Trang chủ Đời sống Xem phim Sex Education, một sự thật hiện ra làm thay đổi tâm trí tôi: Lần đầu tiên tôi làm 1 việc khiến gia đình yên bình hẳn!

Xem phim Sex Education, một sự thật hiện ra làm thay đổi tâm trí tôi: Lần đầu tiên tôi làm 1 việc khiến gia đình yên bình hẳn!

bởi Admin
0 Lượt xem

“Mẹ cũng chỉ là một người bình thường thôi mà…”

Tôi vừa xem xong hết 4 phần phim Sex Education chỉ trong vòng vài ngày. Không phải vì tôi mê phim ảnh, mà vì chồng tôi cứ hối: – “Em xem đi, để hiểu con mình hơn…”.

Lúc đầu xem cho có. Nhưng càng xem, càng thấy… rát lòng.

Mỗi đứa trẻ trong phim đều có nỗi niềm. Có đứa nổi loạn, có đứa thu mình, có đứa tổn thương vì những điều rất nhỏ – nhưng đều giống nhau ở một điểm: Chúng không thật sự hiểu cha mẹ của mình.

Otis thì coi mẹ là kẻ kiểm soát. Eric thì giấu gia đình vì sợ không được chấp nhận. Adam thì không thể tha thứ cho mẹ vì quyết định ly hôn.

Cứ như thể trong mắt con cái, cha mẹ phải hoàn hảo, phải biết hết mọi thứ, phải chịu đựng mà không được than vãn.

Tôi dừng lại, tự hỏi: Có phải con gái mình… cũng đang nghĩ về tôi như vậy không?

Con bé đang tuổi dậy thì, chuẩn bị vào cấp 3. Dạo này nó cứ như cái bóng trong nhà – lầm lì, không đụng chuyện thì thôi, hễ tôi mở lời nhắc học hành là ánh mắt con bắn tia lửa.

Tôi từng giận. Có lần, không nhịn được, tôi gắt lên:

– “Con vừa vừa phải phải thôi. Mẹ làm gì cũng là vì con cả, chứ mẹ thích kiểm soát ai à?”.

Con im lặng. Không khóc, không cãi, chỉ… lặng lẽ đóng cửa phòng.

Hôm đó, tôi tức muốn bật khóc. Tôi vào bếp, đập mạnh tay lên bồn rửa. Mệt. Mỏi. Như thể mình đang làm mẹ… sai cách.

Tối đó, tôi nằm cạnh chồng, kể chuyện. Anh chỉ ôm tôi, rồi bảo nhẹ:

– “Anh nghĩ con chưa hiểu được là… em cũng có cảm xúc. Cũng có những ngày kiệt sức. Cũng muốn được yêu thương”.

Anh nhắc lại chuyện phim. Về bà Jean – mẹ của Otis – người tưởng mạnh mẽ, lý trí, hóa ra cũng rất cô đơn, rất cần được lắng nghe. Nhưng con bà thì chẳng nhìn thấy điều đó. Chỉ phán xét.

Tôi nhớ lại những câu chuyện trong phim, những mâu thuẫn giữa cha mẹ – con cái. Suy cho cùng thì: Cha mẹ cũng là con người. Và để trưởng thành, chúng ta phải hiểu rằng, tất cả chúng ta đều có những khuyết điểm, kể cả cha mẹ.

Hai mẹ con Otis

Sáng hôm sau, tôi gõ cửa phòng con. Không chuẩn bị bài giảng. Không mang theo quát mắng. Chỉ là một người mẹ – cũng đang cố hiểu con – muốn được hiểu lại. Lần đầu tiên, tôi nói chuyện thẳng thắn, chia sẻ suy nghĩ của mình với con.

– “Mẹ xin lỗi vì đã mắng con. Nhưng mẹ thực sự buồn khi bị con lơ, khi nhắn tin không được trả lời, khi mọi cố gắng đều bị hiểu sai. Mẹ không phải người hoàn hảo. Có những ngày mẹ thấy mình bất lực, cô đơn, và chỉ mong con hiểu một chút thôi…”.

Con bé lặng đi. Rồi mím môi:

– “Con… cũng xin lỗi. Con không nghĩ mẹ mệt như vậy…”.

Câu xin lỗi ấy làm tôi suýt khóc. Vì có khi, điều ta mong từ con không phải sự vâng lời, mà chỉ là một chút thấu cảm.

Bài học tôi rút ra – từ phim Sex Education và từ con:

1. Hãy dạy con rằng cha mẹ cũng là con người – không phải siêu nhân

Cha mẹ không phải lúc nào cũng mạnh mẽ, cũng đúng, cũng biết đường phải đi. Khi dạy con điều đúng, cũng nên dạy con rằng người lớn cũng đang học làm người lớn – và rất cần được cảm thông.

2. Im lặng không phải là cách để xử lý tổn thương

Trong phim, nhiều nhân vật chọn im lặng vì nghĩ rằng nói ra là yếu đuối. Nhưng chính sự im lặng đó khiến họ cô đơn hơn. Trẻ con cũng vậy – càng im lặng, càng dằn vặt. Hãy dạy con rằng dám chia sẻ là dũng cảm.

3. Giao tiếp không phải lúc nào cũng dễ – nhưng luôn cần thiết

Một cái ôm, một ly cacao, một lời nhận lỗi… đôi khi còn hiệu quả hơn cả nghìn lời dạy dỗ. Dạy con giao tiếp bằng cảm xúc thật – đó là kỹ năng sống cần thiết hơn bất cứ môn học nào.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan