Tại Trung Quốc, mạng xã hội nước này đang xôn xao trước những thông tin bất ngờ về hệ số cản gió của mẫu Avatr 12 – một mẫu xe điện nội địa Trung Quốc. Sự việc xảy ra khi một người dùng tại nước này đã tự mang xe đi thử nghiệm và nhận được kết quả khác xa so với thông tin được công bố; toàn bộ quá trình thử nghiệm đều được quay lại và đăng tải lên mạng xã hội của nước này.
Sự việc được đẩy lên cao trào khi tỷ phú Elon Musk – người đứng đầu hãng xe điện Tesla – đã chia sẻ thông tin này trên trang mạng xã hội cá nhân.

Elon Musk chia sẻ bài viết về sự việc trên trang mạng cá nhân.
Cụ thể hơn, kết quả thử nghiệm độc lập của người dùng cho thấy mẫu xe điện Avatr 12 có hệ số cản gió đo được ở vận tốc 120 km/h là 0,2818 Cd; trong khi đó, Avatr công bố xe có hệ số cản gió chỉ 0,21 Cd.
Nhận kết quả, người dùng này cho rằng xe có hệ số cản gió tương đương với một chiếc xe xăng cuối những năm 1990 như Volkswagen Passat B5 (hệ số cản gió 0,27 Cd).

Bức ảnh được cho là chụp lại kết quả thử nghiệm hệ số cản gió của Avatr 12.
Trước đó, một video đăng ngày 2/5 trên mạng xã hội Trung Quốc đã ghi lại toàn cảnh cuộc thử nghiệm đo hệ số cản gió trong một hầm gió chuyên dụng. Người dùng mạng này không nêu cụ thể tên xe, nhưng dựa trên hình ảnh có trong video thì có thể nhận ra đó là mẫu Avatr 12 – mẫu xe điện do liên doanh giữa hãng xe Tràng An (Changan), nhà sản xuất pin CATL và Huawei phát triển.
Tuy nhiên, điều bất ngờ là video chi tiết về thử nghiệm đã bị gỡ bỏ khỏi nền tảng mạng xã hội; người dùng mạng đó đã khẳng định anh không hề xóa video này. Cơ sở thử nghiệm cũng không cung cấp báo cáo chính thức sau ngày thử nghiệm.

Theo công bố của nhà sản xuất, mẫu Avatr 12 có hệ số cản gió 0,21 Cd.
Trước thông tin này, vào ngày 3/5, bộ phận pháp lý của Avatr đã bác bỏ và khẳng định rằng “toàn bộ thông tin này là hoàn toàn sai sự thật”. Hãng còn tuyên bố treo thưởng 5 triệu nhân dân tệ (khoảng 18 tỉ VNĐ) cho bất kỳ ai cung cấp bằng chứng về những hoạt động được xem là “truyền thông bẩn” nhằm bôi nhọ danh tiếng công ty.
Đồng thời, hãng sẽ tiến hành thử nghiệm công khai trong phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc gia với lịch trình sẽ được công bố sắp tới. Hãng cho biết sẽ mời đích danh Elon Musk trực tiếp chứng kiến buổi kiểm nghiệm.

Chiếc xe trong thử nghiệm hệ số cản gió. Ảnh: CarNewsChina
Hệ số cản gió đang là con số được quan tâm mạnh tại thị trường xe điện Trung Quốc gần đây. Các mẫu xe mới liên tục công bố những con số cực thấp để quảng bá khả năng tiết kiệm năng lượng và tăng phạm vi di chuyển. Tuy nhiên, điều này cũng làm dấy lên nghi ngờ về tính xác thực của các thông số.
Một số mẫu xe với hệ số cản gió Cd “phá kỷ lục” ở Trung Quốc theo như hãng công bố:
– BYD U7: 0,195 Cd
– Geely Galaxy E8: 0,199 Cd
– Xiaomi SU7: 0,195 Cd
– Tesla Model S: 0,208 Cd
– Lucid Air: 0,197 Cd (được thử nghiệm độc lập tại Mỹ)
Trong số này, chỉ một số mẫu xe như Lucid Air và Model S đã từng được kiểm nghiệm bởi các tổ chức độc lập như EPA (Mỹ) hoặc tạp chí Consumer Reports. Trong khi đó, các mẫu xe nội địa Trung Quốc đa phần vẫn chỉ dựa vào số liệu từ nhà sản xuất, chưa được kiểm chứng công khai.
Hệ số cản gió có quan trọng?
Hệ số cản gió (Cd) là chỉ số đo lực cản của không khí tác động lên thân xe khi di chuyển – càng thấp thì xe càng tiết kiệm năng lượng và có thể đạt phạm vi di chuyển xa hơn. Theo giới chuyên môn, chỉ cần giảm 0,01 Cd có thể giúp xe đi xa hơn khoảng 10 km ở vận tốc 120 km/h.
Vì vậy, việc chênh lệch lên tới 0,07 Cd, nếu chính xác, như video thử nghiệm là một vấn đề nghiêm trọng, vượt quá sai số kỹ thuật thông thường. Trong bối cảnh xe điện cạnh tranh khốc liệt về tầm hoạt động như hiện nay, Cd càng trở thành một vũ khí quảng bá quan trọng.

Chỉ số cản gió có tác động lớn đến mức tiêu hao năng lượng, điều đặc biệt quan trọng với xe điện.
Tuy nhiên như trường hợp của Avatr 12, nếu không được kiểm chứng độc lập, con số đẹp trên giấy tờ có thể không phản ánh thực tế. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin của người tiêu dùng.
Câu chuyện xoay quanh Avatr 12 mới xảy ra làm bùng lên một cuộc tranh luận mạnh mẽ về tính minh bạch thông tin trong ngành xe điện. Với tuyên bố sẽ kiểm tra công khai, Avatr đang chịu áp lực lớn để chứng minh độ chính xác của thông số kỹ thuật mà hãng quảng cáo.
Cuối cùng, điều người tiêu dùng cần không chỉ là “con số ấn tượng” mà là dữ liệu trung thực, kiểm chứng độc lập và quan trọng nhất: Trải nghiệm thực tế đúng như cam kết.
Đọc bài gốc tại đây.