Tiểu Lý (người Trung Quốc) là một kế toán có chứng chỉ hành nghề và nhiều năm kinh nghiệm, hiện làm việc tại một công ty truyền thông.
Vào một ngày nọ, khi người đại diện pháp lý của công ty – ông Lý Hoa – đang đi công tác, Tiểu Lý nhận được email từ một địa chỉ có tên “Lý Hoa” yêu cầu cô thêm một tài khoản QQ công việc. Sau khi thêm tài khoản, người này liên tục yêu cầu Tiểu Lý thực hiện 8 lần chuyển khoản với tổng số tiền 380.000 nhân dân tệ từ tài khoản công ty vào tài khoản cá nhân của người có tên Đặng Tổng.
Sau khi hoàn tất, Tiểu Lý lại được yêu cầu chuyển tiền thêm lần nữa với nội dung “phạt vi phạm hợp đồng”. Lúc này, cô mới nghi ngờ mình bị lừa bởi kẻ mạo danh và lập tức báo cảnh sát. Vụ án hiện vẫn đang được điều tra.
Phía công ty sau khi biết chuyện, cho rằng Tiểu Lý có lỗi nghiêm trọng vì đã bỏ qua cảnh báo bảo mật từ QQ và không xác minh lại với người đại diện thật trước khi chuyển khoản. Do đó, họ yêu cầu cô bồi thường toàn bộ thiệt hại – tức 380.000 nhân dân tệ.
Tuy nhiên, Tiểu Lý cho rằng mình không cố ý làm sai, cũng không vi phạm kỷ luật hay có hành vi gian dối, nên không có nghĩa vụ bồi thường.
Quá trình xét xử cho thấy công ty không xây dựng quy trình quản lý tài chính rõ ràng, không có nhân viên tài chính chuyên trách, và thường xuyên để Tiểu Lý đảm nhận đồng thời nhiều công việc. Việc chuyển tiền tại công ty cũng thường không theo thủ tục phê duyệt nghiêm ngặt, nhiều lần chỉ cần đồng ý miệng và sau đó mới ký xác nhận.
Tòa án Trung Quốc nhận định, theo luật, nếu người lao động gây thiệt hại cho công ty do lỗi cố ý hoặc lỗi nghiêm trọng, họ phải bồi thường. Trong trường hợp này, Tiểu Lý là một kế toán có kinh nghiệm, nhưng lại chuyển tiền với số lượng lớn đến tài khoản cá nhân mà không xác minh lại – đây là hành vi thiếu thận trọng nghiêm trọng, đủ để cấu thành lỗi nghiêm trọng.
Tuy nhiên, tòa cũng chỉ ra rằng phía công ty có phần trách nhiệm không nhỏ do hệ thống kiểm soát lỏng lẻo, thiếu quy định rõ ràng. Đây là yếu tố góp phần dẫn đến sự cố.
Xét đến mức độ lỗi của hai bên, cũng như mức lương, kinh nghiệm và khả năng tài chính của Tiểu Lý, tòa án quyết định cô phải bồi thường 10% thiệt hại, tương đương 38.000 nhân dân tệ (khoảng 137 triệu đồng).
Phán quyết sơ thẩm bị công ty kháng cáo, nhưng tòa phúc thẩm giữ nguyên bản án.
Theo các thẩm phán Trung Quốc, trong mối quan hệ lao động, việc người lao động gây thiệt hại trong quá trình thực hiện công việc chỉ bị yêu cầu bồi thường khi có lỗi cố ý hoặc lỗi nghiêm trọng. Các lỗi thông thường hoặc nhẹ sẽ không bị yêu cầu bồi thường vì điều này quá khắt khe và không phù hợp với nguyên tắc bảo vệ người lao động trong luật lao động.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần xây dựng hệ thống quy chế rõ ràng, đào tạo nhân viên, giám sát quy trình tài chính chặt chẽ để tránh rủi ro. Nếu để lỗ hổng tồn tại, họ cũng phải chịu một phần trách nhiệm khi sự cố xảy ra.
Vụ việc là lời cảnh tỉnh cho cả người lao động và doanh nghiệp trong việc nâng cao ý thức phòng ngừa rủi ro và trách nhiệm khi thi hành công việc.
Theo Toutiao
Đọc bài gốc tại đây.