Tờ Khmer Times (Campuchia) ngày 12/5 đưa tin, sau nhiều tuần đàm phán mang tính xây dựng với các đại diện của Mỹ, một phái đoàn cấp cao do Phó Thủ tướng kiêm Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) Sun Chanthol dẫn đầu, đã lên đường đến Mỹ vào ngày 10/5 để đàm phán thuế quan.
Phái đoàn đàm phán của Campuchia bao gồm 19 thành viên cấp cao, ngoài Phó Thủ tướng Chanthol còn có Bộ trưởng Thương mại Campuchia Cham Nimul, Bộ trưởng tháp tùng Thủ tướng Campuchia kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và Thuế tiêu thụ đặc biệt (GDCE) Kun Nhem, cùng với một số quan chức chủ chốt khác.

Phó Thủ tướng kiêm Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Phát triển Campuchia Sun Chanthol phát biểu với giới truyền thông trước khi khởi hành từ Sân bay quốc tế Phnom Penh tới Mỹ vào ngày 10/5. Ảnh: Khmer Times
Trước khi khởi hành từ Sân bay quốc tế Phnom Penh, Phó Thủ tướng Chanthol đã nhấn mạnh những nỗ lực nghiêm túc của Chính phủ Hoàng gia Campuchia dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Hun Manet, lưu ý rằng các cuộc thảo luận mang tính xây dựng với đại diện Mỹ vào giữa tháng 4 đã mở đường cho các cuộc đàm phán chính thức dự kiến diễn ra từ ngày 13 đến 15/5.
“Bất chấp những lo ngại, Mỹ vẫn đồng ý gặp chúng tôi. Trên thực tế, Campuchia nằm trong số 18 đến 20 quốc gia đầu tiên được phép tham gia đàm phán thuế quan. Điều này báo hiệu một cơ hội có ý nghĩa để đạt được một thỏa thuận thành công, bảo vệ sinh kế và lợi ích của người dân chúng tôi”, ông Chanthol cho biết.
Phó Thủ tướng Chanthol nhấn mạnh thêm rằng Mỹ đã thừa nhận sức mua hạn chế của Campuchia, lưu ý rằng trong khi Campuchia chỉ nhập khẩu khoảng 300 triệu USD hàng hóa từ Mỹ mỗi năm, thì Mỹ nhập khẩu khoảng 12 tỷ USD từ Campuchia (chênh lệch lên tới 11,7 tỷ USD).
“Chúng ta [Campuchia] không thể cân bằng thương mại với họ [Mỹ], và tôi rất vui vì họ đã chấp nhận thực tế này”, ông Chanthol lưu ý.
Trả lời phỏng vấn tờ Khmer Times, Seun Sam – nhà phân tích chính sách tại Học viện Hoàng gia Campuchia (RAC) – đã đánh giá cao những nỗ lực của phái đoàn đàm phán Campuchia trong việc thảo luận với Mỹ về các vấn đề thuế quan.
Về quyền mặc cả, chuyên gia Sam nhấn mạnh ba điểm khác biệt chính giữa Campuchia và Mỹ, cụ thể là sự khác biệt về quy mô dân số, quy mô kinh tế và năng lực quân sự.
Ông cho biết: “Dân số Campuchia vào khoảng 17 triệu người, trong khi Mỹ có hơn 330 triệu người, khiến dân số của nước này lớn hơn gần 20 lần và làm nổi bật sự mất cân bằng nhân khẩu học đáng kể giữa hai quốc gia.”
“Về mặt kinh tế, Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới theo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa, với GDP ước tính khoảng 30 nghìn tỷ USD, so với GDP hàng năm của Campuchia là khoảng 50 tỷ USD – một sự chênh lệch đáng kể gần 600 lần.”
Ông Sam nói thêm rằng khi nói đến sức mạnh quân sự, Mỹ vẫn là quốc gia hùng mạnh nhất trên toàn cầu, sở hữu các hệ thống vũ khí tiên tiến và hiệu quả nhất bao gồm tàu chiến và máy bay chiến đấu. Ngược lại, Campuchia, là một quốc gia đang phát triển, khó có khả năng chi trả cho một kho vũ khí quân sự đáng kể.
Chuyên gia Sam nhấn mạnh rằng nếu phía Mỹ thực sự thừa nhận sự chênh lệch giữa hai nước, Campuchia có cơ hội lớn để đảm bảo kết quả đàm phán thuận lợi.
“Tuy nhiên, nếu kỳ vọng của Mỹ tỷ lệ thuận với khối lượng thương mại, chúng ta [Campuchia] sẽ không thể quay lại với bất kỳ thỏa thuận cụ thể nào”, ông lưu ý.
Chuyên gia Sam bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng đàm phán của Phó Thủ tướng Campuchia Chanthol, lưu ý rằng quốc tịch kép của ông Chanthol – bao gồm cả quốc tịch Mỹ – giúp ông hiểu sâu hơn về tư duy của người Mỹ và có cách giải quyết hiệu quả các lợi ích của họ.
(Theo Khmer Times)
Đọc bài gốc tại đây.