Người được nhắc đến chính là Thiếu tướng Lê Thiết Hùng.
Thiếu tướng Lê Thiết Hùng (1908-1986) tên thật là Lê Văn Nghiệm, sinh tại làng Đông Thôn, tổng Thông Lãng (nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) trong gia đình truyền thống yêu nước.
15 tuổi ông rời Việt Nam ra nước ngoài, tham gia hoạt động yêu nước. Đó là mùa Thu năm 1923, dưới sự hướng dẫn của ông Võ Trọng Đài, 12 thanh niên xứ Nghệ sang Xiêm (nay là Thái Lan). Cùng đi chuyến này có các ông Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái.
Cuộc đời Lê Thiết Hùng có nhiều dấu ấn đặc biệt. Ông được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp kết nạp vào Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925), được cử đi học Trường Võ bị Hoàng Phố (Trung Quốc), rồi được giao nhiệm vụ tham gia quân đội Tưởng Giới Thạch, được phong quân hàm tới đại tá (đại hiệu). Sinh thời, ông tự hào: “Tôi là người học trò nhỏ của Bác Hồ”.

Thiếu tướng Lê Thiết Hùng. (Ảnh: Báo QĐND)
Trở về Tổ quốc năm 1941, đứng chân ở đầu nguồn Pắc Bó – tỉnh Cao Bằng, ông mang bí danh là Đinh. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dặn ông trước mắt nghiên cứu tình hình các mặt rồi sẽ bàn công tác.
Ông làm việc hàng ngày với các đồng chí Lê Quảng Ba, Bằng Giang… Thiếu tướng Lê Quảng Ba sau này kể lại:
“Tôi nghĩ bụng, Bác bảo đồng chí Hùng ở lại chắc hẳn là có ý định gì đây, vì từ sau khi đồng chí Phùng Chí Kiên hy sinh thì chỉ có đồng chí Hùng có mặt ở Pắc Bó, là người duy nhất được đào tạo về quân sự một cách chính quy, cơ bản và hệ thống ở trường Võ bị Hoàng Phố. Vào một buổi trưa, tôi và anh Lê Thiết Hùng đang ngồi bàn công việc như thường lệ, thì Bác đến. Người bảo chúng tôi: “Phong trào Việt Minh càng phát triển thì địch sẽ tìm cách đối phó… ở đây bây giờ đã có một số súng ống… và rải rác mỗi người một nơi… Vì vậy đồng chí Lê Đinh hãy cùng đồng chí Lê Quảng Ba bàn với nhau nên tổ chức lực lượng cầm súng như thế nào. Các đồng chí làm kế hoạch rồi báo cáo”…
Ông được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ cùng với ông Lê Quảng Ba lập đội vũ trang đầu tiên gồm 12 người. Đó là đội du kích Pác Bó.
Nhà báo Hoàng Thế Dũng, nguyên Chính ủy Trung đoàn Thủ đô – người viết hồi ký “Bác Hồ và đội du kích Pác Bó” đánh giá, tuy chỉ tồn tại hơn 2 năm nhưng đội du kích Pác Bó làm được nhiều việc lớn: khống chế được bọn thổ phỉ, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, hạn chế được sự sục sạo, càn quét của binh lính địch, phân hóa và lôi cuốn được một bộ phận lý dịch ngả theo cách mạng. Đội du kích Pác Bó có 6 đội viên được tuyển chọn vào Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Trước những biến chuyển mau chóng của đất nước, Lê Quốc Vọng được Bác Hồ giao làm Chiến khu trưởng đầu tiên Chiến khu 4 (nay là Quân khu 4). Một hôm, ông đang đi thị sát miền tây Khu 4 chống tàn quân Pháp từ Lào lăm le đánh xuống thì có điện của Hồ Chủ tịch gọi ra Hà Nội.
Về Thủ đô, ông mới biết theo Chính phủ tổ chức đội quân Tiếp phòng để thay thế quân Tưởng, giám sát việc rút quân của chúng khỏi Việt Nam. Đồng thời, theo nội dung Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946) vừa ký kết, 15.000 quân Pháp sẽ chính thức có mặt ở miền Bắc. Đội quân Tiếp phòng Việt Nam theo quy định của Chính phủ lúc đó gồm 10.000 người, tổ chức thành một sư đoàn theo đúng cách tổ chức của quân đội Quốc gia và là một bộ phận của quân đội Quốc gia Việt Nam.
Biệt danh “cây gỗ mun” được hiểu theo nghĩa đen vì nước da ngăm đen của Lê Thiết Hùng. Còn theo nghĩa bóng, là tâm sự gửi gắm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở ông: hoạt động trong lòng địch vẫn tuyệt đối trung thành, vững vàng và bền chắc như cây gỗ mun.
Hoàn thành nhiệm vụ chỉ huy “Đội tiếp phòng quân”, ông trở lại làm Khu trưởng Khu 4, rồi làm Tổng thanh tra quân đội, Cục trưởng Cục Quân huấn và Hiệu trưởng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn.
Từ năm 1963, ông được giao trọng trách mới: Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại CHDCND Triều Tiên, Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng… Với những đóng góp lớn của mình cho sự nghiệp cách mạng, Thiếu tướng Lê Thiết Hùng đã vinh dự được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Đọc bài gốc tại đây.