc vòng đàm phán tại Thụy Sĩ, những tổn thương để lại có thể kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Làn sóng lo ngại lan rộng khắp tỉnh khi nền kinh tế địa phương chao đảo trước tác động của cuộc chiến thương mại — một tình trạng mà một số nhà quan sát ví như “bài kiểm tra căng thẳng cực độ” đối với sức chống chịu của Chiết Giang.

Bí thư tỉnh ủy Chiết Giang Vương Hạo đi thị sát Nghĩa Ô. Ảnh: Zhengzhijian
Tuy nhiên, trong những tuần cao trào trước khi căng thẳng thương mại hạ nhiệt, Chiết Giang đã cố gắng bảo vệ mình trước những hậu quả nghiêm trọng nhất. Thiệt hại kinh tế lớn à cộng đồng doanh nghiệp địa phương phải gánh chịu, cùng phản ứng linh hoạt từ giới chức tỉnh có thể mang lại những bài học đắt giá — ngay cả khi khu vực từng thịnh vượng này bị đẩy đến giới hạn chịu đựng.
“Có những khu vực chậm thích nghi, không kịp chuyển hướng khỏi thị trường Mỹ, và giờ họ đang phải trả giá”, Zhou Zheng, nhà phân tích cấp cao tại China Macro Group – một công ty tư vấn có trụ sở tại Zurich – nhận định. “Thỏa thuận đạt được hôm thứ Hai (12/5) có thể là cơ hội cuối cùng để các doanh nghiệp thay đổi hướng đi”.
Chiết Giang – một trong những khu vực giàu có nhất Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu ngang ngửa Mexico – đã gần như lập tức hứng chịu tác động khi Tổng thống Trump đẩy mạnh áp thuế vào tháng trước. Nguyên nhân là vì vào năm ngoái, cứ mỗi sáu sản phẩm xuất khẩu từ tỉnh này thì có một sản phẩm được gửi sang Mỹ.
Ninh Ba, thành phố xuất khẩu lớn thứ năm của Trung Quốc và cũng là nơi tọa lạc cảng container bận rộn thứ ba thế giới, trở thành một trong những đô thị chịu thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh.
Tăng trưởng kinh tế dựa vào thương mại của thành phố đã khựng lại khi các mục tiêu phát triển bị đảo lộn bởi vòng xoáy thuế quan leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trước khi các mức thuế mới chính thức có hiệu lực, Ninh Ba đã đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng: Nâng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vượt mốc 2.000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương khoảng 277 tỷ USD) trong năm nay, như một bước tiến để gia nhập “câu lạc bộ ưu tú” – nhóm 10 thành phố có nền kinh tế lớn nhất Trung Quốc.
Mục tiêu này được xây dựng dựa trên đà tăng trưởng mạnh mẽ những năm trước và các dự báo phát triển được đánh giá là thận trọng. Giới chức địa phương đã chuẩn bị kế hoạch cho gần như mọi tình huống nhằm duy trì đà phát triển — ngoại trừ một điều: Quyết định bất ngờ của Tổng thống Trump trong việc tăng mạnh thuế quan, làm đảo lộn mọi dự toán và kỳ vọng.
Giữa hàng loạt cú sốc dồn dập kể từ tháng trước, khối lượng hàng hóa xuất khẩu từ Ninh Ba sang Mỹ — thị trường lớn nhất của thành phố — đã sụt giảm nhanh chóng và nghiêm trọng.
Diễn biến này đe dọa nghiêm trọng đến các kế hoạch tăng trưởng đầy kỳ vọng của thành phố trong năm, vốn phụ thuộc đáng kể vào hoạt động thương mại xuyên Thái Bình Dương.
Trong một tuyên bố ngày 30/4, tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings cảnh báo rằng cảng Ninh Ba–Chu Sơn, cửa ngõ hàng hải chiến lược của khu vực, có mức độ phụ thuộc đặc biệt cao vào thương mại với Mỹ — khiến cảng này trở nên dễ tổn thương hơn khi quan hệ thương mại hai nước xấu đi.
Thành phố Ninh Ba vẫn chưa công bố số liệu xuất khẩu cụ thể cho tháng 4 nhưng dữ liệu toàn quốc đã phác họa một bức tranh ảm đạm: Tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong tháng trước đã giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái — mức giảm mạnh nhất trong gần hai năm.
Điều đáng lo ngại là mức sụt giảm trong các chuyến hàng từ Ninh Ba sang thị trường Mỹ có thể còn nghiêm trọng hơn. Năm 2024, tỉnh Chiết Giang xử lý tổng cộng 1,87 nghìn tỷ Nhân dân tệ hàng hóa xuất khẩu, trong đó 20% — tương đương 631,7 tỷ nhân dân tệ — là xuất sang Mỹ.
Con số này tương ứng với khoảng 7% tổng GDP của toàn tỉnh, cho thấy mức độ phụ thuộc sâu sắc vào thị trường Mỹ và mức rủi ro nghiêm trọng khi kênh xuất khẩu này bị gián đoạn.
Trong khi đó, thị phần của Mỹ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm đáng kể — từ 19% vào năm 2018 xuống chỉ còn 14,7% vào năm ngoái. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy mối quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bị bào mòn.
Dù Washington đã đồng ý dỡ bỏ phần lớn các mức thuế quan nhằm hạ nhiệt căng thẳng, các nhà phân tích vẫn cảnh báo rằng những trung tâm xuất khẩu trọng yếu như Ninh Ba khó có thể tránh khỏi những tổn thất sâu rộng. Hệ lụy từ sự gián đoạn kéo dài, chuỗi cung ứng bị xáo trộn và niềm tin thị trường bị tổn hại sẽ tiếp tục là thách thức lớn đối với quá trình phục hồi của thành phố.
Bài học “Đừng bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ”
Xu Tianchen, chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Economist Intelligence Unit, nhận định: “Tác động đầy đủ của thuế quan Mỹ có thể chưa được phản ánh hết trong dữ liệu tháng 4, nhưng các doanh nghiệp nhỏ tại các thành phố ven biển của Trung Quốc đã bắt đầu cảm nhận rõ rệt sức ép”.
Kể từ ngày 2/4, Mỹ đã nâng tổng mức thuế quan tích lũy đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên ít nhất 145%, với một số mặt hàng phải chịu mức thuế lên tới 245%. Đáp lại, Bắc Kinh cũng không đứng yên: Trung Quốc áp mức thuế trung bình khoảng 125% đối với hàng hóa đến từ Mỹ.
Trước khi chiến tranh thương mại leo thang, Ninh Ba đã gần chạm tới vị trí trong top 10 các thành phố có nền kinh tế lớn nhất Trung Quốc. Năm 2024, GDP của thành phố tăng 5,4%, đạt 1,81 nghìn tỷ nhân dân tệ — tốc độ tăng trưởng vượt mức trung bình toàn quốc và xếp hạng thứ 11 trên toàn quốc.
Tuy nhiên, trước bối cảnh căng thẳng thương mại kéo dài, các quan chức khắp tỉnh Chiết Giang buộc phải chuyển sang chiến thuật “thời chiến” nhằm bảo vệ nền kinh tế địa phương và duy trì sinh kế cho người dân. Những biện pháp này phản ánh sự cấp thiết trong việc ứng phó với các thách thức chưa từng có do cuộc chiến thuế quan gây ra.
Nhiều lao động tại Chiết Giang lên dây cót khi xảy ra tình trạng sa thải hàng loạt. Các nhà sản xuất trong tỉnh cũng được yêu cầu báo cáo hàng tuần về biến động số lượng nhân viên và việc chi trả lương hưu nhằm “giảm thiểu mọi yếu tố gây bất ổn”.
Theo ước tính của Nomura, nếu cuộc chiến thương mại kéo dài, Trung Quốc có thể mất tới 16 triệu việc làm, trong đó trung tâm công nghiệp Ninh Ba là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất.
Chính quyền địa phương đã triển khai các kế hoạch tổ chức các chuyến bay đặc biệt dành cho các doanh nhân tới những thị trường tiềm năng như Hungary, Ai Cập và Nam Phi — những quốc gia cũng bị Mỹ áp thuế từ tháng 4 — nhằm giúp họ tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới và xác định các giải pháp thay thế khả thi.
Ở một số huyện tại Chiết Giang có mức độ tiếp xúc với thị trường Mỹ đặc biệt cao, như huyện Nghĩa Ô — nổi tiếng với sản xuất hàng hóa nhỏ — các quan chức còn được yêu cầu tăng cường các chuyến thăm nhà máy để giám sát tình hình khi xuất khẩu giảm sâu, nhằm nhanh chóng xử lý các khó khăn phát sinh.
Khi Bí thư Tỉnh ủy Vương Hạo đến thăm Nghĩa Ô vào 17/4, lần thứ 3 trong vòng nửa tháng, để trực tiếp nắm bắt khó khăn của các nhà xuất khẩu, ông đã kêu gọi các quan chức và doanh nghiệp chuẩn bị đa dạng kịch bản, chiến lược để ứng phó tình hình.
Việc huy động các nguồn lực và hỗ trợ doanh nghiệp được so sánh với phản ứng khẩn cấp trong đợt bùng phát đầu tiên của dịch Covid-19 vào đầu năm 2020, khi lệnh phong tỏa đã làm đình trệ hoàn toàn hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Tuy nhiên, một hiệp hội công nghiệp liên quan đến ngành cảm biến — một sản phẩm thế mạnh của Chiết Giang với nhiều khách hàng tại Mỹ — cho rằng các biện pháp hỗ trợ hiện tại vẫn quá chậm chạp và không thể bù đắp kịp thiệt hại do những đơn hàng đã bị mất, gây ra tổn thất nghiêm trọng cho doanh nghiệp.
Ying Liaochan, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp Cảm biến Thông minh Ninh Ba, chia sẻ: “Một số nhà xuất khẩu phụ thuộc nặng vào thị trường Mỹ sẽ phá sản nếu các đơn hàng không nhanh chóng trở lại, và họ cần thời gian dài để khôi phục hoạt động xuất khẩu, ngay cả khi thuế quan được giảm bớt”.
Ying cũng nhấn mạnh: “Không phải tất cả các công ty thành viên đều có thể xoay trục để bán hàng sang Trung Đông hoặc Châu Phi chỉ bằng một cái búng tay. Bắc Kinh thường nói rằng người bán và người tiêu dùng Mỹ cuối cùng sẽ phải chịu chi phí do thuế quan của Tổng thống Trump, nhưng thực tế nhiều nhà máy Trung Quốc đã phải gánh chịu thiệt hại rất lớn rồi.”
Các nhà quan sát địa phương nhận định rằng thỏa thuận song phương mới về thuế quan sẽ đem lại phần nào sự yên tâm cho các nhà xuất khẩu tại Chiết Giang. Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro trước khả năng thuế quan có thể tiếp tục tăng trong tương lai, họ buộc phải nhanh chóng đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng.
Zhang Mengting, nhà nghiên cứu thương mại quốc tế tại Đại học Ninh Ba, nhấn mạnh rằng việc chuyển dịch sản xuất sang các quốc gia đang thâm hụt thương mại với Mỹ nên trở thành một phần không thể thiếu trong bất kỳ chiến lược nào nhằm bảo vệ các doanh nghiệp Trung Quốc khỏi những cú sốc thương mại tiếp theo.
“Chính phủ và doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ lưỡng hệ thống thuế quan của Tổng thống Trump”, Zhang nhấn mạnh. “Họ có thể xác định các ‘vùng đất thấp thuế quan’ như Ai Cập — những điểm đến tiềm năng cho các công ty Trung Quốc chuyển hướng xuất khẩu. Và các quốc gia này cũng rất sẵn sàng đón nhận các khoản đầu tư từ Trung Quốc.
Zhang còn đề xuất các chính sách hỗ trợ như trợ cấp cho doanh nghiệp nhằm đánh giá rủi ro tuân thủ tại các thị trường mới, đồng thời mở rộng phạm vi bảo hiểm xuất khẩu để giảm thiểu tổn thất do các loại thuế quan tiềm năng trong tương lai.
Chính quyền Chiết Giang đang xem xét mở rộng các chương trình bảo hiểm xuất khẩu để chi trả cho những lô hàng đã sản xuất nhưng “không thể vận chuyển” do khách hàng Mỹ không thanh toán hoặc hủy đơn hàng.
Nhiều nhà xuất khẩu trong tỉnh chia sẻ rằng sự điều chỉnh này sẽ mang lại sự hỗ trợ rất cần thiết, bởi hiện tại phần lớn các chính sách bảo hiểm chỉ bao phủ cho hàng hóa quá cảnh, chưa bảo vệ được rủi ro liên quan đến đơn hàng bị hủy hoặc không được thanh toán.
Dù thỏa thuận thương mại mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc đã phần nào giảm bớt áp lực và mang lại sự nhẹ nhõm cho nhiều doanh nghiệp tại Chiết Giang, các nhà phân tích cảnh báo rằng tình trạng bất ổn sẽ vẫn tiếp diễn nếu các doanh nghiệp và chính quyền không rút ra bài học từ những thách thức đã trải qua trong cuộc chiến thương mại vừa qua.
Ông Zhou, chuyên gia thuộc Nhóm Kinh tế Vĩ mô Trung Quốc, nhận định rằng Chiết Giang đã chứng minh cho thấy các nhà hoạch định chính sách cùng các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải tập trung vào các chiến lược dài hạn, nhằm thúc đẩy những cải cách quyết liệt và bền vững.
“Đây là một bài học đắt giá dành cho những khu vực và doanh nghiệp chậm trễ trong việc khai thác nhu cầu nội địa cũng như mở rộng sang các thị trường nước ngoài mới”, ông Zhou nhấn mạnh.
Ông cũng bổ sung rằng, về lâu dài, việc tăng cường tiêu dùng trong nước và tận dụng các cơ hội từ thị trường toàn cầu mới sẽ đóng vai trò then chốt trong việc duy trì sự phát triển ổn định và bền vững của tỉnh.
“Chỉ có hai giải pháp — mở rộng nhu cầu trong nước và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu — và cả hai đều đang được triển khai,” ông Zhou nhấn mạnh. “Bắc Kinh có tầm nhìn xa với chiến lược ‘lưu thông kép’, tập trung phát triển thị trường trong nước, nhưng cần nhiều thời gian và nỗ lực hơn để thu được kết quả.”
“Thỏa thuận hôm thứ Hai mang lại sự hoãn lại đáng hoan nghênh, nhưng không ai biết điều gì sẽ xảy ra sau khi thời gian tạm dừng 90 ngày kết thúc. Trump nổi tiếng là người hay thay đổi quyết định,” ông nói thêm. “Đây có thể là cơ hội cuối cùng”.
Đối với ông Qiu Bojing, Phó Chủ tịch Tập đoàn Beifa — một trong những nhà sản xuất văn phòng phẩm lớn nhất Chiết Giang, với 40% doanh số xuất khẩu phục vụ khách hàng tại Mỹ — bước đột phá trong các cuộc đàm phán song phương đã vượt qua mọi kỳ vọng.
“Sự hoảng loạn trong tháng trước có thể đã tạm thời chấm dứt”, ông Qiu chia sẻ. “Thị trường Mỹ quá lớn để từ bỏ, và chúng tôi sẽ tiếp tục xuất khẩu sang quốc gia này, dù mưa hay nắng. Những ngày tươi sáng đang đến”.
(Theo SCMP, Zhengzhijian)
Đọc bài gốc tại đây.