Video viễn cảnh sân bay Phú Quốc trong tương lai do AI ChatGPT tạo ra dựa trên phối cảnh từ công ty CPG

Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang công bố Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Phú Quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đơn vị thiết kế Cảng HKQT Phú Quốc là CPG Singapore và được trực tiếp chắp bút bởi kiến trúc sư Steven Thor – Phó Chủ tịch điều hành CPG Consultants. Được biết ông Thor đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc. Ảnh phối cảnh: CPG

Đơn vị thiết kế cho biết, với vai trò then chốt trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông và du lịch, đặc biệt chuẩn bị cho Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC 2027), Cảng HKQT Phú Quốc sẽ được nâng cấp toàn diện, hướng đến trở thành một trong những sân bay hiện đại và thông minh bậc nhất thế giới. Ảnh phối cảnh: CPG

Dự kiến, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc sẽ có tổng diện tích quy hoạch khoảng 1.050ha, với vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng 26.572 tỷ đồng, tầm nhìn đến năm 2050 cần thêm 25.791 tỷ đồng. Với số vốn này, sân bay sẽ được mở rộng với mục tiêu đạt công suất 18 triệu hành khách/năm, gấp 4,5 lần so với hiện trạng (4 triệu khách/năm). Mục tiêu tới năm 2050, cảng hàng không được nâng cấp với công suất 50 triệu khách/năm. Ảnh phối cảnh: CPG

Điểm nhấn của cảng hàng không quốc tế Phú Quốc là nhà ga hành khách. Nơi này được xây dựng dựa trên ý tưởng từ cánh chim phượng hoàng sải cánh, tượng trưng cho vị thế quốc gia và niềm kiêu hãnh dân tộc. Nhà ga còn được trang bị công nghệ vận hành hiện đại nhất thế giới, bao gồm check-in không cần đến sân bay, phân loại hành lý tự động, công nghệ nhận dạng sinh trắc học giúp thời gian xuất nhập cảnh còn 15-30 giây/người…Ảnh phối cảnh: CPG

Đáng chú ý, sân bay Phú Quốc sẽ có hai đường cất hạ cánh, trong đó đường băng hiện hữu sẽ được kéo dài lên 3.500m, đồng thời xây dựng thêm một đường băng mới dài 3.300m.Hệ thống sân đỗ sẽ được mở rộng lên hơn 100 vị trí, bao gồm 45 vị trí đỗ máy bay thân rộng bao gồm cả những vị trí có ống lồng hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu khai thác và phục vụ hành khách quốc tế lẫn nội địa. Ảnh phối cảnh: CPG

Đặc biệt, nhà ga VVIP của Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc sẽ được xây dựng mới, với mục tiêu trở thành nơi đạt chuẩn để có thể đón tiếp các nguyên thủ quốc gia. Sau khi tuần lễ cấp cao APEC kết thúc, nhà khách VIP sẽ được sử dụng để khai thác quốc tế hoặc khai thác hàng không cho những sự kiện quan trọng. Ảnh phối cảnh: CPG

Công trình được thiết kế bởi kiến trúc sư người Ý – Marco Casamonti, “cha đẻ” của công trình biểu tượng Cầu Hôn tại Phú Quốc. Thiết kế của nhà ga được lấy cảm hứng từ loài cá đại bàng biển, tượng trưng cho sự tự do và uyển chuyển giữa đại dương. Ảnh phối cảnh: CPG

Với việc đồng loạt triển khai những dự án chiến lược, trong đó có quy hoạch mở rộng cảng hàng không quốc tế Phú Quốc lên công suất 18 triệu khách/năm trước APEC 2027, thành phố đảo đang từng bước khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế, du lịch và hội nghị quốc tế mới của khu vực và thế giới. Không chỉ phục vụ APEC 2027, các công trình này còn là nền tảng để Phú Quốc bứt phá, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập sâu rộng trong giai đoạn tới. Ảnh phối cảnh: CPG
Đọc bài gốc tại đây.