Kim Dung đã sửa nguyên tác Thiên Long Bát Bộ 3 lần. Trong lần sửa cuối, ông đã tạo ra một thay đổi gây nhiều tranh cãi: Vương Ngữ Yên quay trở lại với Mộ Dung Phục, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của Đoàn Dự trên con đường chinh phục trái tim người đẹp. Điều này khiến không ít độc giả cảm thấy bất mãn tiếc cho Đoàn Dự khi ai cũng biết chàng si mê Vương Ngữ Yên đến nhường nào, dù bên cạnh có rất nhiều cô gái khác.

Trong lần sửa cuối của tác phẩm Thiên Long Bát Bộ, Kim Dung đã tạo ra một thay đổi gây nhiều tranh cãi: Vương Ngữ Yên quay trở lại với Mộ Dung Phục. (Ảnh: Sohu)
Mặc dù Đoàn Dự cũng được coi là đa tình, nhưng người chàng yêu nhất vẫn luôn là Vương Ngữ Yên. Vì nàng, chàng vương tử Đại Lý bất chấp thân phận, luôn kề cận, mặc cho sự lạnh nhạt, hờ hững. Thậm chí, Đoàn Dự còn sẵn sàng liều mình vì Vương Ngữ Yên. Xét về độ si tình trong Thiên Long Bát Bộ, có lẽ chỉ có Du Thản Chi mới có thể sánh ngang với Đoàn Dự. Trên Thiếu Thất sơn, chứng kiến tình cảm của Du Thản Chi dành cho A Tử, Đoàn Dự như tìm thấy tri kỷ.
Có lẽ Đoàn Dự vẫn tự trách bản thân chưa đủ cố gắng, nhưng thực tế, thất bại của chàng là điều dễ hiểu bởi ngay từ đầu chàng đã chọn sai cách. Theo phân tích của các học giả trên Sohu, nếu cứ cho đi là sẽ nhận lại được tình yêu thì Du Thản Chi đã thành công từ lâu rồi. Nguyên nhân chính khiến Đoàn Dự thất bại nằm ở việc chàng không hiểu Vương Ngữ Yên. Trong mắt Đoàn Dự, Vương Ngữ Yên là thần tiên tỷ tỷ, hoàn hảo không có khuyết điểm. Nhưng suy cho cùng, nàng cũng chỉ là một người trần mắt thịt, cũng có những rung động rất đời thường.

Độc giả cảm thấy bất mãn tiếc cho Đoàn Dự khi ai cũng biết chàng si mê Vương Ngữ Yên đến nhường nào, dù bên cạnh có rất nhiều cô gái khác. (Ảnh: Sohu)
Trong nguyên tác có một đoạn rất thú vị, khi Vân Trung Hạc, một trong Tứ đại ác nhân, buông lời trêu ghẹo Vương Ngữ Yên: “Tiểu cô nương, nàng thật xinh đẹp, theo ta về làm vợ lẽ cũng được đấy.” Nghe Vân Trung Hạc khen mình xinh đẹp, Vương Ngữ Yên tỏ ra khá thích thú. Nàng không hề tức giận trước lời nói phù phiếm của hắn, mà còn mỉm cười đáp lại: “Ngươi cũng không biết xấu hổ, ngươi có gì tốt đẹp mà ta phải lấy ngươi?”
Thông thường, khi bị kẻ như Vân Trung Hạc trêu ghẹo, phản ứng bình thường của một cô gái sẽ là tức giận. Nhưng Vương Ngữ Yên lại tỏ ra thích thú, không những không khó chịu mà còn tiếp tục trò chuyện với Vân Trung Hạc.

Vân Trung Hạc, một trong Tứ đại ác nhân trong Thiên Long Bát Bộ. (Ảnh: Sohu)
Đừng quên rằng, dù xinh đẹp tuyệt trần và uyên bác, nhưng Vương Ngữ Yên cũng chỉ là một cô gái trẻ. Biểu ca Mộ Dung Phục trong mắt nàng như một thần tượng, một anh trai mà nàng ngưỡng mộ từ nhỏ, chứ chưa hẳn là tình yêu sâu đậm. Tình cảm đó chỉ là sự sùng bái từ thuở ấu thơ.
Nếu gặp được một chàng trai biết cách “thả thính”, Vương Ngữ Yên hoàn toàn có thể thay lòng đổi dạ. Ngay cả lời trêu ghẹo của kẻ như Vân Trung Hạc, Vương Ngữ Yên còn không bận tâm, thậm chí còn thấy vui vẻ. Vậy nếu là những cao thủ tình trường như Dương Quá hay Vi Tiểu Bảo thì chẳng phải dễ dàng chinh phục nàng hay sao?
Vấn đề lớn nhất của Đoàn Dự chính là chàng quá thật thà, không biết cách tán tỉnh, chỉ là một chàng trai tốt bụng, chân thành.
Điều này cũng giống như việc những chàng trai hiền lành, chỉ biết một mực đối tốt với người mình thích lại thường không được đáp lại. Khi người đàn ông càng quan tâm đến cô ấy, càng lao vào si mê thì càng khiến cô ấy xem thường. Thậm chí, cô ấy còn cho rằng chàng trai thiếu nam tính. Đoàn Dự chính là kiểu người điển hình như vậy.

Đoàn Dự không hiểu được trái tim Vương Ngữ Yên, hay nói đúng hơn là chàng không hiểu tâm tư của các cô gái, nên mới thất bại. (Ảnh: Sohu)
Hãy nhìn cách Mộ Dung Phục đối xử với Vương Ngữ Yên, hoàn toàn thờ ơ, lạnh nhạt, khiến nàng cảm thấy mình không quan trọng. Và chính điều đó lại khiến Vương Ngữ Yên càng thêm si mê.
Cách mà Đoàn Dự lựa chọn là cho đi mà không cần nhận lại, hy vọng có thể cảm động Vương Ngữ Yên. Đoàn Dự không hiểu được trái tim Vương Ngữ Yên, hay nói đúng hơn là chàng không hiểu tâm tư của các cô gái, nên mới dẫn đến thất bại như ở phần kết của bản sửa lần thứ 3.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả trên Sohu, Sina, 163
Tổng hợp
Đọc bài gốc tại đây.