Trang chủ Thời sự - Xã hội Gặp Đại sứ Trung Quốc, Thủ tướng đề nghị 2 bên cùng quyết tâm làm dự án 8,4 tỷ USD ngay năm nay

Gặp Đại sứ Trung Quốc, Thủ tướng đề nghị 2 bên cùng quyết tâm làm dự án 8,4 tỷ USD ngay năm nay

bởi Admin
0 Lượt xem

Quyết tâm khởi công tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng trong năm 2025

Chiều 9/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam Hà Vĩ đến báo cáo Thủ tướng về các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước.

Ghi nhận và đánh giá cao Đại sứ Hà Vĩ đã phát huy vai trò cầu nối quan trọng, tích cực, chủ động cùng các ban, bộ, ngành, địa phương Việt Nam thúc đẩy quan hệ song phương tiếp tục đi vào chiều sâu và đạt nhiều thành quả mới, Thủ tướng Chính phủ bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong năm vừa qua đã duy trì đà phát triển tích cực, nhất là trao đổi chiến lược, tiếp xúc cấp cao được duy trì thường xuyên; các cơ chế trao đổi, hợp tác giữa hai bên ngày càng toàn diện, thể hiện sự tin cậy cao; kết nối giao thông, nhất là kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn được đẩy mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vĩ – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hai bên nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả kết quả đạt được trong các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt là đưa nhận thức chung giữa hai Tổng Bí thư trở thành những thành quả cụ thể, thúc đẩy hợp tác thực chất trong các lĩnh vực thu được tiến triển mới, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. 

Theo đó, Thủ tướng đề nghị hai bên dành ưu tiên hàng đầu thúc đẩy hợp tác đường sắt, sớm hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi, quyết tâm khởi công tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng trong năm 2025.

Nhất trí với các trọng tâm hợp tác giữa hai nước thời gian tới mà Thủ tướng nhấn mạnh, Đại sứ Hà Vĩ khẳng định Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng cùng Chính phủ Việt Nam triển khai, cụ thể hóa nhận thức chung giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; tăng cường trao đổi chiến lược cấp cao, củng cố tin cậy chính trị, đẩy mạnh hợp tác thực chất trên các lĩnh vực.

Mục tiêu khởi công đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng vào ngày 19/12/2025

Thủ tướng Chính phủ trước đó đã ký Công điện số 54/CĐ-TTg ngày 30/4/2025 về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.

Để bảo đảm mục tiêu khởi công, hoàn thành Dự án đúng tiến độ trong năm 2025; với tinh thần của những ngày tháng 4 lịch sử “thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nơi dự án đi qua khẩn trương, nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ động làm việc với các địa phương để bàn giao tọa độ tim tuyến và ranh giải phóng mặt bằng làm cơ sở cho các địa phương triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, khảo sát thiết kế lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, hoàn thành trong tháng 6 năm 2025.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, đơn vị tư vấn tăng cường nhân lực, tổ chức triển khai song song, đồng thời các công việc lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và các thủ tục khác của Dự án (kiên quyết không để việc sau chờ việc trước), với tinh thần làm việc “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”, làm việc “xuyên lễ, xuyên tết, xuyên ngày nghỉ”, hoàn thành các thủ tục, khởi công dự án vào ngày 19 tháng 12 năm 2025.

Ảnh minh họa đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng tương lai bằng AI

Tuyến đường sắt chính Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng dài khoảng 390,9 km, tốc độ thiết kế 160km/giờ, tổng vốn đầu tư 8,4 tỷ USD.

Sau khi hoàn thành, dự án được kỳ vọng đến năm 2050 năng lực vận chuyển hàng hóa hàng năm sẽ tăng từ 4,1 triệu tấn lên 397 triệu tấn, lượng hành khách sẽ tăng từ 3,8 triệu lên 334 triệu, trở thành động mạch hậu cần kết nối Trung Quốc và ASEAN.

Tuyến đường sắt xuyên qua các tỉnh thành Việt Nam đến biên giới với Trung Quốc, khi đi về phía Bắc có thể kết nối với tuyến đường sắt Trung Quốc – Châu Âu qua Hành lang đất liền – biển phía Tây mới và khi xuôi về phía Nam có thể vươn ra biển thông qua các cảng biển Việt Nam; qua đó thúc đẩy hơn nữa sự kết nối giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như sự kết nối giữa Trung Quốc và Đông Nam Á, Việt Nam và Châu Âu và Trung Á.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan