Tôi nhớ lần đầu tiên mẹ kế bước chân vào căn nhà này, tôi đã tự nhủ sẽ không bao giờ gọi bà là “mẹ”. Bà ấy không phải mẹ tôi. Mẹ tôi đã qua đời khi tôi mới 12 tuổi, còn bà ấy là người phụ nữ xa lạ mà bố mang về, chỉ sau đúng một năm để tang vợ. Tôi khi ấy đã 17, cái tuổi đủ để nhận thức rằng chẳng ai có thể thay thế được mẹ mình, càng không thể dễ dàng chấp nhận một người phụ nữ khác chen chân vào gia đình đã từng ấm êm của mình.
Nhưng bà ấy có cách riêng. Những ngày đầu, bà ấy không tỏ ra quá thân mật hay cố tình tỏ vẻ dịu dàng để lấy lòng tôi. Bà cứ lặng lẽ dọn dẹp, nấu nướng, chăm sóc bố tôi như một người vợ thực thụ. Tôi nhìn bà thoăn thoắt dưới bếp, khéo léo xếp từng chiếc bát đũa, lau chùi từng góc bàn ghế, bỗng dưng thấy khó chịu. Căn nhà này, góc bếp này, mùi hương này… đều thuộc về mẹ tôi, sao bà ta lại có thể tự nhiên chiếm lấy như thế?
Lần đầu chúng tôi đụng độ là khi bà ấy tự tiện vào phòng tôi để dọn dẹp. Đang ngồi học, tôi thấy cửa phòng bật mở, bà cầm giẻ lau và chiếc chổi, không nói một lời đã bắt đầu lau từng ngăn kệ sách, thậm chí còn nhón chân với lên kệ cao nhất, nơi tôi cất những kỷ vật của mẹ. Tôi bật dậy, giật phắt chiếc giẻ từ tay bà, ném xuống đất: “Ai cho phép bà vào phòng tôi? Đây là không gian riêng của tôi, bà không có quyền động vào”.
Bà ấy hơi khựng lại, ánh mắt thoáng chút bối rối rồi cúi xuống nhặt chiếc giẻ. Giọng bà ấy nhẹ như gió thoảng: “Mẹ chỉ muốn dọn cho gọn gàng, thấy bụi bám dày quá”.
“Đừng xưng mẹ với tôi. Tôi không phải con bà, và bà cũng không phải mẹ tôi” – Tôi gằn từng chữ, rồi xua bà ấy ra khỏi phòng, đóng cửa lại.
Tôi tưởng bà ấy sẽ tức giận, sẽ mách bố tôi, hoặc ít nhất cũng sẽ lớn tiếng phản ứng. Nhưng không, bà ấy chỉ lặng lẽ lau dọn phòng khách, như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra. Cũng từ hôm đó, bà ấy không bao giờ bước chân vào phòng tôi nữa, thậm chí cũng không nhắc lại chuyện hôm ấy.

Ảnh minh họa
Rồi một ngày nọ, tôi vô tình nghe được cuộc điện thoại của bà ấy. Bà đứng ở ban công, giọng khàn khàn, có phần khẩn khoản nói gì đó liên quan tới bố tôi chưa biết chuyện gì đó, còn dặn người bên kia máy rằng đừng gọi nhiều cho bà ấy…
Tôi chột dạ, không biết bà đang giấu bố chuyện gì, lại liên quan đến gia đình ở quê. Hay là bà ấy có con riêng? Hay là mang nợ? Ý nghĩ ấy khiến tôi càng thêm đề phòng. Tôi quyết định theo dõi bà ấy.
Cho đến một ngày, khi tôi đi học về, thấy bà lén lút đứng trước cổng nhà, dúi vội một bọc tiền vào tay người đàn ông lạ mặt, rồi gật đầu như ra hiệu gì đó. Tôi không nhìn rõ mặt ông ta, chỉ thấy bóng lưng gầy guộc và chiếc áo khoác đã sờn vai. Tôi đứng nấp sau gốc cây trước cổng, lặng lẽ quan sát cho đến khi bà ấy quay vào nhà.
Tối hôm đó, tôi quyết định đối chất với bà. Chờ bố đi ngủ, tôi lẳng lặng ra ban công, nơi bà ấy đang phơi quần áo. Tôi đứng khoanh tay hỏi: “Bà đang giấu bố tôi chuyện gì? Hôm nay tôi thấy bà đưa tiền cho ai đó trước cổng nhà”.
Bà ấy giật mình, quay ra nhìn tôi, đôi mắt thảng thốt, thấy thế, tôi dồn hỏi liên tiếp.
Bà ấy cười khổ kể rằng, người đàn ông tôi thấy chính là em trai ruột của bà, mắc bệnh thận nặng, cần tiền ghép thận gấp. Bà ấy đã bán cả mảnh đất cuối cùng ở quê để lo viện phí cho em, nhưng vẫn không đủ, đành phải lấy tiền tiết kiệm từ bao năm dành dụm cùng số tiền bố tôi đưa chi tiêu hàng tháng để xoay xở. Bà ấy không muốn bố tôi biết vì sợ ông sẽ lo lắng và cũng sợ ông nghi ngờ đề phòng bà, ảnh hưởng tới cuộc sống sau này.
Lần đầu tiên, tôi thấy bà ấy khóc. Những giọt nước mắt nóng hổi rơi xuống đôi tay nhăn nheo, khiến tôi nghẹn lời. Tôi đứng sững nhìn người phụ nữ ấy khóc, lòng bỗng dưng rối bời. Bà ấy không phải kẻ tham lam hay giả tạo như tôi từng nghĩ, mà là một người phụ nữ giàu lòng hy sinh, sẵn sàng gánh mọi nỗi đau chỉ để bảo vệ người thân của mình.
Nhưng thông cảm là một chuyện, còn chuyện bà ấy đang làm thì tôi suy nghĩ mãi, không biết có nên nói với bố, hay cứ im lặng như bà ấy mong muốn?
.time-source-detail-new { float: none; }
Đọc bài gốc tại đây.