Sáng nay (26/4), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 2 của Ban chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt.
Tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, các tuyến đường sắt tại Hà Nội và TP HCM. Đặc biệt, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu không thay đổi là phải khởi công dự án Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng trong năm 2025 và khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trong năm 2026.
Về vốn, Thủ tướng chỉ đạo huy động đa dạng các nguồn vốn, gồm vốn tự có của Trung ương, địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu của Chính phủ và doanh nghiệp, hợp tác công tư…
Về pháp lý, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thiện Nghị quyết thống nhất các cơ chế đặc thù cho tất cả dự án đường sắt, trình Chính phủ trong tháng 4 và trình Quốc hội trước ngày 5/5.
Về phát triển công nghiệp đường sắt, phục vụ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, phải chuyển giao và làm chủ công nghệ hiện đại; đồng thời quản trị khoa học, thông minh; đào tạo nhân lực chất lượng cao. Bộ Xây dựng và Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có đề án, kế hoạch đào tạo ngắn hạn, trung hạn, dài hạn ở các trình độ công nhân kỹ thuật, kỹ sư, tiến sĩ.
Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục dịch vụ hàng hóa công nghiệp đường sắt và hoàn thành chậm nhất trong nửa đầu tháng 6/2025.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Đề án về phát triển công nghiệp đường sắt; Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng Đề án về phát triển nguồn nhân lực. Thời gian hoàn thành của 2 đề án này là trong quý 2 năm 2025.
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị phải huy động các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân có năng lực công nghệ và sản xuất tham gia các dự án và phát triển công nghiệp đường sắt. Trong đó, Bộ Xây dựng giao các tập đoàn như VNPT, Viettel nghiên cứu tiếp nhận, phát triển, làm chủ công nghệ hệ thống thông tin, tín hiệu và hệ thống điều khiển của các dự án đường sắt.

Thủ tướng yêu cầu phải huy động các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân có năng lực công nghệ và sản xuất tham gia các dự án và phát triển công nghiệp đường sắt. Ảnh: VGP
Với các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP HCM, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là phân cấp, các địa phương vận dụng các cơ chế, chính sách đặc thù đã có trong tổ chức thực hiện, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn thêm nếu có vướng mắc.
Hai tập đoàn hàng đầu về viễn thông và công nghệ thông tin
Viettel và VNPT hiện đang là 2 đơn vị mạnh hàng đầu trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin hiện nay.
Với Viettel, 2024 là năm ấn tượng nhất của tập đoàn với doanh thu 190.000 tỷ đồng, tương ứng với hoàn thành 103% kế hoạch, tăng trưởng 10,3%. Đây cũng là mức tăng cao nhất ngành viễn thông. Trong năm 2024, lợi nhuận trước thuế của Viettel là 51.000 tỷ đồng, đạt 111% kế hoạch, tăng trưởng 11,3%. Viettel đã nộp ngân sách Nhà nước 42,6 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm trước đó. Thu nhập bình quân của cán bộ nhân viên ở Viettel cũng tăng 6%.
Với VNPT, trong năm 2024 là một năm có nhiều khởi sắc, khi báo lãi trước thuế hợp nhất đạt 6.086 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 4.565 tỷ đồng, đạt 103,3% kế hoạch và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước đó.
Tổng doanh thu toàn VNPT trong năm qua đạt 58.540 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu công ty mẹ đạt 41.995 tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong năm qua, VNPT nộp ngân sách nhà nước hợp nhất đạt 5.484 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ dự kiến đạt 4.137 tỷ đồng, đạt 106,4% kế hoạch, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Thủ tướng nêu rõ mục tiêu không thay đổi là phải khởi công dự án Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng trong năm 2025 và khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trong năm 2026. Ảnh AI
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tổng chiều dài 1.541 km từ Hà Nội đến TP.HCM, với tốc độ thiết kế 350 km/giờ. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án này là khoảng 67,34 tỷ USD. Thời gian thực hiện từ năm 2025 – 2035.
Trong khi đó, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, khổ 1.435 mm, vận tải hành khách và hàng hóa. Tổng chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km, tuyến nhánh 27,9 km. Tổng mức đầu tư dự án là 8,36 tỷ USD; giai đoạn 1 đầu tư đường đơn, thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô đường đôi. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2025 – 2030.
Tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn kết nối Hà Nội với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Lạng Sơn, kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc, có tổng chiều dài khoảng 156 km.
Tuyến đường sắt Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái kết nối Hải Phòng với tỉnh Quảng Ninh; kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc, có tổng chiều dài tuyến khoảng 187 km.
Theo Nghị quyết số 188/2025/QH15 của Quốc hội, Hà Nội dự kiến sẽ xây dựng 15 tuyến đường sắt đô thị, trong khi TP HCM dự kiến sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị.
Đọc bài gốc tại đây.