Tại Trung Quốc, không khó để bắt gặp hình ảnh những “căn nhà đinh” – những ngôi nhà cố thủ giữa công trường, đường phố hay khu quy hoạch, vì chủ sở hữu không chấp nhận mức đền bù từ chính quyền. Trong số đó, trường hợp một căn nhà đinh tại Thiên Tân từng gây chú ý suốt hơn một thập kỷ bởi sự cố chấp của gia chủ. Cũng vì ngôi nhà này không chịu di dời, một dự án trọng điểm trị giá hơn 2 tỷ NDT của đất nước tỷ dân đã bị đình trệ trong nhiều năm.
Theo Sohu, năm 2008, trong chiến lược phát triển đô thị, chính quyền thành phố Thiên Tân, Trung Quốc, chính thức khởi động dự án cải tạo hàng loạt khu dân cư cũ kỹ, trong đó có khu phố cổ Bắc Đường với lịch sử hơn 600 năm, nhằm biến nơi đây trở thành điểm đến du lịch và văn hóa. Theo kế hoạch, các công trình cổ sẽ được bảo tồn còn những ngôi nhà không thuộc diện di tích sẽ bị phá bỏ và xây dựng lại.

Ảnh: Sohu
Để đảm bảo quyền lợi người dân, mức đền bù được áp dụng lên tới 8.000 NDT/m². Con số này được cho là cao hơn nhiều so với giá thị trường lúc bấy giờ. Ngoài ra, mỗi hộ dân còn được cấp nhà tái định cư tùy theo số lượng nhân khẩu. Điều này giúp nhiều gia đình đổi đời sau khi nhận đền bù.
Như nhiều gia đình khác, ngôi nhà khoảng 50m² của bà Trương cũng nằm trong diện di dời. Ban đầu, bà Trương đồng ý với mức đền bù 2 triệu NDT. Tuy nhiên, sau khi nghe lời khuyên từ người thân rằng vị trí căn nhà nằm ở giao lộ trung tâm của tuyến phố, có giá trị cao nên bà cụ này đã đổi ý, yêu cầu nâng mức đền bù lên 3 triệu NDT.
Để tránh trì hoãn dự án, phía chủ đầu tư chấp thuận mức đền bù 3 triệu NDT mà gia đình bà Trương yêu cầu. Tuy nhiên khi phát hiện đối phương đã “xuống nước”, người thân của bà Trương lại thúc giục bà nâng giá đền bù lên… 5 triệu NDT (hơn 17 tỷ đồng).
Từ đây, quá trình thương lượng rơi vào bế tắc. Chủ đầu tư quyết định không tiếp tục nhân nhượng và quay lại mức bồi thường ban đầu vì như thế là không công bằng với những hộ dân khác. Trong suốt một thời gian dài, cán bộ địa phương vẫn kiên trì đến vận động bà Trương. Thế nhưng thay vì đồng thuận, bà cụ này lại càng tin rằng ngôi nhà của mình là “mắt xích sống còn” của dự án nên càng hống hách, tuyên bố: “Nhà tôi ở ngay ngã tư, trả 100 triệu NDT (hơn 357 tỷ đồng) mới xứng đáng”.
Trước yêu cầu phi lý của bà cụ này, chủ đầu tư quyết định ngừng đàm phán và điều chỉnh lại thiết kế dự án. Tuyến đường chính của phố cổ Bắc Đường được thiết kế lệch khoảng 5m so với kế hoạch ban đầu, hoàn toàn không còn bị ảnh hưởng bởi ngôi nhà của bà Trương. Để dự án kịp tiến độ, đội ngũ công nhân thi công đã phải làm việc ngày đêm. Lúc này, nhà bà Trương bị cắt điện, nước và nằm lọt thỏm giữa công trường xây dựng bụi bặm và ồn ào. Dù vậy, bà cụ này vẫn ảo tưởng cho rằng mình nắm chắc phần thắng.

Ảnh: Sohu
Khi dự án dần hoàn thiện, bà Trương mới nhận ra không còn ai đến đàm phán nên mới tự tìm đến chủ đầu tư để xin được nhận mức bồi thường ban đầu. Tuy nhiên lúc này, bà Trương được thông báo: “Dự án đã thay đổi, vị trí ngôi nhà của bà không còn trong diện giải tỏa nên không có đền bù.”
Cứ như vậy, sau hơn 10 năm cố thủ, ngôi nhà của bà Trương vẫn giữ nguyên trạng cho đến ngày nay, phủ đầy cỏ dại và cách biệt với cộng đồng. Trái ngược với cuộc sống ổn định của những người hàng xóm sớm di dời, bà Trương không có nghề nghiệp ổn định nên sống bằng nghề thu gom phế liệu. Khoảng sân nhỏ nhà bà giờ cũng đã thành nơi chứa đầy đồ bỏ đi.
Câu chuyện về căn nhà đinh giữa phố cổ Thiên Tân này chính là lời cảnh tỉnh đối với những người có lòng tham vượt quá giới hạn. Chính họ đã tự tay tước đoạt đi cơ hội đổi đời của mình.
(Theo Sohu)
Đọc bài gốc tại đây.