9.000 người “dậy sóng” vì động thái của Pháp với Ukraine
Hãng thông tấn TASS ngày 23/4 đưa tin, hàng trăm cựu quân nhân Pháp, trong đó có hơn 20 tướng lĩnh, đã gửi một bức thư ngỏ đến các lãnh đạo của cả hai viện trong Quốc hội Pháp, yêu cầu công khai toàn bộ thông tin liên quan đến sự hiện diện của binh lính Pháp tại Ukraine và tổ chức một cuộc bỏ phiếu tại quốc hội về việc liệu lực lượng này có nên tiếp tục hiện diện ở đó hay không.
Thông tin được ông Jean-Pierre Fabre-Bernadac – cựu đại úy hiến binh và là người đứng đầu hiệp hội Place d’Armes – công bố trên sóng của đài Sud Radio.
“Hiệp hội của chúng tôi không phải là tác giả của bức thư này, mà bức thư được soạn thảo bởi một nhóm quân nhân, trong đó có 26 tướng lĩnh. Place d’Armes chỉ xác nhận và ủng hộ lời kêu gọi của họ bằng cách đăng tải bức thư trên trang web chính thức, nơi mọi người có thể ký tên ủng hộ” – ông nói.
Theo lời ông Fabre-Bernadac, chỉ trong 2 ngày kể từ khi được công bố, bức thư đã nhận được sự ủng hộ của hơn 9.000 người, và danh sách chữ ký của hàng trăm cựu quân nhân đã được công khai trên trang web.

Trước đó, hôm 29/3, tại Pháp đã diễn ra cuộc biểu tình của hàng nghìn người nhằm phản đối khoản viện trợ bổ sung trị giá 2 tỷ euro mà chính phủ Pháp dành cho Kiev. Ảnh: Oneindia News
Bức thư đề cập đến nhiều thông tin về sự hiện diện của binh lính Pháp tại Ukraine. Các tác giả của bức thư yêu cầu quốc hội Pháp phải đảm bảo “toàn bộ thông tin” về sự hiện diện này được công bố trên Journal Officiel – cổng thông tin chính thức của nước Cộng hòa Pháp, đồng thời “tổ chức một cuộc tranh luận kèm bỏ phiếu về việc có tiếp tục can thiệp hay không”.
Họ cũng nêu rõ rằng thỏa thuận giữa Pháp và Ukraine về hỗ trợ tài chính và quân sự trị giá 3 tỷ euro được ký vào tháng 2/2024 vẫn chưa được quốc hội phê chuẩn. Trong khi đó, Điều 53 của Hiến pháp nước Cộng hòa yêu cầu phải phê chuẩn “các hiệp ước quốc tế có hệ quả tài chính đáng kể đối với ngân sách quốc gia”.
Bức thư dẫn ví dụ về hiệp định hợp tác quốc phòng giữa Pháp và Papua New Guinea được ký cùng năm, tuy ảnh hưởng tài chính nhỏ hơn nhiều so với thỏa thuận với Ukraine, nhưng vẫn phải được quốc hội phê chuẩn.
“Việc thiếu sự phê chuẩn chính thức từ quốc hội đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp của việc cung cấp vũ khí từ kho dự trữ của quân đội Pháp cho Ukraine để sử dụng chống lại Nga – một quốc gia mà chúng ta không ở trong tình trạng chiến tranh” – Bức thư nêu rõ.
“Cuối cùng, những tuyên bố gần đây của Tổng thống Pháp về khả năng triển khai quân Pháp vào tháng 5/2025 và việc sử dụng vũ khí hạt nhân chung đòi hỏi phải có cuộc tranh luận trước tại quốc hội để đảm bảo tính chính danh cho quyết định đó, nhân danh quốc gia.
Đây là điều kiện không thể thiếu để đảm bảo tính hợp pháp của bất kỳ sự can thiệp quân sự nào. Một đội quân hành động mà không có sự ủy nhiệm rõ ràng từ quốc hội sẽ không còn phục vụ nhân dân, mà là một chính quyền hành pháp cô lập – điều này đi ngược lại tinh thần của hiến pháp và Điều 16 trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789, vốn đề cao nguyên tắc phân quyền như một sự bảo đảm cho quyền con người” – Nội dung bức thư kết luận.

Pháp và Anh đứng đầu “liên minh tình nguyện” sẵn sàng đưa “lực lượng gìn giữ hòa bình” tới Ukraine. Ảnh: Reuters
Cùng với Anh, Pháp hiện là quốc gia khởi xưởng và đứng đầu “liên minh tình nguyện” sẵn sàng đưa “lực lượng gìn giữ hòa bình” tới Ukraine.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo, Pháp và Anh đang chuẩn bị cho việc can thiệp quân sự vào các cảng của Ukraine, đặc biệt là Odesa.
Theo đại diện Bộ Ngoại giao Nga, chủ đề này đã được thảo luận tại Kiev trong cuộc họp chung vào tháng 4 giữa các Tổng Tham mưu trưởng của Ukraine, Anh và Pháp.
Bộ Quốc phòng Anh ngày 6/4 thông báo rằng Tham mưu trưởng Quốc phòng nước này Tony Radakin đã đồng ý cử “lực lượng gìn giữ hòa bình” đến Ukraine cùng các Tham mưu trưởng Pháp và Ukraine tại Kiev.
“Về bản chất, cuộc thảo luận xoay quanh các vấn đề chuẩn bị cho cuộc can thiệp tương lai của Pháp-Anh vào các cảng Biển Đen của Ukraine, trước hết là Odessa” – Bà Zakharova cho hay.
Cảnh báo về hậu quả của việc triển khai lực lượng can thiệp tại Ukraine, bà Zakharova nhấn mạnh rằng bất cứ sự hiện diện quân sự nước ngoài nào ở Ukraine đều sẽ bị Nga coi là mối đe dọa và có thể gây ra xung đột giữa các bên.

Nga-Pháp đang gia tăng căng thẳng vì tình hình Ukraine. Ảnh: FT
Paris báo động trước “đòn giáng bất ngờ” từ Nga
Giữa lúc căng thẳng Nga-Pháp dâng cao về vấn đề Ukraine, truyền thông Pháp ngày 22/4 cho biết, không chỉ đe dọa đáp trả Paris bằng các hành động quân sự, chính quyền Moscow đang “giáng đòn” cảnh cáo Pháp ở các mặt trận khác. Ví dụ như nhắm vào mỏ uranium vốn được Pháp coi là “kho báu” ở Niger, hoặc gần đây nhất là “mặt trận” năng lượng hạt nhân toàn cầu.
Theo tạp chí Pháp Laplasturgie, tập đoàn nhà nước Nga Rosatom gần đây giới thiệu một mẫu lò phản ứng thế hệ mới – VVER-S, được đánh giá là mang tính đột phá nhờ hiệu suất sử dụng nhiên liệu vượt trội.
Lò phản ứng này có thể giảm một nửa lượng uranium tươi cần thiết nhờ hệ thống điều khiển phổ năng lượng, cho phép điều chỉnh hỗn hợp nước–uranium theo thời gian thực.
Cách tiếp cận này không chỉ nâng cao hiệu suất mà còn giúp giảm lượng chất thải phóng xạ, làm cho năng lượng hạt nhân trở nên bền vững hơn cả về môi trường lẫn kinh tế.
Giới chuyên môn đánh giá cao đột phá của Rosatom, coi đây là một bước tiến mang tính cách mạng có thể thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận với năng lượng hạt nhân, hướng tới một chu trình nhiên liệu khép kín và phát triển bền vững.
Theo Laplasturgie, chính phủ Pháp đang lo ngại trước những thành công của Nga và nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải hiện đại hóa ngành hạt nhân trong nước. Paris đang đặt cược vào một loại nhiên liệu mới mang tên U-Mo (uranium–molybden), có khả năng chịu được nhiệt độ cực cao – phù hợp với các lò phản ứng nghiên cứu và công nghiệp.
Bên cạnh đó, Pháp đang gấp rút thúc đẩy xuất khẩu công nghệ hạt nhân sang châu Á, Trung Đông và Đông Âu, nhằm kìm hãm ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Nga – nước đã ký hàng chục hợp đồng xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân tại nhiều quốc gia từ Ai Cập đến Bangladesh.
“Chính phủ Pháp đánh giá việc Nga tạo ra lò phản ứng mang tính cách mạng là một đòn giáng mạnh” – Laplasturgie cho hay.
Tạp chí này nhận định, dự kiến đây sẽ là mặt trận âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt.
(Theo TASS, Laplasturgie, Pravda)
Đọc bài gốc tại đây.