Cách đây 50 năm, chế độ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) sụp đổ ở miền Nam Việt Nam. Nhà báo người Úc John Pilger nhớ lại cảm giác của mình khi ở giữa tâm điểm của một trong những sự kiện đáng chú ý nhất thế kỷ 20.
Những ngày cuối của lực lượng Mỹ ở Việt Nam được ông mô tả rất kỹ trong cuốn sách The Last Day của mình. Dưới đây là phần lược dịch ghi chép của Pilger về những gì đã diễn ra ở Sài Gòn trong những ngày cuối tháng 4/1975.
Đây là phần 2 của bài viết. Mời quý độc giả theo dõi phần 1 tại đây: Sài Gòn, tháng 4/1975: Cây me cổ thụ, phòng tuyến cuối cùng của Graham Martin và “thanh thế” của nước Mỹ

Đội đốn cây được tập hợp: một nhóm sĩ quan CIA, cựu đặc nhiệm Mũ nồi Xanh và một toán cựu lính lục quân do hai công ty đặt ở California cung cấp phục vụ bảo an cho đại sứ quán. Họ được cấp rìu và cưa điện; các thư ký của sứ quán còn đem cho họ bia và sandwich. Họ đang chặt cái cây của đại sứ mà không được đại sứ cho phép.
Cùng lúc ấy, một đoàn ô tô, xe tải kéo vào khu chợ bên ngoài Thảo Cầm Viên và nhanh chóng dỡ hàng: bít-tết đông lạnh, sườn cốt-lết, nước cam, những lọ dưa muối lớn, anh đào ngâm rượu, những thùng đậu bơ đóng hộp và bơ lạc Chunkie, bánh Sara Lee, bia Budweiser, 7-Up, kẹo cao su Wrigley, xì gà Have-A-Tampa cùng nhiều thứ khác – tất cả đều trộm từ kho quân nhu Sài Gòn.
Không khí như lễ hội, đây đó có tiếng cười rúc rích khi những miếng sườn chữ T đang rã đông được bán với giá chỉ vài xu. Một chiếc xe bán tải đưa tới một chiếc máy rửa chén và một cây làm mát nước. Cây nước nhanh chóng được bán và tẩu tán bằng xe ba gác. Chiếc máy rửa bát hiệu Blue Swan thì được lôi khỏi hộp và đặt trên đường. Hai giờ sau nó vẫn còn ở đó, chưa được bán và bị bóc lấy những phụ tùng quan trọng, một tượng đài trơ trọi tuyệt vọng cho doanh nghiệp tiêu dùng ở miền Nam Việt Nam.
Sài Gòn lúc này bị áp giới nghiêm 24 giờ đồng hồ nhưng vẫn có người đi trên phố, một số là binh lính từ Sư đoàn 18 VNCH vừa thua trận ở Xuân Lộc trên Đường 1. Chúng tôi đang ngóng họ và chờ đợi những dấu hiệu đầu tiên của cơn giận dữ khi họ thấy người Mỹ chuẩn bị bỏ mặc họ cho số phận.
Sáng hôm đó, khi xuất hiện lần đầu ở trung tâm thành phố, họ chỉ dán mắt vào người nước ngoài hoặc cướp bóc, hoặc xả súng vào không trung cho bõ tức.
Tôi quay lại khách sạn Caravelle, nơi hẹn gặp Sandy Gall của đài ITN (Anh); anh ta và tôi là “người chịu trách nhiệm sơ tán” cho TCN Press (Đại diện báo chí là công dân nước thứ ba), nghĩa là tất cả những ai không phải người Mỹ hoặc người Việt. Suốt mấy ngày Sandy và tôi đều lo sắp xếp cho những đại diện báo chí của Anh, Canada, Italy, Đức, Tây Ban Nha, Argentina, Brazil, Hà Lan và Nhật Bản muốn sơ tán.
Đại sứ quán Mỹ đã ban hành một cuốn sổ nhỏ 15 trang gọi là SAFE, viết tắt của “Standard Instruction and Advice to Civilians in an Emergency” (Hướng dẫn và Khuyến cáo Tiêu chuẩn cho Thường dân trong trường hợp Khẩn cấp). Cuốn sổ có in cả bản đồ Sài Gòn đánh dấu “những khu vực tập trung để đón trực thăng”. Có một trang bổ sung ghi: Lưu ý dấu hiệu sơ tán. Không tiết lộ cho người khác. Khi được lệnh sơ tán, mật hiệu sẽ được đọc trên Đài Lực lượng Mỹ. Mật hiệu là: NHIỆT ĐỘ SÀI GÒN LÀ 112 ĐỘ (F) VÀ ĐANG TĂNG LÊN. TIẾP SAU ĐÂY SẼ PHÁT CA KHÚC “I’M DREAMING OF A WHITE CHRISTMAS” (Tôi mơ về một Giáng sinh trắng).
Những phóng viên người Nhật sợ mình sẽ không nhận ra giai điệu và băn khoăn liệu ai đó có thể hát cho họ nghe không. Philip Jacobson của Sunday Times (Anh) liền chiều lòng họ, cất lời hát ca khúc của Bing Crosby.
Tại khách sạn Caravelle, Sandy và tôi đã chỉ định đại diện của mỗi tầng để khi có dấu hiệu đầu tiên của “Giáng sinh trắng”, họ sẽ đảm bảo các phóng viên dù đang ốm, điếc, ngủ hay đi vệ sinh thì đều không bị bỏ lại phía sau.

Hai máy bay C-130 Hercules từ Căn cứ Không quân Clark ở Philippines lượn trên bầu trời Tân Sơn Nhất. Họ được lệnh không hạ cánh.
Trinh sát được cử tới sân bay báo về, hai trung đội bộ binh của QĐNDVN đã củng cố công sự ở cách đó 1 dặm; một phi công VNCH đã đáp chiến đấu cơ F-5 xuống đường băng và bỏ nó nổ máy ở đó; một chiếc xe jeep của VNCH thì đâm vào một trong số các chiếc C-130 của họ bởi nó tìm cách cất cánh.
“Có khoảng 3.000 dân thường hoảng loạn trên đường băng”, Tướng Homer Smith nói trên sóng cao tần VHF, “Tình hình có vẻ vượt tầm kiểm soát”.
Graham Martin, một mình trong văn phòng, nhìn cây me và nghe chỉ huy đội CIA của ông ta hét lớn: “Đốn cây!”.
Khi Kissinger điện tới, chuyển lời của Tổng thống Ford rằng Đại sứ Mỹ nên đưa ra quyết định cuối cùng về công tác sơ tán, ông ta kiên nhẫn lắng nghe một Graham Martin yếu đuối và kiệt sức. Lúc 10h43 phút, mệnh lệnh được đưa ra: “triển khai Phương án 4” (những phương án khác bao gồm sơ tán bằng đường biển và đường không). Tuy nhiên Martin kiên quyết tin rằng vẫn còn thì giờ để thương thảo một “thỏa thuận danh dự”.
Caravelle trống không mà đại diện TCN không hề hay biết. Chẳng có ai báo cho tôi. Bing Crosby không cất tiếng hát trên radio của tôi. Khi tôi xuất hiện, các căn phòng đều trống rỗng, quần áo, giấy tờ, bàn chải đánh răng bị bỏ lại.
Tôi chạy về phòng mình, lấy máy chữ, radio, sổ sách rồi nhét chúng vào một chiếc túi nhỏ, còn đâu thì bỏ lại tất. Hai nhân viên khách sạn chạy tới, thấy tôi dọn đồ một cách chóng vánh thì hơi bất ngờ. Một người hỏi, “Ông đang trả phòng ư, thưa ông?”. Tôi nói rằng mình trả rồi. “Nhưng đồ giặt của ông phải tới tối nay mới có, thưa ông”. Tôi cố không nhìn vào anh ta: “Xin anh cứ giữ lấy… kể cả bất cứ thứ gì anh thấy”.
Tôi nhét nắm tiền vào tay họ, biết rằng mình đang mua lấy sự tôn trọng của họ trước màn ra đi bất nhã của bản thân. Sau 9 năm, đúng thật là một màn rời bỏ! Nhưng chuyện tôi muốn đi thì không có gì phải bàn cãi. Cuộc chiến đã quá đủ với tôi.
Bên ngoài, Quảng trường Lam Sơn trống không, chỉ có một vài binh lính VNCH dật dờ ở lối đi, trong máng xối. Một trong số họ đi lên phía đường Tự Do, la hét với tôi; một gã say rượu. Anh ta rút súng khỏi bao, đặt lên cánh tay run rẩy và ngắm bắn. Viên đạn sượt qua đầu khi tôi chạy.
Một đám đông đang đẩy cửa đại sứ quán Mỹ, một số chỉ đơn giản là những người tò mò, tới xem trận di tản Dunkirk đường không của người Mỹ, nhưng cũng có nhiều người ôm chặt chấn song và xin lính gác cho họ vào, tay giơ ra những tài liệu và thư từ đóng dấu của quan chức Mỹ.
Một cụ già đem theo thư của một trung sĩ. Tay trung sĩ này cách đây rất lâu đã điều hành quầy rượu ở câu lạc bộ của lính Không lực tại Pleiku. Cụ già từng rửa bát ở đó và bức thư ghi ngày 5/6/1967 viết: Ông Nha, người giữ bức thư này đã trung thành phục vụ vì tự do của Việt Nam Cộng hòa”. Ông Nha cũng chìa ra một ngôi sao đồ chơi của Texas Ranger mà một trong số các phi công ở Pleiku đã đưa cho.
Ông cụ giơ lá thư và ngôi sao đồ chơi về phía đám lính gác đang hò hét cố giữ trật tự. Bị đẩy xuống sân khi tìm cách lách qua cánh cửa, cụ đứng dậy, cố gắng lần nữa và lại bị đẩy ra ngoài bằng báng súng. Khi tôi chật vật len qua đám đông, xô đẩy và dùng sức để giành lấy một chuyến đi miễn phí rời khỏi cuộc chiến, tôi chỉ thấy xấu hổ.

Trước cửa đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn ngày 29/4/1975. Ảnh: Bettmann/Getty

Bên trong khuôn viên đại sứ quán, đám lính thủy đánh bộ và cao bồi đang đứng quanh gốc cây me lớn, “OK, anh nói với tôi xem ta sẽ làm gì với cái thứ không chịu suy xuyển này?”, một trong số các tay cao bồi nói vào bộ đàm.
“Cứ bình tĩnh Jed”, tiếng bộ đàm đáp lại, “Khi các cậu hạ được xuống ít nhất 20 phân nữa thì sẽ có chỗ cho cánh quạt. Và Jed, nhớ dọn tất cả những mảnh vụn bên ngoài đi, không thì chúng sẽ bị hút vào động cơ trực thăng đấy”.
Thế là đám thủy quân lục chiến và cao bồi tiếp tục vung rìu đốn cái gốc cây, nhưng với sự giận dữ và lóng ngóng, màn đốn cây của họ trở thành cảnh tượng giải trí cho cả những người bên trong lẫn bên ngoài cổng và kể cả những tay lính gác trên tường cao của đại sứ quán Pháp kế bên.
Tiếng Việt có câu “cháy nhà mới ra mặt chuột”. Ở đây là bác sĩ Phan Quang Đán, cựu phó thủ tướng, đồng thời là bộ trưởng đảm trách vấn đề phúc lợi xã hội và tị nạn của VNCH, một nhân vật được cả Washington và Đại sứ Martin xem là hiện thân cho tinh thần dân tộc thực sự của miền Nam Việt Nam. Phan Quang Đán đi cùng với người vợ đẫy đà khoác chiếc áo lông bí bách và một toán người tay ôm chặt túi.
“Những con người đẹp đẽ” của Sài Gòn cũng ở đó, gồm cả những thanh niên đang độ tuổi đi lính được cha mẹ giàu có rộng tay đút lót để khỏi phải vào quân đội.
Mặc dù được ghi danh là binh lính trong bảng phân công của một đơn vị nào đó nhưng họ chẳng bao giờ phải làm nhiệm vụ và sĩ quan chỉ huy thì nhiều khả năng dắt túi được thêm khoản lương. Được gọi là “binh lính ma”, họ tiếp tục ăn sung mặc sướng ở Sài Gòn: trong các tiệm café, trên xe Honda, bên cạnh bể bơi ở Cercle Sportif trong khi con trai của các gia đình nghèo bỏ mạng ở Quảng Trị, An Lộc, Xuân Lộc và nhiều nơi khác.

Quang cảnh bên trong tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn trong những ngày cuối tháng 4 năm 1975. Ảnh: Randy Smith
“Nhìn đi, tôi đây mà… cho tôi vào, làm ơn… cảm ơn nhiều… xin chào, tôi đây mà!”, tiếng la lối chói tai ở phía sau đám đông bên ngoài cổng là của Trung tướng VNCH Đặng Văn Quang, kẻ được cả người Mỹ và người Việt xem là một trong những trùm đầu cơ lớn nhất và giàu nhất miền Nam Việt Nam.
Tay lính gác cầm danh sách những người được cho vào, trên đó có tên tướng Quang. Một cách cẩn trọng, anh ta giúp tên quan chức to béo di chuyển qua hàng chấn song cao hơn 4m và sau đó đón lấy 3 chiếc túi Samsonite của ông ta.
Vào được bên trong ông ta nhẹ nhõm quay đầu bước đi ngay, bỏ lại đằng sau đứa con 20 tuổi đang chật vật vô vọng trong đám đông. Hai cọc tiền đô la lòi ra từ túi ngực áo khoác của tướng Quang. Khi họ chỉ cho ông ta, ông ta liền nhét trở lại và cười. Đối với người Mỹ, Tướng Quang được biết tới với tên gọi “Giggles” (Khúc khích) và General Fats (Tướng Béo).
Không khí bên trong khu phức hợp đại sứ quán giữa những người Mỹ như lễ hội. Họ ngồi xổm trên bãi cỏ quanh bể bơi với champagne đặt trong xô đá vơ vét từ nhà hàng của đại sứ quán, và họ hò reo; một thanh niên đội mũ kiểu Tây phun rượu vào người khác và hai tay thợ cơ khí vui vẻ hát theo giai điệu của “The Camp Town Races”:
We’re goin’ home in freedom birds,
Doo dah, doo dah;
We ain’t goin’ home in plastic bags,
Oh doo dah day.
“Thế là sau 10 năm thì tôi đến được đây”, Warren Parker gần như nói trong nước mắt, “Có nhìn thấy gã đằng kia không? Ông ta là quan chức cảnh sát quốc gia… không khác gì một kẻ tra tấn”.
Cho tới buổi sáng hôm đó, Warren Parker là lãnh sự của Mỹ ở Mỹ Tho – một người lặng lẽ, rụt rè. Anh ta đã dành suốt 10 năm ở Việt Nam để tìm cách “cố vấn” cho người Việt và luôn tự hỏi vì sao có nhiều người không muốn nhận những lời khuyên của mình. Parker và tôi đi về phía nhà hàng bên cạnh bể bơi và chôm lấy một chai Taylor New York ướp lạnh. Ly đã hết nhẵn nên chúng tôi tu thẳng từ chai.

“Tôi sẽ nói với anh điều này”, anh ta nói bằng giọng Georgia nhẹ nhàng, “Nếu có một khoảnh khắc đối diện với sự thật thì đó là hôm nay. Tất cả những năm tháng tôi ở dưới đó, làm việc vì đất nước mình và đất nước này, thì hôm nay, tất cả những gì tôi thấy là chúng ta đã thành công trong việc tách người tốt với những kẻ cặn bã… và chúng ta thu về những kẻ cặn bã”.
Chiếc trực thăng sơ tán đầu tiên đã tới Tân Sơn Nhất và những người đang chờ ở trung tâm giải trí, thể thao hỗn loạn. Họ tràn ra đường băng khi hai chiếc C-130 tìm cách đáp xuống. Cơn hoảng loạn của họ đã đặt dấu chấm hết cho hy vọng sơ tán có trật tự bằng máy bay thông thường.

3h15 chiều, Graham Martin bước ra khỏi thang máy sứ quán, đi qua tiền sảnh và bước vào khu phức hợp. Những chiếc trực thăng lớn vẫn chưa tới và gốc cây me không thấp hơn là bao dù đội thủy quân lục chiến và cao bồi điên cuồng cưa chặt.
Chiếc Cadillac của Martin đang đợi sẵn, và trước sự bàng hoàng của nhân viên sứ quán, nó chạy về phía cổng, nơi đang bị bao vây. Tay lính gác cổng không tin nổi vào mắt mình. Chiếc Cadillac dừng lại, tay lính gác khoát tay vào không trung và chiếc xe lùi lại. Viên đại sứ bước ra và băng qua gốc cây me với những gã cao bồi.
“Tôi sẽ về nhà riêng thêm một lần nữa”, Martin tuyên bố, “Tôi sẽ tự do đi lại trong thành phố này. Tôi sẽ rời Việt Nam khi Tổng thống ra lệnh”. Martin rời sứ quán bằng cửa bên, chen qua đám đông và đi về nhà, cách đó 4 tòa. Sau 1 tiếng rưỡi, ông ta quay trở lại với con chó poodle của mình – Nitnoy và anh giúp việc người Việt.
Lúc này người ta bắt đầu trèo qua tường. Những binh lính thủy quân lục chiến được lệnh không dùng súng. Họ đã thức suốt đêm và dùng methedrine (Methamphetamine: ma túy tổng hợp -ND) – để “phê” suốt 24 giờ đồng hồ trước khi cơ thể muốn ngủ nghỉ. Nhưng methedrine rồi cũng hết tác dụng và một vài người bắt đầu có triệu chứng.
Khi chiếc trực thăng Chinook đầu tiên đáp xuống, cánh quạt của nó chém vào cây me, cành nhánh đứt vụn nghe như tiếng đạn bắn. “Cúi xuống! Cúi xuống”, một tay hạ sĩ phê thuốc la hét về phía dòng người đang áp vào tường chờ đến lượt sơ tán, cho tới khi một sĩ quan đến vỗ về gã ta.

Trực thăng Mỹ thực hiện công tác di tản ở bên trong Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn vào 30/4/1975. Ảnh: Nik Wheeler/Corbis
Sức chứa của trực thăng là 50 người nhưng nó chở theo tới 70 người. Kỹ năng của phi công thật đáng kinh ngạc. Anh ta cất cánh thẳng đứng lên độ cao 60m giữa lúc đạn bắn vào cánh quạt và tài liệu xé vụn của đại sứ quán cuốn vào luồng gió.
Thế nhưng không phải tất cả tài liệu đều được xé vụn, một số vẫn còn bị bỏ lại ở khu phức hợp trong những chiếc túi nhựa. Tôi có một trong số này. Trên đó ghi ngày 25/5/1969 và đề “Tối mật… Biên bản ghi nhớ từ John Paul Vann, chống chiến tranh du kích”:
… 900 nhà ở Châu Đốc đã bị phá hủy bởi các cuộc không kích của Mỹ mà không có bằng chứng cho thấy một kẻ thù nào bị tiêu diệt… Việc hỏa lực thân thiện của Mỹ tàn phá ấp này là một sự kiện mà người dân còn sống sẽ mãi ghi nhớ và không bao giờ tha thứ…

Từ lò lửa rừng rực trên nóc sứ quán, tiền bay ra như mưa: những tờ 20, 50, 100 đô-la. Hầu hết đều bị cháy xém, chỉ có một số là không. Những người Việt đang chờ quanh bể bơi kinh ngạc; những tay cựu bộ trưởng, tướng tá, những kẻ tra tấn… tranh nhau giành lấy khoản “tiền thưởng” đang bay giữa trời.
Một quan chức sứ quán cho biết, hơn 5 triệu đô-la đã bị đốt. “Tất cả két sắt trong đại sứ quán đều được vét sạch và khóa lại”, tay quan chức nói, “để lừa những người da vàng khi chúng tôi rời đi”.

Ít nhất 1.000 người vẫn ở bên trong đại sứ quán, chờ được di tản, mặc dù phần lớn những nhân vật nổi tiếng, như Quang “khúc khích” đã lên những chiếc trực thăng đầu tiên.
Bên trong đại sứ quán, bọt champagne vương trên những chiếc bàn bóng loáng, trong khi một số nhân viên sứ quán tìm cách tiêu hủy văn phòng của chính mình, đập vỡ các cây làm mát nước, đổ rượu Scotch xuống thảm, gạt đổ tranh treo tường.
Trong một văn phòng trên tầng ba, ảnh cố Tổng thống Johnson bị nhét vào thùng trong khi trích dẫn đóng khung từ bộ phim Lawrence of Arabia vẫn được để lại trên tường. Trích dẫn đề: “Tốt nhất nên để họ làm một cách không hoàn hảo, còn hơn tự mình làm một cách hoàn hảo, vì đó là đất nước của họ, cuộc chiến của họ và thời gian của anh thì ngắn ngủi”.
Gần tới nửa đêm, khu phức hợp sứ quán được thắp sáng bởi đèn pha của những chiếc ô tô, và trực thăng giờ mỗi chiếc chở tới 90 người. Martin Garrett, người đứng đầu lực lượng an ninh, tập hợp tất cả những người Mỹ còn lại. Những người Việt đang chờ đợi cảm thấy có chuyện gì đó. Một đại úy thủy quân lục chiến đảm bảo với họ rằng Đại sứ Martin đã hứa sẽ là người cuối cùng rời đi.
Tất nhiên đó là một lời nói dối.
2h30 sáng 30/4, Kissinger điện cho Martin và bảo ông ta chấm dứt cuộc sơ tán lúc 3h45. Sau nửa tiếng, Martin xuất hiện với một chiếc ca-táp, một chiếc túi đựng áo và quốc kỳ Mỹ gập gọn trong bao đựng. Ông ta lặng lẽ lên tầng 6, nơi một chiếc trực thăng đang chờ sẵn.
“Lady Ace 09 đang ở trên không với Mã Hai”. “Mã Hai” là mật danh chỉ đại sứ Mỹ. Lời thông báo chóng vánh đồng nghĩa với việc cuộc xâm lược của Mỹ ở Đông Dương đã chấm dứt. Khi chiếc trực thăng của Martin vòng qua Đường 1, ông ta có thể thấy đèn pha từ những chiếc xe tải của QĐNDVN đang chờ sẵn.

Đại sứ Mỹ Graham Martin trả lời phỏng vấn báo giới sau khi rời khỏi Sài Gòn ngày 29/4/1975. Ảnh: Dirck Halstead/Getty Images
Những lính thủy quân lục chiến cuối cùng lên tới nóc và phun hơi cay về phía cầu thang. Họ có thể nghe thấy tiếng kính vỡ và tiếng những cựu đồng minh tuyệt vọng tìm cách mở những chiếc két sắt rỗng không.
Những tay lính kiệt sức và bắt đầu hoảng loạn; chiếc trực thăng cuối cùng vẫn chưa đến mà đã quá bình minh.
Ba tiếng đồng hồ sau đó, khi mặt trời chiếu rọi thành phố, xe tăng treo cờ của quân Giải phóng tiến vào trung tâm Sài Gòn. Những người lính giải phóng hân hoan không hề tỏ ra đe dọa, cũng không nổ súng. Một trong số họ nhảy xuống, trải rộng chiếc bản đồ lên xe tăng và hỏi người bên đường, “Xin hãy chỉ cho chúng tôi đường tới dinh tổng thống. Chúng tôi không biết rõ Sài Gòn”.
Những chiếc xe tăng tiến vào quảng trường Lam Sơn, di chuyển dọc theo đường Tự Do, đi qua nhà thờ và húc đổ cổng phụ dinh tổng thống – nơi Big Minh và nội các của ông ta đang chờ đầu hàng.
Ngoài phố, lính VNCH cởi bỏ quân phục, giày ủng và hòa mình vào đám đông. Không hề có một cuộc tắm máu nào. Khi những kẻ xâm lược rút đi, Việt Nam lại là một quốc gia thống nhất. Cuộc chiến dài nhất trong thế kỷ 20 đã chấm dứt.

Xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Ảnh: Francoise De Mulder/Roger Viollet/Getty Images

(lược dịch từ The Last Day của John Pilger)
Đọc bài gốc tại đây.