Nội dung chính

Ngày 13/5 tới đây, hơn 1,79 tỷ cổ phiếu VPL của CTCP Vinpearl sẽ chính thức chào sàn HoSE. Giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên là 71.300 đồng/cp, tương đương định giá gần 130.000 tỷ đồng (~5 tỷ USD).
Con số này đưa Vinpearl lọt vào top 15 doanh nghiệp giá trị nhất sàn chứng khoán, đứng sát sau VPBank và vượt qua các tên tuổi phi ngân hàng như Vinamilk, GVR, Masan…
Vingroup hiện là cổ đông lớn nhất của Vinpearl, sở hữu hơn 1,5 tỷ cổ phiếu VPL, tương ứng 85,5% vốn điều lệ. Tạm tính theo mức định giá tại thời điểm chào sàn, giá trị thị trường của số cổ phần này lên đến hơn 110.000 tỷ đồng.
“Bom tấn” tỷ đô thứ 5 của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trên sàn chứng khoán Việt Nam
Như vậy, tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ có thêm một doanh nghiệp tỷ USD trên sàn chứng khoán. Tính theo giá đóng cửa ngày 9/5/2025, vốn hóa của Vingroup là 292.500 tỷ, Vinhomes là 255.480 tỷ, Vincom Retail là 56.800 tỷ và VEFAC là 37.800 tỷ đồng.
Tất cả đều là các công ty có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD. Công ty họ Vin nhỏ nhất và không thuộc CLB “tỷ đô” là CTCP Sách Việt Nam (mã chứng khoán VNB) vốn hóa 971 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty VinFast (mã chứng khoán VFS) niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) hiện có vốn hóa 8,7 tỷ USD (tương đương hơn 226.000 tỷ đồng) tính đến ngày 9/5/2025. Tỷ lệ lợi ích của VinGroup tại VinFast là 50,7% và tỷ lệ biểu quyết là 99,9%.
Tổng giá trị vốn hóa của “họ VinGroup” trên sàn chứng khoán Việt đạt gần 774.000 tỷ đồng. Tính cả VinFast, tổng giá trị vốn hóa của các DN trên sàn chứng khoán của hệ thống VinGroup đạt gần 1 triệu tỷ đồng.

Tổng giá trị của phần vốn do Vingroup sở hữu tại các công ty trên sàn chứng khoán Việt Nam là hơn 342.700 tỷ đồng, cao hơn 17% so với giá trị vốn hóa hiện tại của Tập đoàn này.
Vinpearl có tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Du lịch, Thương mại và Dịch vụ Hòn Tre, được thành lập vào năm 2001 và đổi tên thành Vinpearl vào năm 2006. Vinpearl đã từng niêm yết HoSE vào tháng 1/2008 nhưng sau đó đã hủy niêm yết vào tháng 12/2011 để sáp nhập vào Vingroup.
Vinpearl là thương hiệu không còn xa lạ với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Công ty cũng tự giới thiệu mình là thương hiệu dịch vụ du lịch – nghỉ dưỡng – giải trí lớn nhất Việt Nam.
Ghi nhận trên website, Vinpearl cho biết đang sở hữu, vận hành và quản lý 30 cơ sở khách sạn và khu nghỉ dưỡng thuộc thương hiệu Vinpearl đang toạ lạc tại 17 tỉnh thành trên toàn quốc với công suất phòng trên 15.900 phòng khách sạn và biệt thự, 3 công viên chủ đề và 2 khu vui chơi giải trí, 2 công viên bảo tồn và chăm sóc động vật bán hoang dã, 4 sân golf, dự kiến tiếp tục mở rộng quy mô trên Việt Nam và trên thế giới trong thời gian tới.

Ảnh: Các thương hiệu của Vinpearl.
Doanh thu quý 1/2025 tăng trưởng 45%
Cuối năm 2024, Vinpearl được UBCKNN chấp thuận trở thành công ty đại chúng. Đầu tháng 2/2025, doanh nghiệp huy động thành công hơn 5.000 tỷ đồng từ đợt phát hành hơn 70 triệu cổ phiếu cho 105 nhà đầu tư (giá 71.350 đồng/cp), qua đó nâng vốn điều lệ lên 17.933 tỷ đồng.
Theo kế hoạch phát hành ban đầu, trong số tiền huy động được Vinpearl sẽ dùng:
+ 1.138 tỷ đồng góp vốn vào CTCP Vinwonders Nha Trang để đầu tư dự án Công viên văn hoá Vinwonders Nha Trang;
+ 1.855 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng 126,37 triệu cổ phiếu, tương ứng 99,9% vốn điều lệ tại CTCP Vinpearl Cửa Hội (chủ đầu tư dự án Khu vui chơi giải trí Cửa Hội) từ Tập đoàn Vingroup;
+ 495 tỷ đồng nhận chuyển nhượng một phần tầng 1 và từ tầng 5 đến tầng 19 thuộc khối công trình trung tâm thương mại – khách sạn của dự án khu trung tâm thương mại khách sạn và nhà ở thương mại shop-House Hà Giang;
+ 1.503 tỷ đồng thanh toán nợ vay và chi phí liên quan đến khoản vay; và hơn 9 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.
Về kết quả kinh doanh, Vinpearl từng chịu lỗ nặng trong đại dịch Covid-19 với mức lỗ 9.570 tỷ đồng năm 2020 và 9.459 tỷ đồng năm 2021. Tuy nhiên, Công ty đã có lợi nhuận trở lại vào năm 2022 với 4.229 tỷ đồng.
Cuối tháng 11/2023, Vinpearl thực hiện chia tách DN và thành lập một công ty con mới mang tên CTCP Thương mại và Kinh doanh Ngọc Việt, có vốn điều lệ hơn 20.420 tỷ đồng do Vingroup nắm trên 99,96% vốn điều lệ.
Các công bố tình hình tài chính sau đó của CTCP Vinpearl (sau chia tách) cho biết, năm 2024, Công ty đạt doanh thu thuần 14.376 tỷ đồng, tăng trưởng 55% so với năm 2023, lãi trước thuế 2.940 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.550 tỷ đồng, cao gấp 3,8 lần năm trước.
Năm 2025, Vinpearl đặt mục tiêu doanh thu thuần 14.150 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 1.750 tỷ đồng.
Kết thúc quý 1/2025, Vinpearl ghi nhận doanh thu thuần 2.435 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2024. Trừ chi phí, Vinpearl ghi nhận lợi nhuận sau thuế 90 tỷ đồng.
Năm 2026 dự tăng vốn chủ sở hữu lên 40.534 tỷ đồng
Theo Bản cáo bạch, Công ty dự kiến doanh thu năm 2026 tăng 16% lên 16.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng tăng hơn 31% lên 2.300 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của Vinpearl hiện là 35,586,5 tỷ đồng. Năm 2026, Công ty có kế hoạch tăng tiếp vốn chủ sở hữu lên 40.534 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/3/2025 tổng tài sản của Vinpearl đạt 78.069 tỷ đồng. Nợ phải trả là 42.483 tỷ đồng, trong đó Công ty đang vay nợ 12.055 tỷ đồng.
Đọc bài gốc tại đây.