Loại quả được nhắc tới chính là bồ kết. BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở 3 cho hay bồ kết từ bao đời nay không chỉ là một biểu tượng trong nếp sống dân gian của người Việt mà còn là một dược liệu quý trong y học cổ truyền. Với hương thơm dịu nhẹ, khả năng làm sạch và dưỡng tóc vượt trội, bồ kết đã đi vào đời sống và y học như một món quà thiên nhiên ban tặng cho mái tóc và sức khỏe.
Từ xa xưa, bồ kết đã được xem như một “mỹ phẩm thiên nhiên” không thể thiếu trong hành trình chăm sóc tóc của người Việt. Dân gian lưu truyền rằng, gội đầu bằng bồ kết không chỉ giúp làm sạch mà còn phục hồi mái tóc khô xơ, chẻ ngọn.
Bác sĩ Vũ cho hay không chỉ giúp phục hồi tóc hư tổn, bồ kết còn kích thích quá trình tái tạo tóc, thúc đẩy mọc tóc nhanh, đồng thời hạn chế tình trạng rụng tóc rõ rệt. Với những ai đang gặp tình trạng rụng tóc nhiều, gội đầu bằng bồ kết đều đặn có thể mang lại hiệu quả tích cực. Lợi ích này là do bồ kết có chứa saponin, có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, làm sạch gàu một cách hiệu quả.
Saponin trong bồ kết có đặc tính kháng nấm mạnh mẽ, có thể hỗ trợ điều trị các chứng nấm da đầu và loại bỏ tận gốc các tác nhân gây bệnh, trả lại cho mọi người da đầu và mái tóc khỏe mạnh.

Quả bồ kết.
Các bộ phận trên cây bồ kết đều có thể làm thuốc
Cây bồ kết có tên khoa học Gleditschia australis Hemsl, thuộc họ Vang (Caesalpiniaceae). Theo thông tin trên báo Phụ nữ Việt Nam, cây bồ kết được tìm thấy ở một số nơi như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An. Riêng đảo Cát Bà (Hải Phòng) ước tính có tới 40.000 cây, hàng năm cho tới 40 tấn bồ kết.
Theo bác sĩ Vũ, từ cây bồ kết, người dân sẽ thu hái và chế biến ba bộ phận chính để làm thuốc:
1. Quả bồ kết (Fructus Gleditschiae)
Quả bồ kết dùng làm thuốc là quả chín, được phơi hoặc sấy khô. Quả có chứa saponin, flavonoid, một số hợp chất triterpen.
Theo tài liệu ghi chép Cây thuốc, bài thuốc và Biệt dược của nhóm tác giả (DS Phạm Thiệp, DS Lê Văn Thuần, DS Bùi Xuân Chương), quả bồ kết có vị cay mặn, tính ấm. Quả bồ kết có tác dụng vào 2 kinh phế, đại trường có tác dụng trừ đờm, khai khiếu, nhuận tràng, thông sữa. Chữa các chứng bệnh như tắc đờm, hen suyễn, ho tức ngực, trúng phong, ngất xỉu, cấm khẩu…
2. Hạt bồ kết (Semen Gleditschiae)
Hạt bồ kết nằm trong quả chín, cũng được sấy khô để làm thuốc.
3. Gai bồ kết (Spina Gleditschiae)
Đây là những chiếc gai mọc tua tủa trên thân cây, được hái về phơi hoặc sấy khô, có thể thái mỏng khi còn tươi để tiện sử dụng. Gai bồ kết cũng có chứa saponin.
Theo tài liệu ghi chép Cây thuốc, bài thuốc và Biệt dược, gai bồ kết có vị cay, tính ấm đi vào 2 kinh phế, đại trường. Có tác dụng hoạt huyết, tiêu viêm, trừ đờm, thông sữa, giải độc, chữa chứng u nhọt độc, tắc tia sữa…
Trong y học cổ truyền Trung Quốc, bồ kết cũng được ghi nhận như một loại thuốc trừ đờm mạnh, đặc biệt hữu ích trong điều trị phong đàm, trúng phong, cấm khẩu.
Một số bài thuốc hay từ bồ kết
Dưới đây, bác sĩ Vũ giới thiệu một số bài thuốc hay có sử dụng bồ kết.
– Trị ho: Quả bồ kết 1g, quế chi 1g, đại táo 4g, cam thảo 2g, sinh khương 1g. Sắc với 600ml nước đến khi còn 200ml, chia thành 3 lần uống trong ngày.
– Sâu răng, nhức răng: Bột quả bồ kết đắp vào chân răng đến khi chảy nước dãi thì nhổ ra.
– Trẻ em chốc đầu, rụng tóc: Đốt quả bồ kết thành than, tán nhỏ, rửa sạch vết thương rồi đắp lên.
– Đi lỵ lâu ngày: Hạt bồ kết sao vàng, tán nhỏ, viên với hồ nếp thành viên có kích cỡ như hạt ngô, uống 10–20 viên cùng nước chè đặc.
– Sưng vú ở phụ nữ: Gai bồ kết đốt tồn tính 40g, bạng phấn (vỏ bào ngư tán bột) 4g, tán mịn, mỗi lần uống 4g.
– Dùng làm nước gội đầu giúp tóc nhanh mọc, dài, mượt: Quả bồ kết khô tuỳ lượng, nướng thơm cho vào nồi nước nấu sôi. Sau đó cho thêm các nguyên liệu khác như lá bưởi, sả, vỏ cam, hương nhu… tiếp tục đun sôi rồi để nguội và dùng để gội đầu.
Bác sĩ Vũ cho rằng bồ kết cần được nghiên cứu và ứng dụng sâu rộng hơn trong chăm sóc sức khỏe hiện đại, chăm sóc tóc.
Đọc bài gốc tại đây.