Nội dung chính
- Thực hư chuyện mộ của Điền Văn Kính chiếm mất thần đạo của Thái Lăng?
- Sự thực việc Càn Long san phẳng mộ phần của Điền Văn Kính
Mộ phần của Điền Văn Kính chiếm mất thần đạo?
Theo ghi chép trong địa phương chí “Dịch Huyện Chí”, vào năm Càn Long thứ 3, khi Càn Long đến tế bái lăng mộ của cha mình là Ung Chính. Do mộ phần của Điền Văn Kính chiếm mất thần đạo của Thái Lăng khiến xe ngựa của Càn Long không thể đi qua. Vì vậy, các quan viên canh giữ lăng mộ đã san bằng lăng mộ của Điền Văn Kính.
Địa phương chí là nguồn tư liệu quan trọng để các học giả nghiên cứu lịch sử. Tuy nhiên, những gì được ghi chép trong đó không hẳn đã là sự thật. Một trong những mục đích quan trọng của việc nghiên cứu lịch sử là phân biệt thật giả của các tư liệu lịch sử. Những gì được ghi lại trong “Dịch Huyện Chí” về sự việc này, chưa thể xác minh được độ chính xác.

Càn Long đến tế bái lăng mộ của cha mình là Ung Chính.(Ảnh: Sohu)
Vậy thần đạo là gì? Thông thường, một lăng mộ được chia thành hai phần: một là kiến trúc chủ thể của lăng tẩm, hai là thần đạo (trục phong thủy chính của khu lăng mộ).
Việc nói rằng mộ của Điền Văn Kính chiếm mất thần đạo của Thái Lăng có lẽ không đáng tin. Lễ nghi thời nhà Thanh vô cùng rườm rà nên không thể xảy ra sai sót sơ đẳng như vậy. Hơn nữa, Điền Văn Kính mất trước Ung Chính, nên càng không thể xảy ra chuyện này.
Thời nhà Thanh, để thể hiện sự quan tâm của hoàng đế đối với các đại thần, những người có công lao lớn sau khi chết được phép chôn cất gần lăng mộ của hoàng đế. Không nhiều người có được vinh dự này, Điền Văn Kính là một trong số ít những người đó dưới thời Ung Chính.
Điền Văn Kính là ai?
Điền Văn Kính xuất thân là Giám sinh, tức là những người đã học ở trường chính quy nhưng không thi đỗ. Ông là viên chức có chức vụ thấp nhất trong hệ thống quan lại thời xưa. Điền Văn Kính đã làm việc ở cơ sở hàng chục năm, mãi đến khi Ung Chính Đế lên ngôi, với nguyên tắc dùng người “trọng năng khinh hiền, trọng tài khinh thủ” mới đề bạt ông.
Khi đó, Điền Văn Kính đã ngoài 60 tuổi, tưởng chừng như không còn cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp quan trường. Thế nhưng, Ung Chính Đế đã nhanh chóng đề bạt ông. Trong thời gian làm Bố chính sứ Sơn Tây, Điền Văn Kính đã cải thiện được tình trạng quan liêu, nhờ đó được Ung Chính chú ý. Sau đó, ông được điều chuyển đến Hà Nam (Trung Quốc) làm Tuần phủ, với phong cách làm việc quyết đoán, mạnh mẽ, ông đã thực hiện các chính sách mới của Ung Chính Đế.

Mãi đến khi Ung Chính Đế lên ngôi, Điền Văn Kính mới được trọng dụng. (Ảnh: Sohu)
Năm Ung Chính thứ 6, Ung Chính đặc biệt lập ra chức Tổng đốc Hà Nam, Sơn Đông để Điền Văn Kính quản lý. Do làm quan thanh liêm và không sợ đắc tội với người khác, Ung Chính Đế đã gọi ông là “khuôn mẫu cho các quan lại địa phương”. Ông là một vị quan có ảnh hưởng lớn dưới thời Ung Chính. Tuy nhiên, do được trọng dụng khi tuổi đã cao, nên đến năm Ung Chính thứ 10, Điền Văn Kính qua đời ở tuổi 72.
Sau khi Điền Văn Kính qua đời, Ung Chính đã cho an táng ông gần Thái Lăng, ban thụy hiệu là “Đoan Túc”, đồng thời đưa ông vào Từ đường hiền tài của Hà Nam.
Mặc dù Điền Văn Kính được ban nhiều đặc ân dưới thời Ung Chính, nhưng đến cuối thời Càn Long, mộ phần của ông lại bị các quan viên canh giữ lăng mộ san bằng. Điều này có sự khác biệt so với ghi chép trong “Dịch Huyện Chí”. Việc có phải do Càn Long ra lệnh hay không vẫn chưa được xác định chắc chắn.
Càn Long và những lần đối xử tệ với quan viên dưới thời Ung Chính
Có một điều chắc chắn là Càn Long không mấy thiện cảm với các quan viên được trọng dụng dưới thời Ung Chính. Đầu tiên phải kể đến Trương Đình Ngọc, một vị quan tận tụy cả đời, là lão thần trải qua ba triều đại, cuối cùng lại bị Càn Long dùng trăm phương ngàn kế đối phó để để thu hồi quyền lực về tay mình.
Lý Vệ cũng bị đánh giá rất thấp. Trong chuyến tuần du phương Nam, Càn Long đã cho người đập vỡ tượng của Lý Vệ và nói: “Lý Vệ dựa vào ân sủng của tiên đế, tùy tiện kiêu ngạo, vốn không phải là bề tôi công chính trong sạch. Việc tự ý lập miếu thờ, thật là kỳ lạ!”. Thậm chí, Càn Long còn nói nếu Lý Vệ còn sống, nhất định sẽ trị tội ông ta.
Đối với Điền Văn Kính, do mất sớm, trước khi Càn Long lên ngôi đã được an táng nên coi như chưa từng có giao thiệp gì với Càn Long. Càn Long cũng không trực tiếp đánh giá về Điền Văn Kính. Tuy nhiên, qua việc xử lý vụ án của Vương Sĩ Tuấn, người kế nhiệm Điền Văn Kính làm Tổng đốc Hà Nam, có thể thấy thái độ của Càn Long đối với Điền Văn Kính không tốt.

Đối với Điền Văn Kính, do mất sớm, trước khi Càn Long lên ngôi đã được an táng nên coi như chưa từng có giao thiệp gì với Càn Long. (Ảnh: Sohu)
Ngay khi Càn Long vừa lên ngôi, Tổng đốc Hà Nam Vương Sĩ Tuấn vì muốn khai khẩn đất đai ở Hà Nam đã mở quỹ quyên góp, dẫn đến dân chúng oán thán khắp nơi. Càn Long Đế vì thế đã cách chức Vương Sĩ Tuấn, với lý do: “Hà Nam từ khi Điền Văn Kính nhậm chức đốc phủ đến nay, cai trị nghiêm khắc, vậy mà thuộc hạ của ông ta lại bóc lột dân chúng, khiến nhân dân Hà Nam khốn khổ. Năm ngoái, Điền Văn Kính che giấu không báo cáo tình hình thiên tai ở Hà Nam, khiến dân chúng phiêu bạt, may nhờ tiên đế thương dân, phái quan viên đến cứu trợ, mới giữ được sự ổn định ở Hà Nam. Việc này người trong thiên hạ đều biết.”
Câu đầu tiên đã phủ nhận toàn bộ công lao của Điền Văn Kính trong việc thực thi chính sách nghiêm khắc. Còn câu sau cho rằng Điền Văn Kính che giấu tình hình thiên tai là có tội.
Nhưng lúc đó Càn Long mới lên ngôi, vẫn còn phải dựa vào đội ngũ cũ của Ung Chính để điều hành đất nước, nên không truy cứu sâu. Đến năm Càn Long thứ năm, Tuần phủ Hà Nam là Nhã Nhĩ Đồ dâng tấu xin đưa Điền Văn Kính ra khỏi Từ đường hiền tài của Hà Nam. Cuối cùng, Càn Long quyết định: “Ngạc Nhĩ Thái, Điền Văn Kính, Lý Vệ đều là trọng thần của tiên đế, kỳ thực Điền Văn Kính không bằng Lý Vệ, Lý Vệ lại không bằng Ngạc Nhĩ Thái, mà ba người họ vốn không hề cấu kết với nhau. Vậy nên không thể lật lại án cũ.”

Càn Long mới lên ngôi, vẫn còn phải dựa vào đội ngũ cũ của Ung Chính để điều hành đất nước, nên không truy cứu sâu. (Ảnh: Sohu)
Có thể nói, suýt chút nữa Điền Văn Kính đã bị đưa ra khỏi Từ đường hiền tài. Càn Long thời trẻ còn nương tay, nhưng theo thời gian, đến khi hơn 60 tuổi, ông đã hoàn toàn khác, mở rộng án tự văn, lật lại nhiều vụ án oan. Hễ đại thần nào được Ung Chính công nhận, Càn Long đều lật đổ. Ngược lại, những nhóm người bị Ung Chính đàn áp, Càn Long đều minh oan. Hành vi này khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu.
Ung Chính vừa mới minh oan cho Ngao Bái, Càn Long liền phủ nhận. Còn Viên Sùng Hoán, người bị coi là Hán gian thời nhà Minh, lại được ông minh oan. Cho đến nay, những lời nhận xét cuối cùng của Càn Long về các nhân vật lịch sử vẫn còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc đánh giá lịch sử ngày nay.

Việc mộ phần của Điền Văn Kính bị phá hủy, ít nhất cũng có sự ngầm đồng ý của Càn Long. (Ảnh: Sohu)
Mộ phần của Điền Văn Kính có lẽ đã bị phá hủy trong giai đoạn này. Mặc dù chưa tìm thấy tài liệu nào chứng minh Càn Long là người ra lệnh san bằng mộ phần của Điền Văn Kính, nhưng nếu không có lệnh của cấp trên, liệu các quan viên canh giữ lăng mộ có dám tự ý phá hủy mộ của một vị quan được chôn cất gần hoàng đế hay không?
Việc ghi chép trong “Dịch Huyện Chí” về việc mộ phần của Điền Văn Kính bị phá hủy có sự khác biệt so với lịch sử thực tế, nhưng không phải là bịa đặt. Việc mộ phần của Điền Văn Kính bị phá hủy, ít nhất cũng có sự ngầm đồng ý của Càn Long.
Theo Sohu, Sina
Đọc bài gốc tại đây.