Trang chủ Đời sống Chùm ảnh hàng loạt thành phố lớn ở châu Âu tê liệt vì mất điện “chưa từng có”: Giao thông hỗn loạn, sân bay ngừng hoạt động, dịch vụ điện thoại và ATM “chết đứng”

Chùm ảnh hàng loạt thành phố lớn ở châu Âu tê liệt vì mất điện “chưa từng có”: Giao thông hỗn loạn, sân bay ngừng hoạt động, dịch vụ điện thoại và ATM “chết đứng”

bởi Admin
0 Lượt xem

Ngày 28/4, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha bất ngờ phải đối mặt với sự cố mất điện diện rộng chưa rõ nguyên nhân, khiến cuộc sống của khoảng 50 triệu người trên bán đảo Iberia bị đảo lộn. Cả hai nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp, tổ chức họp khẩn cấp trong bối cảnh giao thông hỗn loạn, sân bay tê liệt và hệ thống điện thoại, tàu điện ngầm, ATM đều ngừng hoạt động.

Sự cố mất điện chưa từng có

Nhà điều hành lưới điện Bồ Đào Nha, Redes Energéticas Nacionais (REN), cho biết sự cố xảy ra ngay sau buổi trưa, làm mất điện trên toàn bộ bán đảo Iberia và một số vùng của Pháp.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez cũng đã xác nhận chính quyền vẫn chưa rõ nguyên nhân của vụ việc. Đồng thời, phía Giám đốc điều hành Red Eléctrica, ông Eduardo Prieto, gọi đây là sự cố “hy hữu và bất thường”.

Một ga tàu điện ngầm tối tăm ở Madrid (Ảnh: Burak Akbulut/Anadolu/Getty)

Điện áp đã dần được khôi phục tại các khu vực phía bắc, nam và tây của bán đảo từ chiều tối. Tuy nhiên, Red Eléctrica cảnh báo quá trình khôi phục hoàn toàn có thể mất từ 6 đến 10 giờ.

Sự hỗn loạn bao trùm nhiều thành phố lớn

Tại Madrid (Tây Ban Nha) đèn giao thông ngừng hoạt động gây ùn tắc lớn. Người dân mô tả cảnh tượng các phương tiện lao nhanh qua các giao lộ không có tín hiệu đèn tựa như đang “lái xe vào rừng rậm”.

“Tôi đang lái xe thì mọi đèn giao thông đồng loạt tắt. Một chiếc xe buýt lớn lao tới và tôi phải tăng tốc mới tránh được.” – Luis Ibáñez Jiménez, tài xế ở Madrid, chia sẻ với CNN.

Hành khách đứng cạnh một chuyến tàu bị dừng gần Cordoba (Ảnh: Javier Soriano/AFP/Getty Images)

Tình hình tương tự xảy ra tại Lisbon (Bồ Đào Nha) – nơi các nhà ga đóng cửa và hành khách phải ngồi ngoài trời. Tại sân bay Humberto Delgado của Lisbon, trong 50 phút không có chuyến bay nào cất hoặc hạ cánh. Các cửa hàng chỉ chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt. Hãng hàng không quốc gia TAP Air Portugal yêu cầu người dân không đến sân bay cho đến khi có thông báo mới.

Các chuyến tàu điện ngầm tại Madrid, Barcelona và Lisbon bị ngừng hoạt động. Video cho thấy các toa tàu mắc kẹt giữa đường hầm trong bóng tối.

Một nhà ga tàu điện ngầm ở Madrid đã bị đóng cửa, nhiều hành khách mắc kẹt (Ảnh: Susana Vera/Reuters)

Nhiều hành khách buộc phải ngủ tạm trong các ga tàu điện ngầm do “không còn nơi nào để đi”

Nhiều sân bay đã phải hứng chịu cảnh hỗn loạn khi hàng loạt chuyến bay bị hủy

Tại Madrid, lực lượng cứu hỏa đã thực hiện tới 174 cuộc giải cứu những người bị kẹt trong thang máy, theo Văn phòng Thông tin Khẩn cấp địa phương.

Các bệnh viện ở cả Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha kích hoạt chế độ dự phòng, vận hành bằng máy phát điện để đảm bảo dịch vụ y tế thiết yếu.

Tiền mặt lập tức trở thành phương tiện thanh toán chủ yếu do mạng thanh toán thẻ ngừng hoạt động. Cảnh sát dùng tay chỉ đạo giao thông tại các ngã tư lớn. Người dân đổ xô đi mua radio chạy bằng pin và đồ hộp dự trữ.

Chính phủ hai nước phản ứng khẩn cấp

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez đã đến trụ sở Red Eléctrica để theo dõi tình hình cũng như quá trình khắc phục tình trạng mất điện trên diện rộng. Hội đồng An ninh Quốc gia Tây Ban Nha được triệu tập bất thường.

Bộ Nội vụ Tây Ban Nha đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở các vùng Andalucia, Extremadura, Murcia, La Rioja và Madrid. Thị trưởng Madrid José Luis Martinez-Almeida yêu cầu người dân hạn chế di chuyển, chỉ gọi dịch vụ khẩn cấp khi cần thiết, đồng thời đề nghị chính phủ trung ương triển khai quân đội.

Tại Bồ Đào Nha, Nội các triệu tập cuộc họp khẩn tại dinh thủ tướng. Thủ tướng Luis Montenegro cũng tuyên bố nước này rơi vào tình trạng “khủng hoảng năng lượng” và cảnh báo rằng việc phục hồi hoàn toàn lượng điện ổn định là một quá trình phức tạp.

João Faria Conceição, giám đốc điều hành REN, nhấn mạnh rằng sự cố ảnh hưởng nặng nề đến Bồ Đào Nha vì nước này phụ thuộc vào nguồn điện nhập khẩu từ Tây Ban Nha vào ban ngày, khi điện mặt trời Tây Ban Nha rẻ hơn sản xuất trong nước.

Đến thời điểm hiện tại, trong khi Tây Ban Nha đã nhận được hỗ trợ điện từ Pháp và Maroc thì Bồ Đào Nha “không có quốc gia nào để nhờ cậy”.

Cho đến nay, nguyên nhân gây ra sự cố mất điện chưa được xác định. Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Antonio Costa, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha, khẳng định “không có dấu hiệu” cho thấy đây là một cuộc tấn công mạng.

Hậu quả kéo dài

Hai quốc gia, với tổng dân số hơn 60 triệu người, đã phải đối mặt với hậu quả nặng nề.

Theo Bộ trưởng Môi trường Tây Ban Nha Sara Aagesen, đến tối cùng ngày, gần 50% nhu cầu điện quốc gia đã được khôi phục. Các video trên mạng xã hội ghi lại cảnh người dân Bồ Đào Nha reo hò khi điện được bật sáng trở lại.

Người dân mua hàng tại một siêu thị bị mất điện tại Lisbon, Bồ Đào Nha

Tuy nhiên, Bộ trưởng Giao thông Tây Ban Nha cho biết các chuyến tàu đường dài và tầm trung sẽ không hoạt động lại cho đến ít nhất là ngày hôm sau, và tình trạng tồn đọng chuyến bay có thể kéo dài suốt cả tuần.

Năm 2023, Madrid và Barcelona là hai trong số năm sân bay bận rộn nhất Liên minh châu Âu, cho thấy tác động nghiêm trọng của sự cố lần này đối với giao thông hàng không khu vực.

Nguồn: CNN, Daily Mail, Jersey Evening Post

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan