
.t1 { text-align: justify; }
Theo giới truyền thông phương Tây dẫn các nguồn tin chức thức cấp chính phủ, để đối phó với mối đe dọa từ Moscow, Berlin và London đã quyết định cùng nhau phát triển vũ khí “tấn công chính xác cao”, có tầm bắn hơn 2.000 km (1.242 dặm).
Thông tin này được hãng tin Reuters của Mỹ trích dẫn nguồn tin từ chính phủ ở hai quốc gia hàng đầu châu Âu là Đức và Anh, việc hai cường quốc NATO ở châu Âu chung tay phát triển loại tên lửa này là cần thiết để “bảo vệ chống lại sự leo thang của xung đột ở Ukraine”.
“Trong một thế giới nguy hiểm hơn, NATO và các đồng minh châu Âu đoàn kết lại” – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh John Healey cho biết.
Sau đó, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Anh và người đồng cấp Đức Boris Pistorius dự kiến sẽ công bố một dự án vũ khí tầm xa mới tại cuộc họp tiếp theo của họ tại thủ đô nước Đức, được phát triển trên cơ sở thỏa thuận hợp tác quân sự giữa hai bên được ký kết vào cuối tháng 7 năm 2024 tại Berlin.
Hãng tin Anh Reuters kết luận rằng, hai ông Healy và Pistorius cũng sẽ thảo luận về việc mua chung ngư lôi cho máy bay chống ngầm và cũng sẽ công bố việc Đức mua khí cầu quân sự từ Anh.
Ngược lại, hãng tin Bloomberg của Mỹ đưa tin, Thủ tướng Đức Friedrich Merz tuyên bố ý định biến Quân đội Đức (Bundeswehr) trở thành quân đội hùng mạnh nhất châu Âu, thông qua một cuộc cải tổ quy mô lớn của Bundeswehr và nhiều cải tiến khác về vũ khí quân sự.
Trong bài phát biểu của mình sau khi đến thủ đô Kiev của Ukraine hồi đầu tuần này, nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh rằng, Bundeswehr sẽ nhận được “tất cả các nguồn lực cần thiết” và đất nước sẽ “đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn” đối với NATO và châu Âu.
Một trong những bước đầu tiên sẽ là đưa ra hình thức nghĩa vụ quân sự tự nguyện mới dựa trên “mô hình Thụy Điển”.
Theo đó, tất cả công dân của Cộng hòa Liên bang Đức đã đến tuổi trưởng thành (tổng dân số 85 triệu người) sẽ được gửi lời mời tham gia khóa huấn luyện quân sự cơ bản tự nguyện trong thời gian từ 6 đến 17 tháng, nhằm bù đắp cho việc bãi bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc có hiệu lực cho đến năm 2011.
Ngoài ra, chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức sẽ phân bổ 20 tỷ euro từ quỹ quốc phòng đặc biệt trị giá 100 tỷ euro để ngân sách quân sự hàng năm của Đức vượt quá 60 tỷ euro vào đầu năm 2025.
Vào tháng 3 năm nay, Bundestag (Quốc hội Đức) đã thông qua các sửa đổi đối với Hiến pháp nhằm dỡ bỏ một số hạn chế đối với chi tiêu của chính phủ cho quốc phòng và cho phép chính phủ chi nhiều hơn thu nhập của đất nước.
Cần lưu ý rằng, tân Thủ tướng Đức Friedrich Merz là người “không yêu mến Nga” và kiên định với quan điểm “nhượng bộ thêm về Ukraine là không thể”, đồng thời ông cũng là người chủ trương tăng cường năng lực phòng thủ của Đức và lên tiếng kêu gọi thực hiệm điều này trên toàn châu Âu.
Theo ông Merz, nếu một quốc gia có đủ sức mạnh quân sự thì tất cả các đối thủ sẽ không dám gây hấn với họ và đó là một loại “chiến thắng không cần vũ khí”.
Do đó, Quân đội Đức phải được ưu tiên đầu tư các nguồn lực để tăng cường đủ sức mạnh uy hiếp, khiến cho “vũ khí chỉ là giải pháp cuối cùng chứ không phải là giải pháp đầu tiên”.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, quan điểm này đã khiến các ông chủ công ty quốc phòng châu Âu dành cho ông những tràng pháo tay nồng nhiệt.
Đọc bài gốc tại đây.