Hãng thông tấn Cộng hòa Hồi giáo (IRNA) của Iran đưa tin, ít nhất 40 người đã thiệt mạng và 1.200 người bị thương trong vụ nổ xảy ra tại cảng Bandar Abbas vào ngày 26/4.
IRNA cho biết nguyên nhân của vụ nổ có khả năng là do các thùng chứa hóa chất nhưng không nêu chi tiết, đồng thời đưa tin rằng đó có thể là hành động phá hoại.
Lính cứu hỏa làm việc khi khói đen bốc lên trời sau vụ nổ lớn làm rung chuyển một cảng gần thành phố Bandar Abbas, phía nam Iran, vào ngày 26/4/2025. Ảnh: IRNA
Tuy nhiên, theo tờ New York Times và công ty an ninh tư nhân Ambrey (Anh), vụ nổ là do lưu trữ amoni perchlorate không đúng cách tại cảng.
Hóa chất này có thể được sử dụng làm nhiên liệu đẩy tên lửa. Việc bán amoni perchlorat cho Iran đã bị hạn chế theo lệnh trừng phạt của Mỹ đối với nhà nước Hồi giáo, trang tin Firstpost (Ấn Độ) cho hay.
Trong những trận không chiến giữa Israel và Iran thời gian gần đây, bên cạnh việc phá hủy hầu hết các hệ thống phòng không của Iran, Israel cũng đã làm suy giảm đáng kể năng lực sản xuất tên lửa của nước này.
Theo hãng tin CNN (Mỹ), vào đầu năm nay, ít nhất hai tàu có tên Golbon và MV Jairan đã đến Iran từ Trung Quốc, chở theo hơn 1.000 tấn amoni perchlorate theo lệnh của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Chuyên trang về vận tải biển Maritime Executive (Mỹ) đưa tin rằng lượng hàng hóa kết hợp của hai tàu “đủ để cung cấp nhiên liệu cho khoảng 250 tên lửa Khybar-Shikan và Fattah tầm trung, hoặc tên lửa Fateh-110 và Zolfaghar tầm ngắn hơn, hoặc các tên lửa tương đương của lực lượng Houthi”.
Đầu tháng 1/2025, khi lần đầu tiên có báo cáo về việc Trung Quốc cung cấp amoni perchlorat cho Iran, cựu chuyên gia phân tích của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Dennis Wilder đã nói với tạp chí Financial Times (Anh) rằng Trung Quốc có lịch sử lâu dài về việc cung cấp vũ khí cho Iran kể từ những năm 1980 khi nước này cung cấp tên lửa chống hạm Silkworm trong cuộc chiến tranh Iran – Iraq.
“Kể từ đầu những năm 1990, Trung Quốc đã hỗ trợ quân đội Iran rất nhiều trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và đã cung cấp chuyên môn, công nghệ, phụ tùng và đào tạo”, Wilder – hiện là trợ lý giáo sư tại Trường Dịch vụ Đối ngoại thuộc Đại học Georgetown (Mỹ) – nói.
Theo chuyên gia này, động cơ hiện tại của Trung Quốc trong việc bí mật hỗ trợ Iran sản xuất tên lửa là để củng cố mục tiêu chung chống lại trật tự thế giới do Mỹ đứng đầu, cũng như đổi lại việc Bắc Kinh đã mua một lượng lớn dầu thô giảm giá của Iran hàng năm.
Theo Firstpost
Đọc bài gốc tại đây.