Lời tiên tri của cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình
“Trung Đông có dầu mỏ, Trung Quốc có đất hiếm” — tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc bấy giờ là Đặng Tiểu Bình trong chuyến thăm Nội Mông năm 1992 — đã trở thành lời tiên tri mang tầm nhìn chiến lược.
Khi đó, Đặng Tiểu Bình hình dung về một Trung Quốc thống trị thế giới đất hiếm, giữ quyền lực tương tự như Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nắm giữ với vàng đen.
Ý tưởng đó không chỉ đơn thuần là khai thác đất hiếm. Đó là tham vọng định hình cả tương lai chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
Hiện nay, Trung Quốc giữ vai trò trung tâm trong ngành công nghiệp đất hiếm, nhưng sức mạnh thực sự của nước này không nằm chủ yếu ở khai thác thô, mà ở khâu trung gian — tinh chế và chế biến.
Hầu hết các công ty và quốc gia khai thác đất hiếm đều phải vận chuyển nguyên liệu thô tới Trung Quốc để chế biến, trao cho Bắc Kinh quyền kiểm soát gần như tuyệt đối đối với tiếp thị và định giá toàn cầu.
Giống như cách than đá từng củng cố sức mạnh cho Anh và nhiên liệu hóa thạch giúp Mỹ vươn lên vị trí thống trị, ngày nay, cuộc đua kiểm soát nguồn cung đất hiếm chiến lược đang trở thành ranh giới mới trong cuộc cạnh tranh quyền lực toàn cầu.
Trong thế giới ngày nay, các công nghệ hiện đại như chất bán dẫn, máy bay không người lái và xe điện đều dựa vào nguyên liệu đất hiếm và sự thống trị trong các lĩnh vực này sẽ ngày càng quyết định ưu thế kinh tế và quân sự toàn cầu.
Tính đến năm 2023, Trung Quốc kiểm soát 99% nguồn cung đất hiếm nặng và khoảng 90% tổng sản lượng nam châm đất hiếm toàn cầu. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IEA), Trung Quốc hiện nắm giữ khoảng 61% công suất sản xuất và khoảng 90% công suất chế biến đất hiếm, cho phép nước này kiểm soát hoàn toàn chuỗi cung ứng trong ngành và quyết định doanh nghiệp nào được tiếp cận nguyên liệu. |

Đất hiếm xuất hiện trong hầu hết mọi hình thức công nghệ quốc phòng của Mỹ. Chúng có thể tạo thành nam châm siêu mạnh được sử dụng trong chiến đâu cơ, tàu chiến, tên lửa, xe tăng và tia laser. Ảnh: NYT
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến thuế quan, nâng mức thuế nhập khẩu lên tới 145%, Bắc Kinh đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm nặng sang Mỹ, Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách cấm xuất khẩu các loại đất hiếm nặng sang Mỹ — những nguyên tố không chỉ thiết yếu đối với hệ thống quốc phòng mà còn là nền tảng cho vị thế dẫn đầu công nghệ cao của Mỹ.
Các chuyên gia nhận định, động thái của Trung Quốc — quốc gia đã mất nhiều thập kỷ xây dựng vị thế thống trị thị trường đất hiếm — chuyển sang áp dụng hệ thống cấp phép kiểm soát xuất khẩu có thể gây ra những cú sốc nghiêm trọng cho chuỗi cung ứng toàn cầu, dù mức độ thực tế của tác động này vẫn còn chưa rõ ràng.
Thomas Kruemmer, tác giả của blog Rare Earth Observer, cho biết các loại đất hiếm nằm trong danh sách hạn chế của Trung Quốc là những nguyên tố mà Bắc Kinh gần như hoàn toàn chiếm ưu thế. Những loại đất hiếm này được lựa chọn “để gây tác động mạnh mẽ nhất đến tổ hợp công nghiệp-quân sự của Mỹ”.
David Merriman, Giám đốc nghiên cứu tại công ty tư vấn Project Blue, cho biết Bắc Kinh áp dụng các hạn chế xuất khẩu đối với những loại đất hiếm cụ thể mà nước này kiểm soát gần như tuyệt đối. Điều này giúp Trung Quốc tạo ra khả năng gián đoạn tối đa đối với chuỗi cung ứng toàn cầu của các nguyên tố quan trọng này.
Ông này nhấn mạnh thêm, động thái này không chỉ là chiến thuật đàm phán trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đang leo thang mà còn giúp bảo vệ các nhà sản xuất nam châm trong nước của Trung Quốc, đồng thời làm suy yếu khả năng cạnh tranh của Mỹ trong lĩnh vực xe điện, điện tử và máy tính.
Cục Khảo sát Địa chất Mỹ hồi tháng 3 cho biết, Trung Quốc hiện dẫn đầu sản xuất 30 trong tổng số 44 khoáng sản quan trọng, từ asen đến vonfram. Trong một nghiên cứu trước đó, cơ quan này cũng cảnh báo rằng những vật liệu có nguy cơ thiếu hụt cao nhất gồm gali (quan trọng đối với chất bán dẫn và kính nhìn ban đêm), coban (kim loại chủ yếu dùng trong ngành hàng không vũ trụ và pin) và neodymium (đất hiếm “nhẹ” dùng trong nam châm vĩnh cửu).
Mick Davis, cựu Giám đốc Xstrata và hiện là người đứng đầu Vision Blue Resources — một nhà đầu tư trong ngành khoáng sản quan trọng — phát biểu tại một hội nghị ở Washington vào tháng này rằng Trung Quốc đang có lợi thế chiến lược và cạnh tranh rõ rệt nhờ vào việc đầu tư mạnh vào hoạt động chế biến trong lãnh thổ của mình.
Ông nhận định: “Phương Tây, Châu Âu và Mỹ đã ngủ quên trong khi điều này đang diễn ra.”
Thách thức của quân đội Mỹ
Trên các máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ, nam châm làm từ đất hiếm — được khai thác hoặc chế biến tại Trung Quốc — là thiết yếu để khởi động động cơ và cung cấp năng lượng khẩn cấp.
Trong các tên lửa đạn đạo dẫn đường của quân đội Mỹ, nam châm chứa vật liệu đất hiếm từ Trung Quốc điều khiển các vây đuôi, giúp tên lửa nhắm chính xác vào các mục tiêu nhỏ hoặc di chuyển.
Và đối với các máy bay không người lái chạy bằng điện và pin mới được Thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng, nam châm đất hiếm đóng vai trò không thể thiếu trong các động cơ điện nhỏ gọn.
Các chuyên gia công nghiệp và quốc phòng Mỹ cho biết, quyết định trả đũa việc Tổng thống Trump tăng thuế mạnh, bằng cách ra lệnh hạn chế xuất khẩu nhiều loại khoáng sản và nam châm quan trọng của Trung Quốc là một lời cảnh báo đối với an ninh quốc gia Mỹ.
Khi tuyên bố yêu cầu giấy phép xuất khẩu đặc biệt đối với sáu loại kim loại đất hiếm nặng (được tinh chế hoàn toàn tại Trung Quốc), cùng với nam châm đất hiếm (90% sản xuất tại Trung Quốc), Bắc Kinh muốn cảnh báo Lầu Năm Góc rằng một lượng lớn vũ khí của Mỹ hiện phụ thuộc vào Trung Quốc.
Gracelin Baskaran, Giám đốc Chương trình An ninh Khoáng sản quan trọng thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết: “Quyết định này có hậu quả vô cùng to lớn đối với an ninh quốc gia của [Mỹ]”.
Một quan chức Không quân Mỹ mô tả động thái của Bắc Kinh như một “phát súng cảnh cáo”, cho thấy Trung Quốc có thể gây tổn thất nặng nề đến mức nào nếu quyết định ra tay. Bắc Kinh hoàn toàn có thể mở rộng từ hạn chế cấp phép sang áp thuế, áp dụng hạn ngạch hoặc thậm chí ban hành lệnh cấm xuất khẩu hoàn toàn.
Đất hiếm — nhóm gồm 17 nguyên tố như neodymium, yttrium, scandium và dysprosium — tuy không thực sự hiếm trong tự nhiên, nhưng lại rất khó tách chiết thành dạng tinh khiết có thể sử dụng. Khai thác và tinh luyện đất hiếm không chỉ phức tạp, mà còn yêu cầu chi phí môi trường cực kỳ lớn, khiến nguồn cung càng trở nên khó khăn.
Đất hiếm hiện diện trong hầu hết mọi công nghệ quốc phòng chủ chốt của Mỹ. Chúng được sử dụng để chế tạo các loại nam châm siêu mạnh, phục vụ trong máy bay chiến đấu phản lực, tàu chiến, tên lửa, xe tăng và hệ thống laser. Yttrium, một nguyên tố đất hiếm, đặc biệt quan trọng trong lớp phủ động cơ phản lực, giúp tạo nên hàng rào nhiệt chịu được nhiệt độ cực cao, ngăn cánh tua-bin bị nóng chảy trong quá trình bay.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, mỗi chiếc tiêm kích F-35 chứa khoảng 900 pound vật liệu đất hiếm, trong khi một số tàu ngầm cần tới hơn 9.200 pound vật liệu để hoạt động.
Trong toàn bộ ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, các công ty vũ trụ và sản xuất vũ khí chỉ duy trì lượng dự trữ đất hiếm — nhóm 17 nguyên tố thiết yếu — ở mức đủ dùng trong vài tháng, chứ không phải nhiều năm, theo các nhà phân tích trong ngành.
Lầu Năm Góc cũng sở hữu một số kho dự trữ đất hiếm, nhưng một quan chức thừa nhận rằng lượng này không đủ để duy trì hoạt động của các tập đoàn quốc phòng một cách lâu dài nếu nguồn cung bị gián đoạn.
Doanh nhân Aaron Jerome tại Lipmann Walton and Co., một công ty kinh doanh kim loại có trụ sở tại Anh, cho biết: “Trung Quốc khai thác và tinh chế hầu hết đất hiếm trên thế giới và thống trị chuỗi cung ứng hạ nguồn”.
Theo ông, sự thống trị chuỗi cung ứng cho phép Bắc Kinh có ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất các loại vũ khí phụ thuộc vào đất hiếm, trao cho nước này đòn bẩy quyền lực lớn đối với nền công nghiệp quốc phòng Mỹ.
(Theo Financial Times, ABC News, The New York Times)
Đọc bài gốc tại đây.