Trang chủ Giải tríHậu trường Nhạc sĩ Phạm Tuyên và ca khúc khiến hàng vạn người cùng nghe trong ngày 30/4/1975

Nhạc sĩ Phạm Tuyên và ca khúc khiến hàng vạn người cùng nghe trong ngày 30/4/1975

bởi Admin
0 Lượt xem

Hai tiếng sáng tác cộng với cả cuộc đời

Nhà báo Phạm Hồng Tuyến – con gái thứ hai của nhạc sĩ Phạm Tuyên – giúp cha chia sẻ nhiều điều về tác phẩm vượt thời gian. Nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác Như có Bác trong ngày đại thắng vào tối 28/4/1975, tại ban công khu tập thể Khương Thượng (Hà Nội).

Tối hôm ấy, vừa nghe bản tin thời sự, nhạc sĩ Phạm Tuyên linh cảm chẳng còn bao lâu nữa Sài Gòn và cả miền Nam sẽ được giải phóng. Theo lời kể của người thân, đêm ấy ông bồi hồi khác thường, cầm mẩu giấy và chiếc bút chì ra ngoài để không đánh thức vợ con.

Ông ghi xong cả giai điệu và lời ca của bài Như có Bác trong ngày đại thắng trong khoảng 2 giờ đồng hồ. Chi tiết đó cũng được kể rất kỹ trong hồi ký của vợ ông là PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết.

- Ảnh 1.
- Ảnh 2.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên và con gái trong cuộc trò chuyện với PV Tiền Phong .

“Bài hát được sáng tác trong 2 tiếng, nhưng phải cộng với cả cuộc đời ông”, con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên nói. Ca khúc ra đời từ phút dự cảm của nhạc sĩ, cộng hưởng với biết bao dồn nén, hy vọng suốt 30 năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông.

Chiều 30/4/1975 , Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam cùng một số nghệ sĩ thuộc Giao hưởng Hợp xướng dàn dựng và thu ngay ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng để kịp phát trong bản tin công bố tin chiến thắng. Ca khúc sau đó nổi tiếng cả ở Đức, Cuba, Trung Quốc, Nhật Bản…

“Hàng chục triệu người vừa nghe, vừa khóc, vừa nhẩm theo, học thuộc khi loa phóng thanh phát đi bài đó trên mọi đường phố, làng quê của đất nước. Sự ra đời của bài hát cũng đáng ghi nhớ, vì nó gặp được “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” như tác giả của nó đã từng nhận định” – trích hồi ký Chúng tôi đã sống như thế (PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết)

Chị Phạm Hồng Tuyến tiết lộ nhạc sĩ Phạm Tuyên khéo léo sắp xếp giai điệu và lời sao cho người nước ngoài cũng hát được câu Việt Nam – Hồ Chí Minh đúng thanh điệu tiếng Việt.

Như có Bác trong ngày đại thắng cùng hàng trăm ca khúc trong gia tài đồ sộ của nhạc sĩ Phạm Tuyên được lưu lại trong cuốn sách chép tay. Con gái bật mí đó là báu vật của nhạc sĩ. Mỗi bản nhạc đều được ông chú thích cẩn thận, bổ sung thông tin theo từng năm. Có trang ông còn vẽ minh họa hình hoa phượng, cột đèn giao thông… theo tiêu đề bài hát. Mục lục sách ông cũng tự tay viết. Riêng trang Như có Bác trong ngày đại thắng, ông đóng khung dòng chữ “Huân chương Lao động 3 do Hội đồng Nhà nước tặng ngày 30/4/1985”.

- Ảnh 3.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên ghi xong cả giai điệu và lời ca của bài Như có Bác trong ngày đại thắng trong khoảng 2 giờ đồng hồ.

“Bố tôi từng là cán bộ phụ trách văn – thể – mỹ tại Khu học xá Trung ương (Trung Quốc). Nếu không là nhạc sĩ, biết đâu ông lại làm họa sĩ”, chị Phạm Hồng Tuyến nói.

Thấy cuốn “bảo bối” của nhạc sĩ Phạm Tuyên có nguy cơ hư hỏng theo thời gian, con gái giấu ông mang sách đi phục chế. Đó cũng là món quà sinh nhật bất ngờ mà gia đình tặng cho ông vài năm trước.

Chuyện giản dị về những sáng tác của nhạc sĩ Phạm Tuyên

Chị Phạm Hồng Tuyến cho biết không chỉ các tổ chức, đoàn thể mà những người dân bình thường và các cháu thiếu nhi cũng thường xuyên đến thăm nhạc sĩ Phạm Tuyên. Những ngày này, căn nhà tập thể của ông lại càng đông đúc vì khách đến chơi, tâm sự cùng gia đình nhân dịp bài Như có Bác trong ngày đại thắng tròn 50 tuổi.

Quan điểm của gia đình tôi là để âm nhạc được đến gần nhất với khán giả. Cả tôi và mẹ đều viết nhiều về những sáng tác của bố. Mẹ tôi viết theo cách của một nhà khoa học, còn tôi kể chuyện theo hướng dí dỏm hơn. Tuy nhiên, những câu chuyện đều cho thấy sự giản dị, không đao to búa lớn. Có lẽ đó cũng là phong cách sáng tác của bố tôi”, chị Tuyến tâm sự.

- Ảnh 4.
- Ảnh 5.
- Ảnh 6.
- Ảnh 7.

Bên trong phòng khách của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Bất cứ khi nào nhắc đến những bài hát thiếu nhi của ông, chị Phạm Hồng Tuyến luôn thể hiện niềm hạnh phúc và tự hào khi là nhân vật chính trong từng bài hát, trở thành tuổi thơ của các bạn nhỏ.

Ca khúc Trường của cháu là trường mầm non cũng ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt và rất đáng nhớ với chị Phạm Hồng Tuyến. Khi ấy, nhạc sĩ Phạm Tuyên nhận được lời đề nghị sáng tác một bài hát cho trường mầm non của con gái. Nhưng vào thời điểm đó, ông chưa từng viết nhạc cho lứa tuổi mầm non nên còn khá băn khoăn.

Cuối cùng, con gái ra “tối hậu thư”, nói sẽ không đi học nếu bố không viết. Cuối cùng, nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác Trường của cháu là trường mầm non – ca khúc thân thuộc của thiếu nhi.

Ở tuổi ngoài 90, nhạc sĩ Phạm Tuyên đi lại có phần khó khăn, cần người dìu. Con gái kể ông ngại chống gậy vì “sợ mất hình tượng”. Năm 2024, ông bị ngã trong phòng, phải đi cấp cứu. Các bác sĩ ở Bệnh viện Việt Đức xác định ông chỉ bị chấn thương phần mềm, khâu một số mũi trên trán. Do tuổi cao, nhạc sĩ phải nằm viện theo dõi kỹ.

Hiện tại, nhạc sĩ chủ yếu nghỉ ngơi tại phòng riêng. Ông vẫn duy trì thói quen đọc sách, báo, xem tin tức mỗi ngày. “TV là thứ không thể thiếu với ông. Ông cũng rất thích đọc báo giấy. Đó là thói quen được giữ gìn suốt nhiều năm qua”, con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên nói.

- Ảnh 8.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên và con gái – nhà báo Phạm Hồng Tuyến.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh năm 1930, quê ở Bình Giang, Hải Dương. Thuở nhỏ, ông theo cha – Phạm Quỳnh, chủ bút báo Nam Phong vào Huế. Ở đây, tâm hồn ấu thơ của Phạm Tuyên chìm đắm trong âm thanh nhã nhạc cung đình và học nhạc lý phương Tây ở trường Quốc học.

Sau khi học tại Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, ông làm cán bộ phụ trách văn – thể – mỹ tại Khu học xá Trung ương (Trung Quốc). Nhạc sĩ Phạm Tuyên từng công tác tại Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam, làm Trưởng đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam rồi Trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam. Từ năm 1983 đến 1994, ông công tác tại Ủy ban Phát thanh Truyền hình, Bộ Văn hóa – Thông tin.

Ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012. Nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác gần 700 tác phẩm, trong đó có 200 bài hát dành cho thiếu nhi. Ông được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng danh hiệu “Người có nhiều bài hát thiếu nhi được phổ biến nhất”.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan