Reuters (Anh) ngày 23/4 đưa tin, sau nhiều tháng chậm tiến độ, vào tuần trước, Campuchia đã ký một thỏa thuận với Trung Quốc để phát triển Kênh đào Funan Techo khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Campuchia trong khuôn khổ chuyến công du Đông Nam Á.
Theo Reuters, đây là cam kết công khai rõ ràng đầu tiên của Bắc Kinh đối với dự án này, trao cho công ty xây dựng khổng lồ do nhà nước Trung Quốc kiểm soát là China Communications Construction Company (CCCC) 49% cổ phần thông qua một công ty con, đồng thời liên kết sự hỗ trợ của Trung Quốc với “tính bền vững” của dự án.

Kênh đào Funan Techo là một dự án do Trung Quốc tài trợ, dài 180 km, được xây dựng để nối lưu vực sông Mê Kông với Vịnh Thái Lan tại tỉnh Kep, phía nam Campuchia, dự kiến hoàn thành vào năm 2028. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, Ban thư ký của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) – phụ trách điều phối phát triển bền vững con sông dài nhất Đông Nam Á – cho biết đến thời điểm này họ mới chỉ nhận được “thông tin cơ bản” về dự án từ phía Campuchia.
“Chúng tôi hy vọng rằng sẽ nhận được các thông tin chi tiết hơn, bao gồm báo cáo nghiên cứu khả thi và các báo cáo liên quan khác”, MRC cho biết trong một tuyên bố gửi cho Reuters vào tuần này.
Điều đó là cần thiết “để đảm bảo rằng bất kỳ tác động tiềm tàng nào đối với lưu vực sông Mê Kông rộng lớn hơn đều được xem xét đầy đủ”, MRC nói thêm.
Theo Reuters, kênh đào Funan Techo này đã khiến các nhà môi trường cảm thấy quan ngại. Họ cho rằng dự án có thể gây hại thêm cho hệ sinh thái mong manh của Đồng bằng sông Cửu Long – vùng trồng lúa chính của Việt Nam và đang phải đối mặt với các vấn đề hạn hán và nhiễm mặn do các dự án cơ sở hạ tầng ở thượng nguồn sông Mê Kông. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, hôm 18/4, Chính phủ Campuchia cho biết kênh đào này sẽ có tác động tối thiểu đến môi trường và “phù hợp với Hiệp định Mê Kông năm 1995” – điều chỉnh sự hợp tác giữa các quốc gia ven sông ở Đông Nam Á.
Sông Mê Kông được cung cấp nước bởi một loạt các nhánh, chảy khoảng 4.900 km từ thượng nguồn ở Cao nguyên Tây Tạng qua Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam, rồi đổ ra biển.
“Liệu kênh đào Funan Techo có vi phạm Hiệp định Mê Kông năm 1995 hay không phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm cả kết nối của nó với dòng chính sông Mê Kông”, MRC cho biết, đồng thời cung cấp hướng dẫn bổ sung cho Campuchia và các quốc gia thành viên khác “để đảm bảo tuân thủ” hiệp định.
Theo Reuters, Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam là thành viên của MRC trong khi Trung Quốc và Myanmar là đối tác đối thoại.
Trung Quốc ủng hộ xây dựng kênh đào theo “nguyên tắc khả thi và bền vững”
Reuters đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đề cập đến kênh đào Funan Techo trong các phát biểu công khai của mình tại Phnom Penh nhưng thông cáo chung được công bố vào cuối chuyến thăm của ông cho biết Trung Quốc ủng hộ Campuchia xây dựng kênh đào “theo các nguyên tắc khả thi và bền vững”.
Thỏa thuận được CCCC ký hôm 18/4 là về một kênh đào dài 151,6 km với chi phí xây dựng 1,16 tỷ USD.
Tuy nhiên, Chính phủ Campuchia cho biết trên trang web chính thức của kênh đào Funan Techo rằng tuyến đường thủy này sẽ dài 180 km và có chi phí 1,7 tỷ USD khi hoàn thành vào năm 2028.
Tổng chi phí cao hơn là do một đoạn ngắn của con kênh sẽ do các công ty Campuchia xây dựng cũng như chi phí xây cầu và bảo tồn nguồn nước, chính phủ Campuchia nói với Reuters, nhưng không làm rõ ai sẽ chi trả cho việc xây cầu và bảo tồn nguồn nước.
Theo Reuters, Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol từng cho biết hồi tháng 5/2024 rằng Trung Quốc sẽ chi trả toàn bộ chi phí của dự án, dự kiến vào khoảng 1,7 tỷ USD.

Một người nông dân đang làm ruộng ở tỉnh Sóc Trăng, Đồng bằng sông Cửu Long. Các đập thủy điện xây dựng ở thượng nguồn khiến Đồng bằng sông Cửu Long mất đi lượng phù sa vốn rất cần thiết. Ảnh: Reuters
Kênh đào Funan Techo được thiết kế để nối lưu vực sông Mê Kông với Vịnh Thái Lan tại tỉnh Kep, phía nam Campuchia. Một phân tích của Reuters năm 2022 cho thấy phần lớn trầm tích giàu dinh dưỡng của sông Mê Kông không còn chảy đến các cánh đồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long nữa do nhiều đập thủy điện được xây dựng ở thượng nguồn sông Mê Kông.
Dự án đã thỏa thuận giữa Campuchia với Trung Quốc cũng khác so với kế hoạch ban đầu vì nó tập trung vào việc thúc đẩy thủy lợi thay vì chỉ theo đuổi mục đích điều hướng dòng chảy, Brian Eyler – chuyên gia về khu vực sông Mê Kông tại Trung tâm nghiên cứu Stimson (Mỹ) – cho biết.
Eyler nhận định rằng lượng nước được điều hướng khỏi Đồng bằng sông Cửu Long “sẽ nhiều hơn hẳn so với mô tả trước đây”.
(Theo Reuters)
Đọc bài gốc tại đây.