Nội dung chính
Doanh nhân Trung Quốc: “Cuộc chơi đã kết thúc”
Khi Washington công bố mức thuế quan cao hơn và chấm dứt chính sách miễn trừ ‘de minimis’ (2/5), cho phép các gói hàng giá trị thấp từ Trung Quốc vào Mỹ mà không chịu thuế, Quinn Lai cảm thấy “cuộc chơi đã kết thúc” đối với thương hiệu đồng hồ của mình.
Lai là người sáng lập DIY Watch Club, công ty chuyên bán bộ dụng cụ lắp ráp đồng hồ thủ công cho thị trường nước ngoài. Hơn 80% lô hàng của công ty được chuyển đến Mỹ.
Quinn Lai ước tính doanh thu từ thị trường Hoa Kỳ của công ty ông có thể sụt giảm từ 20% đến 30% do chính sách này.
“Nếu tình hình không cải thiện, chúng tôi sẽ thu hẹp quy mô công ty hoặc trong trường hợp xấu nhất là đóng cửa”, Lai nói.
Khi mức thuế quan mới bắt đầu có hiệu lực vào tháng 4, công ty của anh đã nhanh chóng chuyển hướng chiến lược, tăng cường tiếp thị sang thị trường châu Âu. DIY Watch Club đẩy mạnh quảng cáo trên mạng xã hội và gửi sản phẩm cho một số người có ảnh hưởng trực tuyến để thực hiện video mở hộp.

Quinn Lai cảm thấy “cuộc chơi đã kết thúc” khi Mỹ chấm dứt chính sách ưu đãi thuế với hàng giá rẻ Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Lai cho biết anh quyết định tập trung vào thị trường châu Âu thay vì Đông Nam Á vì thương mại điện tử tại châu Âu hoạt động hiệu quả hơn.
“Để giải quyết vấn đề này, về cơ bản cần phải nỗ lực từng giờ để thử nghiệm ở nhiều quốc gia khác nhau tại châu Âu”, Lai nói.
Lai cho biết công ty hiện đã mở rộng thị phần tại châu Âu từ khoảng 6% lên khoảng 30%. Dù thị trường Mỹ vẫn chiếm khoảng một nửa doanh thu, nhưng công ty giờ đây đã giảm mức độ phụ thuộc vào thị trường này.
Doanh nhân Trung Quốc có kế hoạch tiếp tục mở rộng cơ sở khách hàng tại châu Âu và tìm kiếm cơ hội ở các thị trường khác, bao gồm cả Nhật Bản.
Kennedy Wong, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất nhập khẩu Trung Quốc tại đặc khu Hồng Kông, cho biết thương mại điện tử xuyên biên giới đang chịu tác động nặng nề do các sản phẩm thường được bán dưới dạng kiện hàng nhỏ.
“Không có thị trường đơn lẻ nào có thể thay thế được Mỹ”, Wong nói.
Doanh nhân Trung Quốc đóng cửa hàng
Liu Miao, người đã bán quần áo trên Amazon cho khách hàng mua sỉ tại Mỹ suốt 5 năm qua, cho biết hoạt động kinh doanh của anh đã dừng lại đột ngột.
Liu sở hữu một nhà máy nhỏ tại Quảng Châu, trung tâm lâu đời của ngành may mặc cạnh tranh cao của Trung Quốc.
Anh và nhiều quản lý nhà máy khác, đang phải đối mặt với biên lợi nhuận ngày càng eo hẹp, cho biết sự kết hợp giữa thuế quan và các loại thuế mới do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đối với hàng nhập khẩu giá rẻ đã giáng đòn mạnh vào hoạt động kinh doanh. Đồng thời, chi phí dọc theo chuỗi cung ứng cũng gia tăng đáng kể.
Mức thuế quan mới đã buộc Liu phải ngừng bán hàng trên Amazon, nơi trước đây ông kiếm được khoảng 1 USD cho mỗi bộ quần áo, nhưng hiện chỉ còn lại 50 cent.
“Bạn không thể bán bất cứ thứ gì cho Mỹ ngay bây giờ”, Liu nói. “Mức thuế quan quá cao”.
Các nền tảng như Amazon, Shein và Temu đã kết nối trực tiếp chuỗi cung ứng sản xuất quy mô lớn của Trung Quốc với người tiêu dùng toàn cầu. Nhờ các thị trường trực tuyến này, hàng nghìn nhà máy nhỏ ở Quảng Châu có thể tiếp cận người mua sắm tại Mỹ. Việc các kiện hàng có giá trị dưới 800 USD được miễn thuế khi nhập khẩu vào Mỹ cho phép các nhà máy và nền tảng thương mại điện tử giữ giá bán ở mức rất thấp.
Xuất khẩu đã trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong những năm gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tại một khu phố ở Quảng Châu, xe sang như Mercedes-Benz, BMW và Cadillac thường xuyên đậu bên ngoài các nhà máy, nơi công nhân được trả khoảng 60 USD mỗi ngày để sản xuất quần áo cho các nền tảng như Shein và Amazon.
Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng thương mại ngày càng đẩy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ra xa nhau, nhiều doanh nghiệp tại Quảng Châu đang đứng trước bước ngoặt.

Lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ từ các nhà sản xuất hàng may mặc Quảng Châu dự kiến sẽ giảm sau khi thời hạn miễn thuế đối với hàng hóa giá rẻ kết thúc. Ảnh: NYT
Loạt xưởng Quảng Châu tắt máy
Các nhà máy ở Quảng Châu không phải là những cơ sở tự động sản xuất xe điện hay các nhà máy chế tạo chất bán dẫn, những yếu tố quan trọng trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm đảm bảo khả năng phục hồi địa chính trị thông qua công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, các nhà máy may mặc ở đây, sử dụng hàng triệu công nhân, đang vật lộn để duy trì hoạt động.
Trong các cuộc phỏng vấn, 9 chủ sở hữu và quản lý nhà máy tại Quảng Châu cho biết họ đang xem xét khả năng di dời hoạt động sản xuất, một số đến các tỉnh như Hồ Bắc, cách đó gần 1.000km, nơi chi phí lao động thấp hơn.
Một số chủ sở hữu cũng cân nhắc chuyển sang các quốc gia Đông Nam Á, nơi nhiều nhà máy Trung Quốc đã được thành lập nhằm tránh mức thuế quan mới, có thể cao như các mức thuế hiện tại đối với hàng xuất khẩu từ Trung Quốc.
Nhiều chủ doanh nghiệp Trung Quốc nói rằng đơn hàng đã giảm hoặc phải tạm dừng một số dây chuyền sản xuất.
Hôm 2/5, khi chính sách chấm dứt miễn trừ de minimis đối với hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ có hiệu lực, Liu Bin đã đóng cửa xưởng may rộng lớn của mình, nơi những chồng bao bì của Shein chất cao cạnh cửa sổ.
Nhà máy của Liu chuyên sản xuất váy và áo cho những dịp đặc biệt như tiệc bãi biển hay dạ tiệc đêm, và Shein thường xuyên đặt hàng khoảng 100.000 sản phẩm mỗi tháng. Tuy nhiên, vào tháng 4, sau khi đơn hàng của công ty chỉ còn một nửa so với trước, ông Liu buộc phải chuyển dây chuyền sản xuất sang tỉnh Giang Tây lân cận, vì không còn đủ khả năng chi trả tiền thuê nhà ở Quảng Châu.
Liu cho biết ông đã cố gắng tìm người mua trên TikTok và Temu, nhưng đơn hàng đều giảm trên mọi nền tảng. Ông nói: “Tất cả đều giảm, và chúng tôi chỉ chờ đợi và theo dõi”.
(Theo Reuters, The New York Times)
Đọc bài gốc tại đây.